Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý.

Trong đó, Thông tư quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục - đào tạo thuộc Phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung hai nhiệm vụ mới mà trước đây, theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ không được giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, gồm: Tham mưu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lí;

Tham mưu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.

Ủy ban nhân dân xã bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó giúp đánh giá đúng nhân sự

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Văn Tiếp - Phó Phòng Văn hoá - Xã hội, Uỷ ban nhân dân xã Sín Chéng (tỉnh Lào Cai) cho biết: "Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu về những nhiệm vụ mới được đề xuất trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, nội dung đáng chú ý là vai trò của phòng Văn hóa - Xã hội trong việc tham mưu, trình chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã các quyết định liên quan đến công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kéo dài thời gian công tác hay kỷ luật người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Theo dự thảo mới, nhiệm vụ này được chuyển về cho cấp xã, trong khi theo Nghị định 142 thì thẩm quyền này là của sở giáo dục và đào tạo".

01.jpg
Ông Phạm Văn Tiếp - Phó Phòng Văn hoá - Xã hội, Uỷ ban nhân dân xã Sín Chéng. Ảnh: NVCC

Ông Tiếp chia sẻ, về mặt lý thuyết, nếu giao cho sở giáo dục và đào tạo thì cũng hợp lý vì họ có đầy đủ chuyên môn và kinh nghiệm. Tuy nhiên, phạm vi quản lý của sở giáo dục và đào tạo rất rộng, số lượng công việc lớn, nên nếu dồn hết các đầu việc về đó thì quá tải là điều dễ hiểu.

Việc phân cấp cho xã phụ trách các công tác nhân sự người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu tại cơ sở giáo dục công lập cũng là một hướng đi hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Dù vậy, cũng cần nhìn nhận rằng ở cấp xã, phạm vi là khá hẹp. Ví dụ như công tác biệt phái người đứng đầu và cấp phó sẽ gặp khó khăn do quy mô nhỏ, số lượng trường học trên địa bàn rất ít, có nơi chỉ vài trường. Như vậy, sẽ thiếu sự đa dạng trong lựa chọn và điều động nhân sự.

"Thực tế tại xã Sín Chéng, Uỷ ban nhân dân xã đang vận hành khá tốt các nhiệm vụ ở cấp xã. Các chế độ, chính sách cho người dân được triển khai nhanh chóng, phản hồi kịp thời. Điều quan trọng là cần có sự rõ ràng về phân cấp và có cơ chế đào tạo, hỗ trợ phù hợp cho đội ngũ cán bộ cấp xã về chuyên môn đặc thù.

Điển hình đối với các nhiệm vụ được nêu trong dự thảo như công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu thì xã hoàn toàn có thể tiếp nhận và thực hiện tốt. Ưu thế của cấp xã là gần dân, gần cơ sở, nắm được thông tin nhanh, có thể tham mưu kịp thời và sát thực tế", ông Tiếp chia sẻ.

Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Văn hoá - Xã hội, Uỷ ban nhân dân phường Điện Biên Đông (tỉnh Quảng Nam) cũng đồng tình với đánh giá trên. Bà Vân cho biết: "Việc phân cấp giao cho phòng Văn hoá - Xã hội của Uỷ ban nhân dân xã, phường tham mưu, trình chủ tịch uỷ ban nhân dân công nhận, bổ nhiệm, kỷ luật hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập đặt ra nhiều thuận lợi nhưng cũng có một số vấn đề cần quan tâm.

Một trong những yếu tố quyết định là năng lực chuyên môn của cán bộ tại phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã. Nếu phòng này có cán bộ chuyên trách hoặc từng làm trong ngành giáo dục, việc đảm nhiệm các đầu việc mới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều".

Theo bà Vân, cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục thường có thể đồng thời kiêm nhiệm thêm các mảng y tế, văn hóa. Tuy nhiên, ngược lại cán bộ vốn làm mảng y tế, văn hóa được giao thêm phụ trách mảng giáo dục sẽ gặp khó khăn đáng kể, bởi giáo dục là một lĩnh vực có đặc thù riêng, hệ thống văn bản, quy định pháp luật phức tạp, cần người có hiểu biết sâu và sát.

Bà Vân cho hay, thực tế tại phường Điện Bàn Đông may mắn vẫn có một số cán bộ đã từng công tác trong ngành giáo dục nên sẽ phần nào thuận lợi hơn khi tiếp cận nhiệm vụ mới. Trước đó, bà Trần Thị Thanh Vân giữ chức Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn. Do đó, với bà Vân, công việc mới tại Uỷ ban nhân dân xã Điện Bàn Đông không quá khó khăn.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có điều kiện như vậy. Nhiều uỷ ban nhân dân xã, phường hiện nay không có chuyên viên được chuyển từ ngành giáo dục xuống, dẫn tới sự khó khăn nhất định nếu phải tham mưu, đề xuất các công tác liên quan đến tổ chức cán bộ trong lĩnh vực giáo dục.

"Dù vậy, điều đáng ghi nhận là tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới của đội ngũ cán bộ phòng Văn hóa - Xã hội là rất rõ ràng. Khó khăn chủ yếu là ở bước đầu do chưa nắm rõ chuyên môn giáo dục. Bù lại, cán bộ cấp xã lại có lợi thế rất lớn là hiểu rõ từng cá nhân tại địa phương - từ giáo viên cho tới hiệu trưởng, phó hiệu trưởng về năng lực, đạo đức, lối sống…

Điều này giúp việc đánh giá, nhận xét mang tính sát thực tế hơn. Tuy nhiên, để đưa ra được các nhận định chính xác và thực hiện được công tác bổ nhiệm, khen thưởng hay kỷ luật hiệu quả, cán bộ phụ trách bắt buộc phải có chuyên môn giáo dục vững vàng và am hiểu sâu về các quy định hiện hành", bà Vân khẳng định.

Ngoài ra, việc dự thảo Thông tư đề xuất chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lí cũng là hợp lý. Bởi khoảng cách giữa cấp xã và cấp tỉnh khá xa, cán bộ xã sẽ dễ dàng hiểu và nắm rõ đơn vị ở cơ sở hơn.

Dự thảo thông tư khác với nghị định đã ban hành, gây lúng túng

Cũng theo bà Trần Thị Thanh Vân, một trong những điểm đáng lưu ý hiện nay là sự chồng chéo trong quy định pháp lý liên quan đến thẩm quyền trong công tác tổ chức cán bộ ngành giáo dục. Cụ thể, dự thảo Thông tư mới đang đề xuất giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường quyền bổ nhiệm, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỷ luật đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Nghị định 142/2025/NĐ-CP, các thẩm quyền này vẫn thuộc về sở giáo dục và đào tạo.

Điều này tạo ra sự không thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo nguyên tắc, nghị định có giá trị pháp lý cao hơn thông tư, nên nếu hai văn bản cùng quy định về một nội dung nhưng có mâu thuẫn, thì phải thực hiện theo nghị định. Như vậy, trong trường hợp dự thảo thông tư chưa được điều chỉnh đồng bộ với nghị định, các cơ quan địa phương vẫn sẽ tuân thủ theo quy định của nghị định, tức sở giáo dục và đào tạo vẫn là cơ quan có thẩm quyền.

1-3325.jpg
Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Văn hoá - Xã hội, Uỷ ban nhân dân phường Điện Biên Đông. Ảnh: NVCC

"Khi tiếp nhận thông tin của dự thảo, các cán bộ phòng Văn hoá - Xã hội tại địa phương cảm thấy khá lúng túng trong quá trình nghiên cứu quy định này. Nếu dự thảo được thông qua, có lẽ nhiều người sẽ e ngại không dám tham mưu, hoặc chính chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã cũng chưa dám ký quyết định vì sợ rủi ro pháp lý, nhất là trong bối cảnh các quy định có thể thay đổi, hoặc chưa được hướng dẫn rõ ràng. Nếu chủ tịch uỷ ban nhân dân xã ký một quyết định theo thông tư, nhưng sau đó lại bị “vênh” với quy định tại nghị định sẽ rất khó xử lý", bà Vân bộc bạch.

Do đó, Trưởng phòng Văn hoá - Xã hội, Uỷ ban nhân dân phường Điện Biên Đông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chỉ đạo sát sao và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong việc ban hành các văn bản pháp lý, nhằm đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng và khả thi trong thực tiễn triển khai tại địa phương.

Về phía ông Phạm Văn Tiếp cho rằng, giữa uỷ ban nhân dân cấp xã và sở, ban, ngành liên quan cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ. Việc phân cấp là cần thiết, nhưng nếu để mỗi cấp giải quyết công việc một cách độc lập, thiếu sự trao đổi, hỗ trợ thì sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn, trùng lặp hoặc thậm chí làm sai quy định. Muốn triển khai hiệu quả, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất và có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ thực tế công tác tại phòng Văn hóa - Xã hội, ông cho biết hiện nay, cán bộ phụ trách mảng giáo dục thường kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác như y tế, bảo trợ xã hội, người có công… Do đó, việc đảm bảo chuyên môn sâu trong lĩnh vực giáo dục là một thách thức lớn.

Nếu dự thảo đã xác định cán bộ phòng Văn hoá - Xã hội có vai trò tham mưu cho chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã các vấn đề về nhân sự giáo dục thì trước tiên, cần thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật để nhân sự phòng, ban cấp xã xác định được rõ nhiệm vụ của mình.

Ngọc Huyền