Từ cử nhân ngành Kinh tế đến học bổng Thụy Điển lĩnh vực STEM của cựu sinh viên FTU

04/07/2025 07:50
Thu Trang
Theo dõi trên Google News

GDVN - Một trong những trở ngại với Mai Anh là ứng tuyển trái ngành bởi tốt nghiệp ngành Kinh tế Quốc tế, nhưng lại chọn học Thạc sĩ về Quản lý công nghệ.

Nguyễn Thị Mai Anh, cựu sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương đã đã xuất sắc giành được học bổng của toàn phần Chính phủ Thụy Điển (Swedish Institute Scholarship Pioneering Women in STEM), ngành Digital Leadership (Quản lý công nghệ số) tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển.

Mong muốn đóng góp cho sự phát triển và quản trị công nghệ số tại Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Mai Anh chia sẻ, cô biết đến học bổng này qua các diễn đàn du học và đặc biệt ấn tượng những giá trị bền vững mà chương trình hướng tới thông qua các chia sẻ từ các anh chị từng nhận học bổng Chính phủ Thụy Điển cho nhà lãnh đạo toàn cầu (SISGP). Khác với SISGP, SI Scholarship Pioneering Women in STEM là học bổng mới mở năm 2025, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Thụy Điển trong việc thúc đẩy phụ nữ phát triển trong lĩnh vực STEM ở các nước đang phát triển.

Về lý do ứng tuyển du học bậc thạc sĩ, Mai Anh cho biết: “Trong hơn 4 năm làm việc tại các công ty công nghệ ở Việt Nam, tôi nhận thấy hai thách thức lớn mà nhiều doanh nghiệp công nghệ gặp phải là quản lý nhân sự chưa hiệu quả, dẫn đến dự án thường xuyên chậm tiến độ và sản phẩm công nghệ đầu ra thiếu tiêu chuẩn quốc tế, gây cản trở khi tiếp cận thị trường toàn cầu.

Những vấn đề này thôi thúc tôi tìm kiếm một chương trình đào tạo bài bản về chiến lược và quản trị công nghệ, nhằm quay về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam.

Điều khiến tôi chọn học bổng này không chỉ là sự hỗ trợ tài chính toàn phần (Học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay), mà còn bởi mục tiêu mà học bổng theo đuổi là phát triển bền vững, nâng cao năng lực lãnh đạo và thúc đẩy đóng góp cho cộng đồng.

Đây cũng chính là con đường tôi đang theo đuổi, phát triển và quản trị công nghệ số tại Việt Nam, đặc biệt quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, theo Mai Anh, một trong những trở ngại lớn nhất là việc ứng tuyển trái ngành. Bởi xuất thân từ ngành Kinh tế, nhưng Mai Anh lại chọn học thạc sĩ về Quản lý công nghệ, lĩnh vực vốn thường dành cho ứng viên có nền tảng kỹ thuật hoặc bằng cấp liên quan đến STEM.

Nhiều chương trình Mai Anh ứng tuyển đều yêu cầu bằng cử nhân về công nghệ, trong khi kiến thức công nghệ chủ yếu của cô lại đến từ thực tiễn làm việc.

Hiện tại Mai Anh đang giữ chức vụ Product Team Leader tại Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm. Ảnh: NVCC
Hiện tại Mai Anh đang giữ chức vụ Product Team Leader tại Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm. Ảnh: NVCC

“Đã có lúc tôi cảm thấy rất áp lực, tự hỏi liệu mình có đang đi sai đường. Liệu sẽ có ai tin rằng một người học Kinh tế lại đủ năng lực để lãnh đạo các dự án công nghệ phức tạp. Tuy nhiên, tôi nhận ra giá trị thật sự không nằm ở bằng cấp, mà ở hành trình và những kết quả đã tạo ra.

Tôi từng trực tiếp dẫn dắt nhóm phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ hàng nghìn người dùng, tối ưu hệ thống giúp rút ngắn thời gian giao hàng từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ. Quan trọng hơn, tôi hiểu rõ nhu cầu thực tế của thị trường và cách đưa công nghệ vào để giải quyết vấn đề.

Chính sự kết hợp giữa tư duy kinh tế và kinh nghiệm thực tiễn đó đã trở thành điểm mạnh mà tôi làm nổi bật trong toàn bộ hồ sơ và bài luận của mình”, Mai Anh chia sẻ.

Một trong những thách thức với Mai Anh là trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vẫn phải cân bằng với công việc toàn thời gian ở vị trí trưởng nhóm. Quá trình chuẩn bị kéo dài hơn 8 tháng, ban ngày làm việc, ban đêm viết luận và chuẩn bị hồ sơ. Nhiều lần muốn bỏ cuộc nhưng Mai Anh vẫn tự nhủ: “Nếu không đi đến cùng, tôi sẽ không bao giờ biết mình có thể đi xa đến đâu”.

Đưa ra lời khuyên tới những bạn có ý định du học ứng tuyển trái ngành, Mai Anh nhắn nhủ: “Hãy tạo cầu nối hợp lý giữa ngành học hiện tại và ngành bạn muốn theo đuổi. Tuy bản thân là người học Kinh tế, nhưng lại đam mê quản lý công nghệ, vì vậy, tôi đã chọn làm khóa luận tốt nghiệp liên quan ví điện tử tại Việt Nam về chiến lược sản phẩm.

Ngoài ra, tôi cũng học thêm các khóa về Product Management (Quản lý sản phẩm) và làm các dự án cá nhân để củng cố năng lực chuyên môn. Điều quan trọng là ứng viên nên chủ động thể hiện sự chuyển hướng có chủ đích bằng kinh nghiệm thực tế, không chỉ bằng lời nói".

Điều quan trọng nhất khi viết bài luận là kể được một câu chuyện chân thật

Về kinh nghiệm viết bài luận cũng như xây dựng hồ sơ du học, Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ: “Một kỷ niệm đáng nhớ khi viết bài luận về vai trò lãnh đạo trong ngành công nghệ. Tôi không chọn tạo ra một thuật toán thay đổi thế giới hay một mô hình AI đột phá để gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Vì vậy, tôi chọn nhìn lại hành trình 4 năm và thừa nhận những gì bản thân đã làm được. Tôi từng giúp rút ngắn thời gian giao hàng từ vài ngày xuống vài giờ, dẫn dắt đội nhóm vượt qua bất đồng, và cải tiến hệ thống phục vụ hàng ngàn người dùng. Những điều tưởng như nhỏ bé ấy, khi tích lũy đủ lâu, cũng tạo ra tác động tích cực cho người dùng.

Điều quan trọng nhất khi viết bài luận là ứng viên nên kể được một câu chuyện chân thật, phản ánh rõ định hướng cá nhân và phù hợp với mục tiêu mà học bổng đang tìm kiếm. Học bổng SI Scholarship Pioneering Women in STEM không tìm người hoàn hảo, mà tìm những ứng viên có năng lực lãnh đạo, tầm nhìn rõ ràng và quyết tâm tạo ra tác động tích cực cho xã hội đặc biệt lĩnh vực STEM.

Trong bài luận, tôi tập trung vào những giá trị mình theo đuổi như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam chuyển đổi số, phát triển công nghệ bền vững, và kết nối chặt chẽ với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Thụy Điển đề cao.

Tôi xây dựng bài luận theo trục thời gian: Quá khứ - hiện tại - tương lai. Mở đầu bằng một kỷ niệm nhỏ trong quá khứ về ngày đầu tiên đi học khi tôi muốn ứng cứ làm lớp trưởng, đó là bài học đầu tiên về lãnh đạo.

Đồng thời, tôi cũng kể lại quá trình làm việc trong ngành công nghệ, những bài học rút ra và động lực theo đuổi con đường hiện tại. Từ chính trải nghiệm đó mà hiện tại tôi nhận ra những vấn đề cần giải quyết, như quản lý nhân sự thiếu hiệu quả hay sản phẩm chưa đạt chuẩn quốc tế. Và cuối cùng, trong tương lai, tôi đưa ra cam kết cụ thể: sau khi tốt nghiệp, sẽ quay về tiếp tục phát triển công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”.

trang-va-hong-ro-rang-ban-hang-va-tiep-thi-so-ban-thuyet-trinh-ke-hoach-dao-tao-1.jpg

Về hồ sơ, theo Mai Anh, ứng viên nên chuẩn bị từ sớm, từ việc chọn học bổng, ngành học, trường phù hợp, đến việc chủ động tích lũy kinh nghiệm làm việc, hoạt động xã hội và các dự án cộng đồng. Tất cả cần được xây dựng với một chiến lược rõ ràng.

Ứng viên cần hiểu rõ học bổng đang tìm kiếm kiểu ứng viên như thế nào, từ đó định hướng phát triển bản thân phù hợp. Việc cải thiện hồ sơ không chỉ nằm ở điểm số hay danh hiệu, mà còn đến từ việc tham gia các chương trình quốc tế, khóa học chuyên môn, dự án thực tế hoặc nghiên cứu phù hợp với chân dung ứng viên học bổng hướng tới.

Từ những kinh nghiệm đó, theo Mai Anh, hai yếu tố đặc biệt quan trọng khi xây dựng hồ sơ du học là sự nhất quán và sự phù hợp với mục tiêu của chương trình học bổng.

Thứ nhất, sự nhất quán không chỉ nằm ở việc bạn chọn học gì, mà còn thể hiện ở cách bạn kể lại hành trình của mình, từ nền tảng học vấn, kinh nghiệm làm việc, định hướng ngành học cho đến mục tiêu dài hạn.

Từng phần trong hồ sơ phải cùng trả lời một câu hỏi: Bạn là ai và bạn đang muốn đi về đâu? Hội đồng xét tuyển không cần một ứng viên làm được mọi thứ, mà họ cần một người biết rất rõ điều gì quan trọng với mình và kiên định theo đuổi điều đó.

Vì vậy, trong hồ sơ của Mai Anh, từ bài luận đến thư giới thiệu đều làm rõ định hướng theo đuổi quản lý sản phẩm trong ngành công nghệ thông tin.

Thứ hai, sự phù hợp với mục tiêu của học bổng là yếu tố then chốt. Với học bổng SI Scholarship Pioneering Women in STEM, trọng tâm là phát triển bền vững, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ và tạo tác động xã hội trong lĩnh vực STEM.

Trong bài luận, Mai Anh đã nhấn mạnh vào định hướng phát triển công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nhằm đóng góp cụ thể cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Vì vậy, bên cạnh việc kể lại câu chuyện của bản thân, ứng viên cần cho hội đồng thấy vì sao mình là người phù hợp nhất với sứ mệnh mà học bổng hướng tới, không phải vì bạn giỏi nhất, mà vì bạn là người mang đúng tinh thần họ đang tìm kiếm.

Nhắn nhủ tới những bạn đang có ý định du học, Mai Anh chia sẻ: “Hãy bắt đầu từ chính câu hỏi: Vì sao bạn muốn đi học? Bởi khi bạn có lý do đủ rõ ràng, bạn sẽ biết mình nên chọn ngành gì, chuẩn bị ra sao và kiên trì đến cùng. Câu hỏi này sẽ là kim chỉ nam cho các bạn trong suốt quá trình ứng tuyển.

Với tôi, câu trả lời đó đến từ quá trình làm việc trong ngành công nghệ ở Việt Nam. Khi chứng kiến những rào cản trong quản lý nhân sự và chuẩn hóa sản phẩm khiến doanh nghiệp khó vươn ra quốc tế, mình nhận ra nếu chỉ học hỏi qua công việc thì chưa đủ - mình cần một chương trình đào tạo chiến lược, bài bản hơn.

Về mặt chuẩn bị, ứng viên nên bắt đầu càng sớm càng tốt, thời gian lý tưởng là từ 6 tháng đến 1 năm trước hạn nộp hồ sơ. Trước tiên, hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ các chương trình học bổng và lên danh sách những học bổng phù hợp với định hướng cá nhân.

Từ đó, lập kế hoạch chi tiết cho từng mốc thời gian, từ chuẩn bị hồ sơ, ôn thi tiếng Anh, đến viết luận và xin thư giới thiệu. Song song với việc làm hồ sơ, mình khuyên các bạn tiếp tục trau dồi các kỹ năng nền quan trọng. Ngoài điểm tiếng Anh và kinh nghiệm làm việc, hãy đầu tư thời gian vào kỹ năng viết bài luận, nghiên cứu học thuật, tư duy phản biện, cũng như tìm hiểu sâu về chương trình học, học bổng và cả quốc gia mình dự định đến.

Nếu có thể, hãy chủ động kết nối với các anh chị từng nhận học bổng vì những chia sẻ thực tế từ họ không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về tiêu chí xét tuyển mà còn truyền cảm hứng rất lớn trong quá trình chuẩn bị”.

Thu Trang