Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu: “Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo”.

Từ định hướng quan trọng này, nhiều trường đại học có thế mạnh về khoa học và công nghệ đang nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ.

Chú trọng mở rộng hướng nghiên cứu ứng dụng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Sỹ Đức - Phó Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 57-NQ/TW là định hướng phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, có khả năng kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với Nhà trường, đây không phải là một nhiệm vụ mới mà là sự tiếp nối và nâng tầm những định hướng đã được xác lập từ nhiều năm trước.

z6406396166775-9ae9f3cd45ca0bd516735a37123a3f89-1736-7088.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Sỹ Đức - Phó Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Theo thầy Đức, trên thực tế, đội ngũ cán bộ khoa học và giảng viên luôn là yếu tố then chốt trong việc phát triển tiềm lực nghiên cứu. Nhà trường có lợi thế là kế thừa nền tảng từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây - một ngôi trường có bề dày truyền thống về chất lượng đào tạo nên đội ngũ hiện nay nhìn chung có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Nhà trường vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong việc thu hút, đào tạo và giữ chân các nhà khoa học có năng lực.

Để gỡ vướng tình trạng này, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã không ngừng cải thiện môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách lương thưởng rõ ràng, chế độ đãi ngộ hợp lý và đặc biệt là hệ sinh thái nghiên cứu thuận lợi.

Bên cạnh việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, Nhà trường cũng chú trọng mở rộng hướng nghiên cứu ứng dụng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các kết quả nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc công bố khoa học mà phải hướng tới khả năng áp dụng thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng tầm trình độ lực lượng sản xuất và cải thiện đời sống cộng đồng. Trong quá trình này, việc kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo đóng vai trò sống còn. Bởi đây không chỉ là xu hướng quốc tế mà còn là yêu cầu nội tại để trường có thể khẳng định vị thế trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”, thầy Đức nêu quan điểm.

Cùng bàn vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường - Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định, trong bối cảnh giáo dục đại học đang đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển các trường đại học trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, có khả năng kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng là một xu thế tất yếu. Hiện nay, Nhà trường đang trong quá trình vươn lên trở thành trung tâm khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng cao và có khả năng thương mại hóa, đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia.

968a5c76-2a67-42b5-98ba-f2188315d716.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường - Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách Khoa Hà Nội). Ảnh: Yên Đan

Theo thầy Trường, thực tế hiện nay, nhiều trường đại học đã thể hiện rõ định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 57. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước về vai trò của giáo dục đại học trong công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu theo hướng ứng dụng, phục vụ nhu cầu thực tiễn.

“Những năm gần đây, các trường đại học đã dần học hỏi và phát triển truyền thông tốt hơn, thể hiện qua việc công bố rộng rãi các thành tựu nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao. Những đề tài đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học, điển hình như hệ thống Awake Driver - một công nghệ sử dụng AI để cảnh báo tình trạng buồn ngủ của người lái xe dựa trên sóng não cho thấy sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn cuộc sống. Đây không chỉ là sản phẩm của tư duy học thuật mà còn thể hiện khả năng chuyển hóa tri thức thành giá trị kinh tế và đóng góp cho cộng đồng.

Để đạt được những kết quả này, vai trò của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là những người làm nghiên cứu khoa học hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc đào tạo và thu hút đội ngũ chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ vẫn đang gặp không ít khó khăn. Bên cạnh yêu cầu chuyên môn ngày càng cao, áp lực công bố quốc tế, tham gia đề tài, sáng chế… thì các giảng viên còn phải đối mặt với những rào cản về cơ chế, tài chính và hành chính”, thầy Trường nêu quan điểm.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên để tháo gỡ điểm nghẽn cho hoạt động nghiên cứu

Thầy Trường cho biết, trên hành trình thực hiện được mục tiêu trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, hiện nay thách thức lớn nhất mà trường đang phải đối mặt nằm ở cơ chế thực thi.

Đơn cử, hiện nay vấn đề thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, đặc biệt trong việc giải ngân các đề tài nghiên cứu. Đây là điểm nghẽn phổ biến khiến nhiều đề tài không được triển khai đúng tiến độ hoặc bị kéo dài, ảnh hưởng đến tinh thần và năng suất của các nhóm nghiên cứu. Mặc dù phía các trường, khoa và cá nhân giảng viên có quyết tâm rất lớn, nhưng nếu cơ chế tài chính vẫn cứng nhắc, không đồng bộ thì khó có thể tạo ra đột phá. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản đến Nhà trường để cùng tháo gỡ, cởi trói cho hoạt động nghiên cứu.

image-20240304081657-2-1.png
Sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hành. (Ảnh: website nhà trường)

Theo Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Mục tiêu của Đề án là Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ…

Định hướng đến năm 2035, Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo xuất sắc đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, được xếp hạng trong nhóm 100-150 khu vực châu Á theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

Đến năm 2045, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 100 trường hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có danh tiếng trong khu vực và thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thầy Trường bày tỏ: “Đây là sự khẳng định rõ nét cho định hướng phát triển đại học theo mô hình nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo gắn kết. Do đó, để phát triển trường đại học thành chủ thể nghiên cứu mạnh, Nhà trường cần một chiến lược tổng thể, đồng bộ và nhất quán. Trong đó, ba yếu tố then chốt cần chú trọng là xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng gắn với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế tài chính, hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người làm khoa học.

Khi những điểm nghẽn này được tháo gỡ, các sản phẩm nghiên cứu từ trường đại học sẽ không chỉ dừng lại ở các công bố học thuật, mà còn bước ra thị trường, phục vụ cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Đồng quan điểm, thầy Đức bày tỏ, về cơ sở vật chất, Nhà trường có nền tảng tương đối tốt nhờ quá trình phát triển gần 70 năm qua, với nhiều dự án đầu tư từ Nhà nước cũng như các nguồn tài trợ quốc tế khác. Tuy nhiên, trường vẫn luôn chủ động trong việc nâng cấp phòng thí nghiệm, bổ sung trang thiết bị, hiện đại hóa điều kiện nghiên cứu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các đề tài hiện đại nhằm tạo môi trường để các nhà khoa học có không gian sáng tạo và động lực để theo đuổi các ý tưởng khoa học lớn.

Thầy Đức cho rằng, trường đại học đảm nhiệm vai trò đào tạo và nghiên cứu, viện nghiên cứu có thế mạnh nghiên cứu chuyên sâu, còn doanh nghiệp đóng vai trò là đầu ra, cầu nối thực tiễn. Việc hợp tác ba bên giúp cho các nghiên cứu được đặt hàng từ nhu cầu thực tiễn, có định hướng rõ ràng, tăng khả năng ứng dụng và thương mại hóa. Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp hợp tác, có nhiều đơn vị do cựu sinh viên của trường điều hành, do đó họ hiểu rõ thế mạnh của khoa, sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất cũng như môi trường triển khai.

“Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ mang lại định hướng chiến lược mà còn là một cơ hội để các trường đại học tái cấu trúc lại mô hình phát triển nghiên cứu theo hướng hội nhập, thực tiễn và bền vững hơn. Với nền tảng truyền thống vững chắc, đội ngũ cán bộ chất lượng và sự chủ động thích ứng, Nhà trường hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một chủ thể nghiên cứu mạnh, góp phần vào sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia trong thời kỳ mới”, thầy Đức nhấn mạnh.

Yên Đan