Quảng Nam: Đến 2025 đào tạo nghề bậc trung cấp, CĐ bình quân 4.000 người/năm

04/08/2023 06:23
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quảng Nam phấn đấu tổng chỉ tiêu tuyển sinh GDNN bình quân trong giai đoạn 2022-2025 là 24.000 người/năm; trong đó, trung cấp cao đẳng là 4.000 người/năm.

Phấn đấu đến 2025, đào tạo trung cấp, cao đẳng bình quân 4.000 người/năm

Ngày 02/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch 5084/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 292-KH/TU ngày 19/7/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu tổng chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp bình quân trong giai đoạn 2022-2025 là 24.000 người/năm; trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng: 4.000 người/năm, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng: 20.000 người/năm.

Tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp trình độ trung cấp đạt từ 55% trở lên trong tổng số học sinh thuộc diện phân luồng; tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập trình độ cao đẳng đạt từ 15% trở lên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tập trung đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của 9 huyện miền núi của tỉnh đạt 50%.

Tỉ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản đạt 70%.

Phấn đấu 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Ảnh minh họa: baoquangnam.vn.

Ảnh minh họa: baoquangnam.vn.

Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

Phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.

Phấn đấu 01 trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao; 01 trường cao đẳng hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị theo tiêu chí trường chất lượng cao; triển khai thực hiện khoảng 24 ngành, nghề trọng điểm.

Mục tiêu đến năm 2030: Thu hút 50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.

Có 02 trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao; có 25 ngành, nghề trọng điểm.

Mục tiêu đến năm 2045: Cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của tỉnh và của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Trong Kế hoạch, cũng nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới:

Một là, quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Ba là, xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch về công tác giáo dục nghề nghiệp.

Bốn là, rà soát, đánh giá, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Sáu là, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp.

8 nhiệm vụ chính đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch 5084/KH-UBND cũng nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đối với từng đơn vị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp; Ban Dân tộc tỉnh; Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; các Sở, Ban, ngành có liên quan; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Trong đó, đặc biệt đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh:

Thứ nhất, rà soát, đánh giá hiện trạng của nhà trường (về cơ sở vật chất, thiết bị; đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo; chương trình, giáo trình; kết quả, hiệu quả thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo…); theo đó, đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại nhằm nâng cao hơn kết quả thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo góp phần hoàn thành mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (nêu tại Kế hoạch số 292-KH/TU ngày 19/7/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam, Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 14/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 21/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Kế hoạch này).

Thứ hai, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đào tạo dưới 03 tháng, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động sát với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo. Xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao phục vụ các ngành, nghề ưu tiên trong thời gian đến và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong tương lai, đặc biệt là cách mạng Công nghiệp 4.0. Đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo theo hướng kiểm soát đầu ra (chất lượng đào tạo và việc làm sau đào tạo); tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp.

Thứ tư, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến.

Thứ năm, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học.

Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo gắn với giải quyết việc làm đối với học sinh thuộc diện phân luồng hằng năm.

Thứ bảy, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với các đối tượng người học, nhất là: học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông học lên trình độ trung cấp, cao đẳng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; lao động bị thu hồi đất; người chấp hành xong án phạt tù và các đối tượng chính sách khác.

Thứ tám, chú trọng triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ngân Chi