Tiếp tục những ý kiến xung quanh quy định xử phạt những người không sang tên đổi chủ khi mua bán xe được quy định trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói:
“Tôi cũng có ý kiến tương tự như các luật sư khi cho rằng việc sang tên đổi chủ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự chứ không phải của luật giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: VNN) |
Lâu nay, người ta vẫn nói đến một nguyên tắc kinh điển của quan hệ dân sự về mặt dân sự: “việc dân sự cốt ở các bên” cho nên hợp đồng về dân sự được coi như là luật giữa các bên. Khi quan hệ dân sự không phương hại đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác thì nhà nước không can thiệp vào thỏa thuận giữa các bên”.
Ông Quyền cho rằng, “trong trường hợp quy định xử phạt đối với các trường hợp không sang tên đổi chủ khi mua bán xe trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, tôi thấy đã dùng quan hệ hành chính nhà nước để can thiệp vào quan hệ dân sự.
Ở đây, người không sang tên đổi chủ thì phải sẵn sàng phải chịu rủi ro khi có tranh chấp xảy ra và tự chịu trách nhiệm khi có rủi ro đối với tài sản đó. Việc nhà nước có quản lý được hay không đó lại là một góc độ khác về quản lý hành chính nhà nước. Hai việc này phải tách bạch ra, không nên ghép vào.
Và tôi cũng đã đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giám sát xem quy định này trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP có gì mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự không về quyền tài sản nhưng đến giờ cũng chưa thấy ai lên tiếng cả. Người ta rất hãn hữu dùng quan hệ hành chính nhà nước can thiệp vào quan hệ dân sự’.
“Theo tôi nghĩ, có thể quy định xử phạt đối với các trường hợp không sang tên đổi chủ khi mua bán xe trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP không vi phạm vào điều nào cấm của luật nhưng nó đã vi phạm vào nguyên tắc về những mối quan hệ pháp luật – đã là quan hệ dân sự thì do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro. Như vậy, quy định này không phù hợp với Nghị định 71/2012/NĐ-CP và nên loại bỏ nó ra khỏi Nghị định này”, ông Quyền nói tiếp.
(Ảnh minh họa) |
Ông Quyền cũng cho biết vì coi xe là nguồn nguy hiểm cao độ nên các chủ xe đã phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe rồi.
Qua việc đưa Nghị định 71/2012/NĐ-CP vào thực tiễn gây hoang mang cho người dân, ông Quyền cho rằng “khi hoạch định chính sách, chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể. Tức là người tham mưu, hoạch định chính sách không phân tích cho người có thẩm quyền về các mối quan hệ pháp luật dựa trên những nguyên tắc pháp lý của nhà nước pháp quyền. Nhưng cũng có thể là người tham mưu thấy không trái quy định nào của luật nên đã đưa vào Nghị định. Đây là bài học cho công tác tham mưu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh