SGK tiếng dân tộc thiểu số giúp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

22/11/2024 07:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đó là những chia sẻ của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Đắk Nông, nơi có các dân tộc thiểu số như Thái, Ê đê, M'Nông...

Theo Quyết định số 142/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030”, trong giai đoạn 1 đến năm 2025, hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái).

Trong giai đoạn 1, đến năm 2025, đảm bảo đủ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Đến giai đoạn 2, năm 2030, phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Cũng theo Quyết định này, giai đoạn 2021-2025 sẽ ban hành mới ít nhất 01 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Đến năm 2030, ban hành mới ít nhất 2 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông. Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện là đơn vị duy nhất tổ chức sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số. Việc này có ý nghĩa rất lớn đối với xã hội, đặc biệt là với học sinh dân tộc.

Theo tìm hiểu, từ năm 2021 đến hết năm 2024, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc từ lớp 1 đến lớp 5 với 8 tiếng dân tộc thiểu số, gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái.

Đến hết tháng 9/2024, sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt với 48 cuốn, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học của các lớp 1, 2, 3 - mỗi lớp 16 cuốn.

Hiện còn 16 cuốn sách đã thẩm định, đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học dành cho lớp 4. Ngoài ra, đơn vị đang tổ chức biên soạn và thẩm định 16 cuốn, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học dành cho lớp 5, dự kiến phê duyệt vào tháng 12/2024.

le-loi-dac-nong-1217.jpg
Ảnh minh họa: Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).

Có sách giáo khoa, sách tài liệu tiếng Thái, giúp giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Theo thầy Nguyễn Hoa (Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An), số học sinh dân tộc Thái ở Nghệ An có khoảng 30.000 (khoảng 67% học sinh dân tộc thiểu số).

Điều kiện sống của học sinh đa số còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều em là con hộ nghèo, thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, lâu nay ở Nghệ An chủ yếu dạy tiếng dân tộc Mông (Hơ mông), còn tiếng dân tộc Thái thì học sinh chưa học.

Vì vậy, việc ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc Thái, sẽ giúp các em được học ngôn ngữ (chữ viết) của dân tộc mình, giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.

"Giáo viên cũng thuận lợi hơn trong việc giảng dạy tiếng dân tộc. Từ đó phong trào học tiếng dân tộc ngày càng được lan tỏa, mở rộng", thầy Hoa cho hay.

Tuy nhiên, thầy Hoa nhận định, Chương trình môn học tiếng dân tộc trước hết cần lựa chọn tiếng của dân tộc có số lượng học sinh tham gia nhiều, chương trình cần tích hợp nội với nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo tính thống nhất trong cả nước đồng thời có tính mở để các địa phương, cơ sở giáo dục bổ sung cho phù hợp với đặc thù dân tộc đó ở địa phương mình.

Về việc bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên để đảm bảo theo mục tiêu của chương trình, thầy Hoa cho rằng, với các huyện trên địa bàn cũng sẽ gặp khó khăn.

Bởi vì, trong một huyện có nhiều dân tộc, mỗi cơ sở giáo dục lại có học sinh các dân tộc khác nhau. Với cán bộ quản lý, giáo viên, họ đã được bồi dưỡng nhưng sau đó có thể chuyển công tác sang địa phương khác (nơi có dân tộc khác), do đó lại phải bồi dưỡng lại giáo viên.

"Việc tìm kiếm, bố trí giảng viên đủ điều kiện giảng dạy cho cán bộ quản lý, giáo viên là rất ít. Cùng một dân tộc (ngôn ngữ) nhưng mỗi tỉnh (vùng) có sự khác biệt (gồm cả từ vựng và phương ngữ) do đó khó để lấy giảng viên vùng (tỉnh) này sang dạy vùng khác", Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói.

Về nội dung đảm bảo 100% sách giáo khoa, sách tài liệu giảng dạy, thầy Hoa nhận định, Nhà xuất bản nên phối hợp với các địa phương để tổng hợp số liệu các cơ cơ sở giáo dục, số học sinh học tiếng dân tộc (vì tiếng dân tộc là môn học tự chọn) từ đó xây dựng kế hoạch in ấn, phát hành.

Đắk Nông có kế hoạch nâng cao tiếng dân tộc thiểu số Ê đê và M'Nông

Chia sẻ thêm về nội dung nêu trên, đại điện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông kiến nghị, để đảm bảo đủ 100% sách giáo khoa, hằng năm đơn vị xuất bản sách giáo khoa (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) nên thống kê số liệu học sinh người người dân tộc thiểu số ở các địa phương trong cả nước để in và xuất bản đủ 100% sách giáo khoa cho học sinh.

Về việc ban hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông nhận định, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được xem là tài liệu triển khai chương trình giáo dục tiếng dân tộc thiểu số.

"Vì vậy nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với giáo viên và học sinh. Có sách giáo khoa sẽ giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc học tiếng dân tộc thiểu số", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông chia sẻ.

Bên cạnh đó, đại điện Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cho rằng, Chương trình môn tiếng dân tộc thiểu số cần chú trọng đến việc đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, có nội dung giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hoá của các dân tộc thiểu số; bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của địa phương trong việc bồi dưỡng giáo viên dân tộc thiểu số, để đạt mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn đào tạo, đại diện Sở chia sẻ, về mặt thuận lợi, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch 202/KH-UBND ngày 22/4/2022 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số M'Nông và Ê đê trong Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nhu cầu đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Phối hợp với các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng về tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiếng dân tộc thiểu số.

Về khó khăn, hiện nay tỉnh Đắk Nông chưa có giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định; chưa có giáo viên được bồi dưỡng ngắn hạn để có chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.

"Địa phương cũng chưa có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc (M'Nông) để phục vụ cho công tác giảng dạy tiếng dân tộc theo quy định", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cho hay.

Mạnh Đoàn