Qua báo chí, Trường ĐH Thủ Dầu Một điều chỉnh kịp thời trong đào tạo, quản trị

21/06/2023 07:32
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong giai đoạn tới, Trường ĐH Thủ Dầu Một kiên trì mục tiêu xây dựng trường đại học đa ngành, theo định hướng ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trường Đại học Thủ Dầu Một được thành lập theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 24/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương.

Chỉ sau gần 14 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo mô hình đại học tiên tiến, đồng thời đã và đang khẳng định vị thế của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Năm 2018, Trường Đại học Thủ Dầu Một xếp hạng 42, năm 2019 xếp hạng 27 về công bố quốc tế và hạng 39 về chỉ số trích dẫn/tổng số các đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam. Năm 2021, trường xếp hạng 24, năm 2022 xếp hạng 20 trên bảng xếp hạng Webometrics các trường đại học ở Việt Nam.

Để “giải mã” tốc độ phát triển của Trường Đại học Thủ Dầu Một, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, lắng nghe chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường.

Định hình rõ nét là cơ sở đào tạo đa ngành

Phóng viên: Tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương, nhà trường đã xây dựng định hướng và thực hiện như thế nào để phát triển thành Trường Đại học Thủ Dầu Một đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay? Nhà trường đã làm gì để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, thưa thầy?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: Trường Đại học Thủ Dầu Một được thành lập trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa sâu rộng; đặc biệt Bình Dương là một trong không nhiều tỉnh, thành có sự chuyển biến đột phá về công nghiệp, được cả nước và bạn bè quốc tế biết đến như một điểm sáng về thu hút đầu tư, năng động trong phát triển kinh tế, xã hội. Một tỉnh như Bình Dương rất cần một cơ sở giáo dục đại học xứng tầm để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: Mộc Trà.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: Mộc Trà.

Xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế, xã hội và thị trường lao động tại địa phương, khu vực, lãnh đạo trường đã xác định phương hướng chiến lược là xây dựng một trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thực tiễn của tỉnh Bình Dương và đất nước đặt ra nhiệm vụ chính trị của nhà trường là góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, kinh tế, đặc biệt là làm việc tại các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ.

Có thể nói, cơ sở kinh tế - xã hội, những yêu cầu của thực tiễn là tiền đề quan trọng để Trường Đại học Thủ Dầu Một lựa chọn định hướng chiến lược cũng như mục tiêu và sứ mệnh của mình. Quan điểm xây dựng chiến lược nhà trường vừa phải phù hợp, vừa gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Sau hơn 13 năm xây dựng, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã định hình rõ nét là cơ sở đào tạo đa ngành, với trên 50 chương trình đào tạo đại học và 11 chương trình đào tạo sau đại học, quy mô 17.000 sinh viên, học viên.

Để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường luôn quán triệt sâu sắc chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, nhà trường không ngừng nỗ lực từ việc cải cách chương trình, nội dung giảng dạy đến các hoạt động đánh giá, đảm bảo chuẩn đầu ra của sinh viên theo như công bố với xã hội và luôn hướng đến các chuẩn mực tiên tiến trong nước và quốc tế.

Cụ thể, thời gian tới, trường sẽ cập nhật chương trình đào tạo và nội dung giảng dạy tiệm cận với khu vực Đông Nam Á (AUN) và hướng tiếp cận công nghệ mới thông qua chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng bộ công cụ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, gắn hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với phục vụ cộng đồng để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn đã tuyên bố.

Trường chú trọng tìm hiểu những ngành nghề mới có ích cho xã hội, cần thiết cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương và đất nước để đào tạo. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Trường chú trọng tìm hiểu những ngành nghề mới có ích cho xã hội, cần thiết cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương và đất nước để đào tạo. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Phóng viên: Thưa thầy, quá trình phát triển đó, nhà trường đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: Là một trường đại học mới, quá trình xây dựng để trở thành một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Thủ Dầu Một phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thử thách.

Khó khăn lớn nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên phải đáp ứng theo chuẩn quy định. Nhà trường thành lập trong bối cảnh nguồn nhân lực giáo dục đại học của Việt Nam rất thiếu và cạnh tranh gay gắt. Việc đầu tiên muốn mở ngành đào tạo cần phải có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, đáp ứng các chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong hơn 13 năm qua, trường luôn đặt việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên làm trọng tâm và phân bổ các kế hoạch ưu đãi trong thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề xây dựng đội ngũ vẫn còn là một trong những thách thức rất lớn đối với trường.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã ban hành chính sách có tính chất “kích hoạt” toàn bộ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: Mộc Trà.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã ban hành chính sách có tính chất “kích hoạt” toàn bộ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: Mộc Trà.

Khó khăn thứ hai là cơ sở vật chất của trường còn khiêm tốn, mới chỉ đáp ứng các điều kiện cơ bản. Tuy trường có tiềm lực về đất đai, khuôn viên nhưng khả năng đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục giảng dạy và nghiên cứu khoa học còn hạn chế, nhất là đối với việc đầu tư cho các trang thiết bị giảng dạy và học tập tiên tiến.

Khó khăn thứ ba là tiềm lực tài chính của trường còn rất “mỏng”. Nguồn thu của trường chủ yếu là dựa vào học phí, các khoản cấp bù từ ngân sách Nhà nước rất hạn chế. Trong khi đó, đối tượng người học của trường hầu hết ở mức có thu nhập trung bình nên trường phải cân đối, duy trì mức học phí thấp. Các khoản thu ngoài học phí không lớn, chưa thực sự có đóng góp cho sự phát triển của trường.

Tự chủ đại học là xu hướng tiến bộ

Phóng viên: Trường Đại học Thủ Dầu Một đã từng bước thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và trở thành trung tâm nghiên cứu tư vấn trong khu vực, như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: Để từng bước thực hiện sứ mệnh, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã mạnh dạn thực hiện một số khâu đột phá trong việc xây dựng đội ngũ, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đổi mới quản trị đại học.

Về xây dựng đội ngũ, trường đã thực hiện chính sách đột phá trong thu hút, tuyển dụng đào tạo bồi dưỡng và trọng dụng hợp lý. Được sự hỗ trợ của tỉnh, trường đã sử dụng nguồn lực lớn về tài chính để thực hiện chính sách thu hút cán bộ giảng viên các trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, đồng thời chủ động đào tạo đội ngũ của trường để đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường trên 700 người, trong đó có 3 giáo sư, 20 phó giáo sư, 160 tiến sĩ, tỉ lệ tiến sĩ/giảng viên 27%; hiện trường đang có 104 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài.

Về chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, trường chú trọng tìm hiểu những ngành nghề mới có ích cho xã hội, cần thiết cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương và đất nước để đào tạo. Hầu hết các ngành đào tạo của trường nhận được sự đồng thuận cao của thị trường lao động, trên 90% sinh viên có việc làm sau khi ra trường, nhiều sinh viên có việc làm bán thời gian từ năm thứ 2, thứ 3 sau các kỳ thực tập. Trường cũng sớm áp dụng các phương pháp đào tạo đại học tiến tiến của thế giới (CDIO, AUN), thường xuyên rà soát cơ cấu lại khung chương trình, và đổi mới phương pháp dạy học (trên cả ba tiêu chí là trang bị phương pháp học, phát huy tính chủ động của người học, sử dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động dạy học).

Nhà trường theo đuổi định hướng thay đổi môi trường đào tạo mới nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách giữa sản phẩm đào tạo của nhà trường và yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Nhà trường theo đuổi định hướng thay đổi môi trường đào tạo mới nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách giữa sản phẩm đào tạo của nhà trường và yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Về đổi mới quản trị đại học, Trường đã có sự đột phá và nỗ lực tiếp cận các mô hình tiên tiến thế giới. Có thể kể đến một số điểm nhấn quan trọng trong đổi mới quản trị đại học của trường gồm: chuyển đổi cấp bộ môn thành cấp chương trình; phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị chuyên môn theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bồi dưỡng năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; ban hành chính sách tạo động lực để phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giảng viên (tiêu biểu là chính sách thu nhập theo vị trí việc làm và chính sách nghiên cứu khoa học).

Phóng viên: Nếu để đánh giá về vai trò của tự chủ đại học trong hành trình khẳng định vị trí hiện nay của nhà trường thì thầy sẽ nêu ra những gì?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: Tự chủ đại học là xu hướng tiến bộ, hiện đại, thể hiện ước vọng hội nhập quốc tế. Khung pháp lý cho tự chủ đại học ở Việt Nam đã định hình, mở ra hướng đi để các trường đại học có thể bứt phá để trở thành các đại học ưu tú.

Nhà trường theo đuổi định hướng thay đổi môi trường đào tạo mới nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách giữa sản phẩm đào tạo của nhà trường và yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Nhà trường theo đuổi định hướng thay đổi môi trường đào tạo mới nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách giữa sản phẩm đào tạo của nhà trường và yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã sớm áp dụng khung pháp lý tự chủ vào thực tiễn xây dựng và phát triển. Quá trình thực hiện đã cho thấy một số điểm sáng đáng chú ý:

Một là, tự chủ đại học giúp trường mạnh dạn tìm ra khâu đột phá để làm nên sức sống và tương lai của đại học địa phương.

Hai là, tự chủ đại học giúp trường nắm bắt thị trường lao động, đổi mới cơ cấu ngành đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội của trường.

Ba là, tự chủ đại học giúp trường có thể xây dựng các chính sách để vừa phát huy xung lực của đội ngũ cán bộ giảng viên, vừa thực hiện hợp tác với các cơ quan khoa học, giáo dục, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Bốn là, tự chủ đại học giúp cho trường thấu hiểu và sẵn sàng giải quyết khó khăn, thách thức, chủ động hành trang trên chặng đường sắp tới.

Phóng viên: Những năm qua, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã có những chính sách hỗ trợ phát triển và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học như thế nào, thưa thầy?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: Để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã nỗ lực đồng bộ một số giải pháp, bao gồm xác lập định hướng, tập hợp tiềm năng và ban hành chính sách có tính chất vượt trội.

Về xác lập định hướng, trên cơ sở sứ mệnh của một trường đại học theo định hướng ứng dụng, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã xác lập mục tiêu hoạt động khoa học công nghệ nhằm phát triển trường và phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ với các hướng nghiên cứu chính là: Nghiên cứu toàn diện về miền Đông Nam Bộ, nghiên cứu thành phố và đô thị thông minh, nghiên cứu chất lượng giáo dục.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo mô hình đại học tiên tiến, từ tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo mô hình đại học tiên tiến, từ tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Về tập hợp tiềm năng và ban hành chính sách, trường đã ban hành chính sách có tính chất “kích hoạt” toàn bộ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, tranh thủ hợp tác với cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu từ các cơ quan khoa học giáo dục uy tín trong nước và nước ngoài, đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Từ năm 2019, trường đã đầu tư hệ thống máy tính hiệu năng cao để phục vụ hoạt động nghiên cứu, đồng thời chú trọng công tác phổ biến thông tin, công bố kết quả nghiên cứu.

Về chính sách, cùng với việc tích cực đổi mới công tác quản lý khoa học công nghệ, trường đã có chính sách vượt trội, kích hoạt công bố quốc tế của cán bộ giảng viên.

Đến nay, Trường Đại học Thủ Dầu Một là một trong số không nhiều trường đại học địa phương có bài báo công bố thuộc danh mục tạp chí quốc tế uy tín (WOS, Scopus) đạt trên 1.000 bài.

Đây là cơ sở để Trường Đại học Thủ Dầu Một được xếp thứ 20/184 trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò và ảnh hưởng của báo chí

Phóng viên: Thầy có thể chia sẻ về kế hoạch định hướng phát triển của Trường Đại học Thủ Dầu Một đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: Trường Đại học Thủ Dầu Một kiên trì mục tiêu xây dựng trường đại học đa ngành, theo định hướng ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề và sự chuyển biến của thị trường lao động của tỉnh Bình Dương, Đông Nam Bộ và cả nước.

Theo đó, tiếp tục xác lập cơ cấu chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành phù hợp với nhu cầu xã hội và phát huy thế mạnh của trường.

Đặc biệt, đối với định hướng đào tạo ứng dụng, nhà trường chủ động kết nối, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, để thống nhất quy trình, tạo môi trường dạy và học cho sinh viên tiệm cận với môi trường thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, hình thành kỹ năng, thái độ làm việc cho sinh viên, làm sao có thể thu hẹp tối đa khoảng cách giữa sản phẩm đào tạo của nhà trường và yêu cầu của doanh nghiệp.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã sớm áp dụng khung pháp lý tự chủ vào thực tiễn xây dựng và phát triển. Ảnh: Mộc Trà.
Trường Đại học Thủ Dầu Một đã sớm áp dụng khung pháp lý tự chủ vào thực tiễn xây dựng và phát triển. Ảnh: Mộc Trà.

Về tầm nhìn, Trường Đại học Thủ Dầu Một hướng tới trở thành đại học thông minh, tham gia vào bảng xếp hạng Châu Á năm 2030, người học có năng lực làm việc trong và ngoài nước. Một số chỉ tiêu lớn của trường là đạt chuẩn kiểm định AUN-QA cấp trường vào năm 2023; tham gia vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế như: THE, QS, ARWU. 100% chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định theo cơ cấu 75% chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo, 25% chuẩn AUN-QA; tỉ lệ tiến sĩ/giảng viên đạt mức 35 - 40%; ổn định quy mô đào tạo ở mức 50 - 55 ngành đại học với 18.000 - 20.000 sinh viên.

Phóng viên: Thầy đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với những đóng góp trong hành trình phát triển của nhà trường, cũng như đẩy mạnh tự chủ đại học?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: Trong hành trình phát triển của nhà trường, cũng như đẩy mạnh tự chủ đại học, chúng tôi đánh giá cao vai trò và ảnh hưởng của báo chí tới hoạt động của nhà trường.

Báo chí chính là kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách... của ngành giáo dục và đào tạo nói chung, tự chủ đại học nói riêng, trong đó có Trường Đại học Thủ Dầu Một. Từ đó giúp phụ huynh, người học, cán bộ quản lý và giảng viên hiểu đúng, hiểu rõ về các chính sách, về những điều chỉnh trong chương trình đào tạo cũng như công tác quản trị, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh của nhà trường. Hằng năm, nhà trường liên kết với các đơn vị báo chí tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh trung học phổ thông, giúp phụ huynh và học sinh có sự hiểu biết nhất định và có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học, cơ sở đào tạo… cho người học.

Sinh viên tham gia Ngày hội tuyển sinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Sinh viên tham gia Ngày hội tuyển sinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, báo chí đã góp phần truyền tải những mô hình giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến để giảng viên học hỏi, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác giảng dạy. Báo chí cũng chính là cầu nối để giới thiệu và tuyên dương những nhà giáo tiêu biểu, những câu chuyện giáo dục để lan tỏa tinh thần học tập, nghiên cứu, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ trong đội ngũ giảng viên nhà trường. Thông qua báo chí, thầy cô thu nhận được nhiều thông tin, giúp nguồn “tư liệu” giảng dạy được phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người học và cập nhật kịp thời các thay đổi về chính sách, quy định… có liên quan đến học phần giảng dạy của chương trình đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn sau khi sinh viên tốt nghiệp, đi làm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Thủ Dầu Một vào tháng 4/2023. Ảnh: Mộc Trà.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Thủ Dầu Một vào tháng 4/2023. Ảnh: Mộc Trà.

Trong hành trình phát triển của Trường Đại học Thủ Dầu Một, với nhận thức và sự tác động tích cực của báo chí, chúng tôi xem báo chí như là cầu nối, là người bạn đồng hành không thể thiếu để nhà trường có những điều chỉnh kịp thời trong công tác đào tạo và quản trị. Xin cảm ơn các bạn và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của báo chí trong thời gian tới dành cho nhà trường.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Mộc Trà