LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục có những bài viết phản ánh nhiều bất cập trong dạy tiếng Anh liên kết ở bậc Tiểu học tại Hà Nội.
Trong đó, công tác kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học chúng tôi đã chỉ ra có quá nhiều bất cập.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy nhiều doanh nghiệp đến trụ sở cũng không bằng cái nhà trọ thì Sở có nói tốt bao nhiêu cho doanh nghiệp cũng khó để tin được.
Sẽ sát hạch nếu không đạt thì loại
Sau các bài viết phản ánh những bất cập liên quan đến công tác dạy và học ngoại ngữ liên kết ở Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả.
Trong đó nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên dạy trong chương trình ngoại ngữ của Bộ thì liên tục chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẻ về hồ sơ, dự giờ, thao giảng nhưng giáo viên dạy ngoại ngữ liên kết gần như không chịu sức ép gì.
Không chỉ vậy, nhiều bạn đọc đặt hoài nghi về việc kiểm soát chất lượng dạy học khi một lúc tồn tại cả chục chương trình ngoại ngữ.
Vấn đề, kiểm soát chất lượng dạy học thực sự đó là một thách thức lớn, khó thể giải quyết nếu tình trạng cho tồn tại cả chục chương trình ngoại ngữ như hiện nay.
Tiến tới sẽ kiểm tra chất lượng đầu ra các chương trình ngoại ngữ, doanh nghiệp không đạt chuẩn sẽ bị loại. Ảnh minh họa: Trinh Phúc. |
Trước những bất cập trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Theo ông Phạm Xuân Tiến:“Sở đã nhìn trước được vấn đề này vì vậy đã xây dựng các quy trình để quản lý, giám sát chất lượng của các chương trình bao gồm:
Quy trình thẩm định chương trình (chương trình, giáo trình, chất lượng, văn bằng hồ sơ pháp lý của đơn vị cung cấp, của giáo viên tham gia giảng dạy);
quy trình báo cáo (với các nhà trường có liên kết, các đơn vị cung cấp);
quy trình thanh tra, kiểm tra định kỳ (Sở, Phòng);
tổng kết đánh giá kết quả các chương trình hàng năm.
Đặc biệt, Sở đang xây dựng lộ trình cuối năm học bắt đầu từ 2016 - 2017sẽ tiến hành đánh giá đầu ra của học sinh học chương trình liên kết của từng khối lớp, từng cấp học.
Cụ thể, trước mắt, sẽ đánh giá 20% số lượng học sinh (chọn ngẫu nhiên) của từng chương trình.
Nếu kết quả trong 2 năm liền không đạt tỷ lệ 80% đạt yêu cầu, Sở sẽ dừng cấp phép hoạt động cho chương trình đó.
Sở chỉ cho phép các đơn vị đào tạo đáp ứng đủ điều kiện mới được tham gia cung cấp các chương trình”.
Phụ huynh bị cô lập thông tin, liên kết ngoại ngữ tha hồ tung hoành kiếm chác |
Qua trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến có thể thấy được, trước năm học 2016 Sở Giáo dục Hà Nội chưa từng tiến hành đánh giá chất lượng đầu ra của việc dạy học liên kết ngoại ngữ.
Trong khi đó, chương trình tiếng Anh liên kết trong các trường Tiểu học đã tồn tại hơn 10 năm nay.
Theo chúng tôi, đây là một thiếu sót lớn.
Bởi, không đánh giá được chất lượng đầu ra thì sẽ không thể biết được việc dạy học ngoại ngữ liên kết có thực sự cần thiết hay không?
Hay, việc dạy học liên kết ngoại ngữ chỉ tạo thêm gánh nặng học tập cho học sinh và gánh nặng về tiền học phí lên phụ huynh?
Việc không đánh giá chất lượng đầu ra, dẫn tới tình trạng, “cá đối một đầu”, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì khó khăn. Trong khi, doanh nghiệp làm ăn chộp giật thì sống khỏe.
Quá trình tìm hiểu về thực trạng dạy tiếng Anh liên kết, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam còn rất kinh ngạc khi có doanh nghiệp tham gia dạy tiếng Anh liên kết nhưng trụ sở chính lại đang rao cho thuê.
Trụ sở chính của một doanh nghiệp dạy liên kết tiếng Anh đang rao cho thuê, trong khi chưa có trụ sở mới (ảnh Trinh Phúc). |
Vào bên trong, cơ sở vật chất gần như không có gì. Ánh sáng tối tăm, rất bẩn và bừa bộn.
Hỏi nhân viện của doanh nghiệp này về trụ sở mới ở đâu thì được biết doanh nghiệp đang trong quá trình tìm trụ sở mới và không nắm rõ đã tìm được hay chưa.
Thậm chí, có doanh nghiệp địa chỉ ghi trên website nhưng khi đến thì mới biết doanh nghiệp này đã từ lâu không còn ở tại địa chí đó.
Cách làm ăn của những doanh nghiệp này thiếu chuyên nghiệp như vậy thử hỏi làm sao phụ huynh học sinh có thể yên tâm khi giao con họ cho các doanh nghiệp này đứng ra tổ chức đào tạo?
Sở chối bay chỉ đạo chọn chương trình cho từng trường học
Một vấn đề quan tâm của phụ huynh, đó là việc có hay không sự tham gia chỉ đạo của lãnh đạo Sở, Phòng về việc chọn chương trình liên kết trong từng trường học.
Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận |
Để làm rõ hơn câu chuyện này, phóng viên hỏi ông Phạm Xuân Tiến và được trả lời:
“Theo các văn bản hướng dẫn thì Sở chỉ thẩm định chương trình và các điều kiện thực hiện chương trình.
Còn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường mới cho phép các chương trình triển khai và có đề án của trường xây dựng và chọn chương trình phù hợp với trường mình.
Tuyệt đối Sở không can thiệp vào vấn đề trường nào học chương trình gì”.
Bàn thêm về khâu giám sát chương trình, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:
"Căn cứ trên các kết quả thanh tra, kiểm tra, các báo cáo của nhà trường, của Phòng báo cáo và thông tin phản hồi của học sinh và phụ huynh học sinh để tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để chất lượng các chương trình ngày càng tốt hơn.
Chúng tôi cũng mong muốn và khuyến khích phụ huynh tham gia một cách chủ động hơn, tích cực hơn trong việc giám sát chất lượng các chương trình.
Những tiểu xảo của nhà trường và doanh nghiệp liên kết nhằm che mắt phụ huynh |
Theo tôi được biết với chương trình của Bình Minh, Language Link, … phụ huynh ở một số trường như trường Lý Thái Tổ,… phụ huynh tham gia trực tiếp dự giờ để kiểm soát đánh giá chất lượng chương trình”.
Qua trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến, có thể thấy việc dạy học liên kết ngoại ngữ hiện nay rất là ổn.
Sở có đủ biện pháp để giám sát việc dạy và học.
Tuy nhiên, khi đi thực tế tìm hiểu mới thấy được có quá nhiều điều điều bất cập trong hoạt động của các doanh nghiệp dạy liên kết tiếng Anh hiện nay.