Những năm gần đây, du học không còn là một lựa chọn xa vời mà đã dần trở thành hướng đi của nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế ngày càng sâu rộng. Với khát vọng tiếp cận tri thức hiện đại, môi trường học thuật tiên tiến và mở rộng cơ hội nghề nghiệp toàn cầu, ngày càng nhiều bạn trẻ cùng gia đình chủ động tìm kiếm con đường du học ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông.
Song hành với nhu cầu du học tăng mạnh, thị trường dịch vụ tư vấn du học trong nước cũng phát triển nhanh chóng, trở thành một mắt xích quan trọng trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ du học của học sinh, sinh viên.
Hàng trăm nghìn sinh viên Việt đang học tập ở nước ngoài
Số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam lựa chọn du học tại các quốc gia trên thế giới không ngừng gia tăng. Trong báo cáo "Xu hướng chính tại Đông Nam Á năm 2024", Acumen - tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế trích dẫn số liệu từ UNESCO cho biết, trong giai đoạn 2021-2022, Việt Nam có hơn 132.000 sinh viên theo học tại các trường đại học và cao đẳng nước ngoài, dẫn đầu toàn khu vực Đông Nam Á. [1]
Trong khi đó, thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố tại Hội thảo về công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học tổ chức ngày 30/09/2024 cho hay, tổng số học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài tính đến hết năm 2023 đã vượt mốc 200.000 người. Và riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có gần 1.400 học sinh thực hiện thành công ước mơ du học.

Cũng theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu của học sinh Việt. Tính đến tháng 4/2023, số du học sinh người Việt tại nước này là hơn 43.300. Tiếp đến là Nhật Bản với hơn 36.300 người, Úc với gần 33.000 du học sinh, Hoa Kỳ với khoảng 31.300 học sinh Việt. Những điểm đến thu hút du học sinh Việt khác là Đài Loan, Trung Quốc, Canada. [2]
Đáng chú ý, xu hướng du học theo diện tự túc đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Khác với những thế hệ trước, vốn phụ thuộc chủ yếu vào các chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính từ chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế, thế hệ học sinh ngày nay cùng gia đình sẵn sàng chủ động đầu tư, chi trả phần lớn, thậm chí toàn bộ chi phí học tập để theo đuổi môi trường giáo dục mơ ước.
Theo "Hồ sơ di cư Việt Nam 2023" do Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) công bố ngày 29/10/2024, số liệu thu thập từ 42/63 tỉnh, thành cho thấy đã có hơn 10.000 người đi du học tự túc trong năm 2023. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng du học sinh tự túc trong năm 2023, với 6.823 em. [3]

Các bậc phụ huynh tại Việt Nam sẵn sàng chi tổng cộng 3 tỷ đô (khoảng 70.000 tỷ đồng) mỗi năm cho con đi du học, và đây mới là con số thống kê từ gần 10 năm trước. [4]
Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu du học tự túc trong những năm gần đây đã kéo theo sự bùng nổ nhu cầu về dịch vụ tư vấn du học. Với nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh, hành trình hiện thực hóa giấc mơ học tập ở nước ngoài không đơn thuần là chuyện chọn một ngôi trường và nộp đơn đăng ký, mà là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản.
Từ việc lựa chọn quốc gia, thành phố, chương trình học phù hợp với định hướng nghề nghiệp và năng lực tài chính, đến việc hoàn thiện bộ hồ sơ cá nhân đạt chuẩn, bao gồm bảng điểm, thư giới thiệu, bài luận cá nhân, chứng chỉ ngoại ngữ, mỗi công đoạn đều yêu cầu sự hiểu biết sâu sắc về quy trình tuyển sinh quốc tế. Thêm vào đó, quá trình xin visa du học lại càng không đơn giản, khi các tiêu chí xét duyệt ngày càng chặt chẽ, yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị kỹ càng từ tài chính, hồ sơ pháp lý cho đến khả năng phỏng vấn.
Không dừng lại ở đó, trước ngày khởi hành, du học sinh còn phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về cuộc sống xa nhà: chỗ ở, bảo hiểm y tế, thủ tục nhập học, thích nghi môi trường mới... Chính trong bối cảnh ấy, các tổ chức tư vấn du học đóng vai trò như một "người dẫn đường" tin cậy, giúp sinh viên và gia đình giải tỏa áp lực, tiếp cận thông tin chính xác và lựa chọn lộ trình phù hợp nhất. Không chỉ hỗ trợ về mặt thủ tục, nhiều công ty tư vấn còn đóng vai trò kết nối sinh viên với cộng đồng du học sinh tại nước ngoài, tạo bước đệm vững chắc để các em sớm hòa nhập, thích nghi và phát triển trong môi trường học thuật quốc tế.
Nhu cầu tư vấn du học bùng nổ kéo theo nhiều hệ lụy
Điều 115,116 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có định nghĩa, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gồm: doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm: giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học; tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du học theo quy định của pháp luật; tổ chức chiêu sinh, tuyển sinh du học; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gồm: có trụ sở hoạt động ổn định, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức hoạt động tư vấn du học; tài liệu giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tài liệu tư vấn thông tin về trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ đào tạo.
Có đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học đáp ứng các yêu cầu sau: có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định.
Số liệu do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố, tính đến năm 2024, cả nước ghi nhận 3.423 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, trong đó có 2.860 đơn vị đang hoạt động. Một số tổ chức không hoạt động trở lại hậu Covid-19 hoặc ngừng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 203 tổ chức mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phản ánh sự mở rộng mạnh mẽ và sức hút ngày càng lớn của thị trường này.
Các doanh nghiệp tư vấn du học tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn, nơi nhu cầu du học luôn ở mức cao. Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước với 1.304 tổ chức được cấp phép, theo sau là thành phố Hồ Chí Minh với 513 đơn vị.
Ngoài hai đầu tàu kinh tế này, nhiều tỉnh thành khác như Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Tĩnh cũng chứng kiến hoạt động tư vấn du học sôi động, cho thấy xu hướng mở rộng ra khắp các khu vực. [5]

Đánh giá về thực trạng thị trường, trong Hội thảo về công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học ngày 30/09/2024, Cục Hợp tác quốc tế nhận định, trong những năm gần đây, phần lớn doanh nghiệp tư vấn du học đã có bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt ở các khâu hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ, xin visa, tư vấn học bổng... góp phần hình thành một môi trường cạnh tranh sôi động, ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Tuy vậy, công tác quản lý thị trường này vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là số lượng doanh nghiệp chủ động công khai báo cáo hoạt động trên Cổng thông tin tư vấn du học của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn khá khiêm tốn. Nhiều đơn vị chỉ hoàn tất nghĩa vụ báo cáo khi đến kỳ gia hạn giấy phép, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, giám sát chất lượng dịch vụ.
Đáng chú ý, tình trạng các tổ chức hoạt động "chui" không giấy phép, tư vấn thiếu minh bạch vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao cho học sinh, sinh viên và phụ huynh. Một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng như thu phí không đúng quy định, nhận tiền nhưng không thực hiện tư vấn, thậm chí bỏ trốn; tổ chức các chương trình du học trá hình nhằm đưa người ra nước ngoài trái phép đã bị phát hiện và xử lý.
Ngoài ra, một thách thức khác trong công tác quản lý là sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại các địa phương. Không ít tỉnh, thành hiện chưa có đội ngũ giám sát đủ năng lực để kiểm tra, thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp tư vấn trên địa bàn. Thực tế cũng ghi nhận nhiều trường hợp doanh nghiệp có trụ sở đăng ký tại tỉnh, thành khác, nhưng lại tiến hành quảng cáo, tuyển sinh trên địa phương thông qua đại lý ủy quyền hoặc các nền tảng mạng xã hội, gây khó khăn cho quá trình kiểm soát.
Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tư vấn du học luôn được ngành giáo dục địa phương chú trọng tăng cường, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh và phụ huynh.
Tại Hà Nội, phụ huynh và học sinh có thể tra cứu danh sách các tổ chức tư vấn du học hợp pháp thông qua Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại địa chỉ: hanoi.edu.vn. Việc công khai minh bạch này giúp người học chủ động hơn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm siết chặt quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người học dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống về các tổ chức tư vấn du học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trên Cổng thông tin điện tử của ngành, tại địa chỉ: dichvugiaoduc.hcm.edu.vn và tuvanduhoc.icd.edu.vn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/nguoi-viet-du-hoc-nhieu-nhat-dong-nam-a-4712239.html
[2] https://vnexpress.net/7-diem-den-du-hoc-nguoi-viet-chuong-nhat-4798665.html
[3] https://vnexpress.net/khoang-80-du-hoc-sinh-tu-tuc-khong-ve-nuoc-4810106.html
[4] https://tienphong.vn/moi-nam-nguoi-viet-chi-3-den-4-ty-usd-di-du-hoc-post1034781.tpo
[5] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9863