Dạy 2 buổi/ngày, có trường phải tận dụng phòng nghệ thuật mới đủ phòng học

06/03/2023 06:29
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều trường đang thực hiện Chương trình GDPT 2018 vẫn thiếu trang thiết bị, có nơi phải tận dụng phòng nghệ thuật để tổ chức lớp học. 

Nằm cách quốc lộ 6 khoảng 20 cây số đoạn qua địa bàn huyện Mai Châu (Hòa Bình), là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B với 395 em học sinh. Nơi đây thuộc xã khó khăn nhất của huyện, với phần đa là người dân tộc Mông. Dù còn nhiều khó khăn, nhà trường đang cố gắng khắc phục để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Văn Hùng (Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B) cho biết, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.

Theo đó, phòng học bộ môn Tin học vẫn thiếu thiết bị máy tính, vấn đề này đã được nhà trường đề xuất tới cấp trên để được hỗ trợ.

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B. (Ảnh: NVCC)

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B. (Ảnh: NVCC)

"Nếu một lớp khoảng 25-35 học sinh thực hành phòng máy tính, xếp hai em ngồi chung một máy thì cần phải có 15-20 máy, nhưng số lượng này hiện nay chưa đủ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiếp thu của học sinh", thầy Hùng chia sẻ và cho biết, tình trạng này của đơn vị cũng giống như nhiều đơn vị khác.

Thầy Hùng cũng cho hay, thiết bị đồ dùng học tập phục vụ cho bộ môn khác cũng đang trong quá trình hoàn thiện.

Bên cạnh những khó khăn trên, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi phải có khu sân tập cho học sinh nhưng do diện tích của nhà trường hạn hẹp nên vẫn chưa khắc phục được.

Điều này dẫn tới việc nhiều lúc, có lớp này học giờ Giáo dục thể chất (Thể dục) ngoài trời ngay sát lớp học khác, khiến học sinh trong lớp dễ mất tập trung, nhìn ra ngoài sân. Hoặc đối với những nội dung trong môn Thể dục như nhảy xa, chạy bền, đá bóng... thì trường không có sân tập riêng. Nếu có đầy đủ diện tích sân tập thì các môn học, hoạt động trải nghiệm ngoài giờ sẽ thuận lợi hơn.

"Học trò của trường, nhiều em có năng khiếu bóng đá, đây cũng là nội dung được nhiều em rất yêu thích trong môn Thể dục. Tuy nhiên, nhà trường lại không có khu vực sân tập riêng", thầy Hùng chia sẻ.

Một giờ hoạt động trải nghiệm được nhà trường tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Một giờ hoạt động trải nghiệm được nhà trường tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một giáo viên tại Trường Tiểu học Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cho hay, hiện tại các khối lớp học chương trình giáo dục phổ thông 2018 được học 2 buổi/ngày, về phía nhà trường cũng cố gắng đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh.

"Trường chúng tôi đang xây dựng thêm 8 phòng học chức năng và đến năm học tới mới đưa vào sử dụng", nữ giáo viên chia sẻ.

Hiện tại nhà trường vẫn đang phải tận dụng phòng nghệ thuật, phòng mỹ thuật (phòng học dành riêng cho bộ môn) mới đủ lớp học chính và phụ đạo.

Đối với học sinh lớp 3 năm học 2022-2023, các em được đầu tư trang thiết bị giáo dục như: với môn Mỹ thuật có giá để học sinh vẽ tranh, bảng màu.. hay như môn Thể dục là bóng, đệm... Phòng Tin học đã được trang bị một số máy tính cho các em sử dụng.

"Đơn vị cũng đang chuẩn bị những điều kiện để được công nhận trường chuẩn quốc gia và cũng được huyện hỗ trợ tối đa trong việc xây dựng cơ sở vật chất", nữ giáo viên chia sẻ.

Cô Thanh Nhàn (giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Trung học cơ sở Kim Khê, Kim Thành, Hải Dương) cho biết, trên địa bàn huyện hiện vẫn có nhiều trường thiếu cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với bộ môn Lịch sử do cô Nhàn đảm nhiệm, nếu trước chỉ có thể dùng tranh ảnh để miêu tả các dữ liệu, thì giờ đây, có máy chiếu là có thể giúp các em hình dung về sự kiện qua video, hình ảnh. Tuy nhiên, trang thiết bị này trong trường vẫn đang thiếu.

"Máy chiếu là thiết bị giúp học sinh có cái nhìn trực quan về bài học. Đáng lẽ lớp học nào cũng phải được trang bị máy chiếu, nhưng hiện tại trường mới chỉ có vài máy, trong khi có mấy chục lớp học", cô Nhàn chia sẻ.

Cô Nhàn cũng cho hay, ngoài khó khăn về thiết bị máy chiếu, nhà trường còn thiếu sân tập, nhà đa năng...

Khó khăn trong việc vận động học sinh đến trường

Thầy Hà Văn Hùng (Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B) cho biết, bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường còn gặp khó khăn trong việc tuyên truyền tới phụ huynh, vận động học sinh đến trường.

Ví như việc giáo viên trong trường không phải là người dân bản địa nên không biết tiếng Mông, nên mỗi khi đến nhà phụ huynh thường phải đi cùng người địa phương. Tuy nhiên, khi đi vận động cũng không được quá đông người bởi lo lắng phụ huynh khó tính.

"Có phụ huynh quan niệm rằng, có nhiều người lạ vào nhà dễ khiến con họ ốm... Nhận thức của người dân còn chưa cao nên việc tuyên truyền cho trẻ đến trường vẫn gặp nhiều khó khăn", thầy Hùng chia sẻ.

Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B cho biết, việc tuyên truyền vận động phụ huynh cho con em đến trường gặp khó khăn nhất là vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, cũng là dịp Tết cổ truyền của người Mông.

Để tăng cường sự gắn bó, về phía nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động phối hợp với đoàn xã, nhằm gắn kết hơn với nhân dân. Bên cạnh đó, là kêu gọi các đoàn từ thiện hỗ trợ cho học sinh. Trường cùng với các đơn vị, tổ chức từ thiện cũng thường phối kết hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm như thi hát, múa... và dành những phần quà để cho các em phấn khởi, tạo không khí hăng say học tập.

Mạnh Đoàn