Giám đốc Sở GD Quảng Nam: Khó khăn nhất là thu hút GV lên công tác ở miền núi

02/08/2023 06:35
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ, hợp đồng và xây dựng chính sách thu hút ở miền núi, nghiên cứu đặt hàng đào tạo... là các giải pháp khắc phục thiếu GV của Quảng Nam

Thiếu 2.426 giáo viên theo định mức

Thông tin tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đầu năm học 2022-2023, các tỉnh trong vùng được bổ sung hơn 6.500 biên chế giáo viên, đến nay mới tuyển được 4.530 (gần 70%). Trong đó, mầm non và tiểu học đông nhất với hơn 3.300 giáo viên, còn lại là trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hầu hết tỉnh không tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết: “Những năm gần đây, Quảng Nam đứng trước “bài toán” nan giải thiếu giáo viên, nhất là ở một số bậc học như mầm non, tiểu học và một số bộ môn như Ngoại ngữ, Tin học.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là thu hút đội ngũ giáo viên lên công tác tại các cơ sở giáo dục thuộc các huyện miền núi. Đặc biệt, với hai môn Tin học và Ngoại ngữ, khi tuyển dụng chỉ nhận được rất ít hồ sơ, và hầu như không có giáo viên nào đăng ký lên miền núi giảng dạy. Bởi hai bộ môn này có nhiều cơ hội việc làm ở vùng thuận lợi hơn, nên nếu không làm giáo dục, vẫn có thể tạo thu nhập, còn lên miền núi sẽ rất khó.

Mặc dù thiếu giáo viên theo định mức, song, ngành giáo dục và đào tạo vẫn bố trí, sắp xếp và hợp đồng giáo viên để đáp ứng dạy học đủ số buổi trên ngày. Một số giáo viên sẽ dạy tăng tiết trong tuần, hoặc giáo viên ở trường này sẽ hợp đồng thêm với trường khác để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi”.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: sgddt.quangnam.gov.vn.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: sgddt.quangnam.gov.vn.

Theo vị Giám đốc Sở, năm 2021, Quảng Nam tổ chức thi tuyển và tuyển dụng được 1.090 giáo viên và nhân viên; năm 2022, thi tuyển được 825 giáo viên và nhân viên.

“Thực tế, khó khăn lớn nhất trong tuyển dụng giáo viên vẫn là vấn đề nguồn tuyển, nhu cầu là rất lớn nhưng không có nhiều hồ sơ. Đặc biệt, thiếu giáo viên là tình trạng chủ yếu tại các huyện miền núi, nhưng giáo viên lại không muốn lên nhiều. Thậm chí, có giáo viên đã trúng tuyển và công tác tại các trường ở miền núi được một thời gian, lại có tâm tư, nguyện vọng muốn xin về đồng bằng.

Nguyện vọng thì nhiều, nhưng cũng phải xem xét, cân đối giữa nguyện vọng và nhu cầu thực tế: Khi có thầy cô xin về đồng bằng, phải xem xét các trường trên miền núi có đủ bố trí giáo viên không và ở đồng bằng có nhu cầu hay không. Nếu trên miền núi đủ giáo viên và dưới đồng bằng có trường đang cần vị trí giáo viên đó, thì có thể điều chuyển. Ngược lại, chưa đủ thì tiếp tục động viên các thầy cô ở lại gắn bó, chờ đến thời điểm phù hợp, có thể sắp xếp được. Việc chuyển về đồng bằng cũng sẽ được ưu tiên cho các thầy cô đã công tác nhiều năm và có nhiều cống hiến trên miền núi” - ông Thái Viết Tường chia sẻ.

Thống kê theo quy định định mức giáo viên, năm học 2023-2024, Quảng Nam thiếu 2.426 giáo viên (giữa nhu cầu so với thực tế hiện có).

Tổng hợp đội ngũ giáo viên năm học 2022-2023 và nhu cầu giáo viên bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở năm học 2023-2024, theo tổng hợp từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Tổng hợp đội ngũ giáo viên năm học 2022-2023 và nhu cầu giáo viên bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở năm học 2023-2024, theo tổng hợp từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Nhu cầu giáo viên trung học phổ thông năm học 2023-2024 của tỉnh Quảng Nam.

Nhu cầu giáo viên trung học phổ thông năm học 2023-2024 của tỉnh Quảng Nam.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, giáo viên bậc trung học phổ thông hiện không thiếu nhiều, tuy nhiên, sau khi sắp xếp lại, cũng có một số bộ môn có hiện tượng thừa giáo viên, ví dụ với các môn thuộc khoa học tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh; còn các môn Nghệ thuật, mặc dù ít giáo viên nhưng không phải vấn đề nan giải vì học sinh không chọn.

“Thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở Quảng Nam có một hiện tượng, học sinh có thiên hướng lựa chọn các môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn, nhất là với học sinh miền núi, có lẽ bởi các môn này dễ học hơn các môn khoa học tự nhiên.

Nếu tiếp tục theo nguyện vọng của học trò như hiện nay, sẽ có xu hướng thừa giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên. Đồng thời, sẽ có nguy cơ gây mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực” - ông nhận định.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đáp ứng phần nào đối với nhu cầu của người học, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng tập trung giải thích, tư vấn, định hướng cho học sinh, để có thể chọn môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của các em, vừa phù hợp một phần nào đó với đội ngũ giáo viên hiện có, cũng như góp phần cân bằng đào tạo nguồn nhân lực.

Đào tạo nguồn giáo viên chất lượng, phục vụ lâu dài cho miền núi

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh: “Trước mắt, để đáp ứng chương trình giảng dạy, Sở sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ, điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức thi tuyển để tuyển dụng giáo viên và tăng cường giáo viên hợp đồng.

Bên cạnh đó, do vấn đề thiếu giáo viên chủ yếu ở các huyện miền núi, nên cũng đã có một số đề xuất về việc tính toán, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ để thu hút giáo viên từ đồng bằng, ven thành phố lên miền núi, an tâm công tác lâu dài (từ 5-10 năm).

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh việc chọn học sinh có lực học khá giỏi để đặt hàng cho các trường đào tạo sư phạm”.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm đến một số nội dung, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

“Hiện nay, qua làm việc với các địa phương, tình trạng thiếu giáo viên khá nhiều ở các huyện miền núi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, thực trạng công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục những năm gần đây cho thấy, việc thu hút sinh viên đăng ký dự tuyển về địa bàn miền núi gặp nhiều khó khăn. Qua các năm từ 2019-2022, tỉ lệ trúng tuyển viên chức chỉ đạt 51,7%.

Quảng Nam khó tuyển giáo viên một phần do thiếu nguồn tuyển. Ảnh minh họa: A.N.

Quảng Nam khó tuyển giáo viên một phần do thiếu nguồn tuyển. Ảnh minh họa: A.N.

Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục để kịp thời bổ sung nguồn giáo viên cho năm học 2023-2024. Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh: So với biên chế giao năm 2023, các huyện miền núi thiếu 354 giáo viên (trong đó cần hợp đồng 306 giáo viên) để đáp ứng nhu cầu năm học 2023-2024.

Đồng thời, từ năm học 2023-2024 trở đi, tập trung triển khai việc khảo sát số lượng, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu và dự báo thiếu hụt giáo viên của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương miền núi, lựa chọn những học sinh có học lực khá, giỏi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định các chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh để đào tạo nguồn giáo viên có chất lượng, phục vụ ổn định, lâu dài và bền vững cho khu vực miền núi”.

Mộc Trà