Theo thống kê, trong 3 ngày chất vấn của Quốc hội, tổng cộng có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 82 lượt đại biểu tranh luận.
Các thành viên Chính phủ (trong đó 19 Bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong đánh giá kết luận về 3 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh:
“Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm.
Tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.
Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả, cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện.
Vì vậy, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.
Ở lĩnh vực giáo dục, Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo;
Đổi mới chương trình sách giáo khoa phải giảm tải được cho học sinh và giáo viên |
Triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông;
Tiếp tục chấn chỉnh công tác thi và tuyển sinh để bảo đảm chất lượng hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này;
Rà soát để bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong việc tích hợp các môn học;
Làm tốt công tác lấy ý kiến đối với người học, trong đó có trẻ em liên quan đến các nội dung đổi mới trong hoạt động giáo dục bảo đảm việc đổi mới phải xuất phát từ nguyện vọng của người học và xã hội.
Rà soát quy định về kinh phí chi cho các cơ sở giáo dục trên cơ sở xác định vị trí việc làm, nguồn lực của ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Quốc hội đề nghị Chính phủ đề nghị tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, cử tri về việc xử lý ngay những bất cập trong công tác xây dựng và ban hành văn bản, quản lý, xuất bản sách giáo khoa, triển khai các chương trình thực nghiệm...