Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hà, Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng, việc cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp chỉ là một trong nhiều quy định về tác phong của giáo viên và học sinh, nhằm giúp học sinh tập trung hơn trong học tập.
Trường THCS và THPT Việt Trung. |
“Ở trường tôi, đã có trường hợp cô giáo bị quạt tốc váy trong khi lên lớp khiến học sinh cười ồ, mất trật tự. Nên việc cấm các cô mặc váy lên lớp được giáo viên, học sinh và phụ huynh rất đồng tình ủng hộ. Ngay cả cô hiệu phó, rồi một số giáo viên có nhiều váy cũng không phản ứng gì, họ chấp hành nghiêm túc, tôi chưa nghe ai phản hồi cả”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, nhiều nữ giáo viên trong trường cho rằng, câu chuyện giáo viên nào đó bị tốc váy trên bục giảng là bịa đặt, bởi lớp học hầu hết lắp quạt trần, gió chỉ có đẩy xuống.
Theo họ, việc cấm tất cả các loại váy, bất kể váy ngắn, váy dài, váy cho bà bầu khiến không ít giáo viên gặp khó.
“Chúng tôi là những người trong môi trường sư phạm nên rất ý thức đến hình ảnh của mình, đặc biệt là trong cách ăn mặc. Chị em chúng tôi hầu như không ai mặc váy quá ngắn để lên lớp, ngắn nhất cũng chỉ ngang váy công sở. Việc cấm mặc váy của nhà trường khiến chúng tôi phải thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập vì phải bỏ váy, sắm thêm áo quần. Khổ nhất là các chị em mang bầu”, một nữ giáo viên nói.
Tham khảo ý kiến của một số học sinh, phụ huynh về việc cấm mặc váy, người đồng tình, người không quan tâm, người cho rằng làm như thế là vi phạm nhân quyền. “Tôi cho rằng, chất lượng giảng dạy của các cô mới là quan trọng, còn việc ăn mặc nếu không quá đáng lắm thì có gì mà phải cấm”, một phụ huynh nói.
Trao đổi lại với ông Hà về những ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh, ông Hà nói: Đây chỉ là quy định tạm thời, mang tính tham khảo, nếu thiếu, chưa chặt chẽ thì bổ sung thêm, nếu sai thì hủy. Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, cho rằng, đó là những việc “đâu đâu”, không nên quan tâm.