Năm học 2018-2019, huyện tôi (một huyện phía Nam) sáp nhập 2 trường tiểu học trong một xã lại với nhau, ngôi trường mới sau khi sáp nhập đã có 35 lớp với tổng số học sinh hơn một ngàn em.
Hiện vẫn còn không ít trường tiểu học chưa tới 300 em học sinh nhưng vẫn chưa được sáp nhập (Báo Thiếu niên và Nhi đồng). |
Sau khi sáp nhập cơ cấu tổ chức của nhà trường đã có nhiều thay đổi đặc biệt về nhân sự.
Một hiệu trưởng xuống làm hiệu phó, 2 hiệu phó xuống làm giáo viên, giảm thêm 3 tổ trưởng chuyên môn và khá nhiều chức danh như thanh tra, thư ký hội đồng, chủ tịch công đoàn, 3 tổ trưởng công đoàn, tổng phụ trách, văn thể- lao động, phổ cập…
Nếu tính chi li số tiền tiết kiệm từ việc ghép trường như thế thì một năm huyện nhà đã dư hàng tỷ đồng.
Ghép trường lợi ngân sách mà vẫn ổn định được chất lượng dạy và học nhưng tại sao cấp trên vẫn chưa làm quyết liệt?
Sau một năm học nhìn lại từ việc ghép trường, nhiều thầy cô giáo nhận xét chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh vẫn luôn được giữ ổn định.
Chỉ có một điều gây xôn xao bàn tán trong giới giáo chức, đó là việc 2 hiệu phó xuống làm giáo viên lại có chuyên môn và khả năng quản lý tốt hơn nhiều vị hiệu phó được tại vị kia thậm còn hơn hẳn cả hiệu trưởng.
Đó là 2 trường học được huyện tôi thí điểm sáp nhập đầu tiên.
Những tưởng sau thành công ấy, những năm tiếp theo những trường học có quy mô nhỏ của huyện tiếp tục được ghép với nhau để tinh giảm nhân sự và các chức danh kiêm nhiệm.
Thế nhưng hoàn toàn không phải thế, 2 năm nay không thấy huyện thực hiện tiếp việc ghép trường mặc dù vẫn còn khá nhiều trường có quy mô trên dưới 10 lớp.
Nhiều nguồn tin cho biết, cấp trên khá khó xử và đau đầu khi phải quyết định cán bộ quản lý nào sẽ được giữ nguyên chức hiệu trưởng? Cán bộ quản lý nào sẽ xuống làm hiệu phó và cán bộ nào sẽ xuống làm giáo viên?
Chúng tôi thì nghĩ, nếu những cán bộ quản lý ấy chẳng thần thế hay vai vế gì có lẽ đã chẳng gây khó khăn cho công tác sắp xếp tổ chức của cấp trên. Thế nhưng nếu cấp trên cứ vì chuyện này sẽ chẳng bao giờ có thể ghép trường và tinh giảm biên chế được.
Sáp nhập trường giải quyết việc dôi dư cán bộ quản lý thế nào cho hợp lý?
Thực hiện việc sáp nhập trường chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng dôi dư cán bộ quản lý. Việc này sẽ làm cấp trên khó xử khi những cán bộ quản lý ấy lại có vai vế, thân thế trong xã hội.
Nếu cứ để cấp trên tự quyết sẽ xảy ra tình trạng người có chuyên môn và khả năng quản lý yếu hơn được tại vị và người có năng lực vượt trội lại bị giáng chức gây nên sự bất mãn, mất niềm tin trong dư luận xã hội.
Bởi thế, chúng tôi nghĩ cần có cuộc thi sát hạch công khai như kiểu việc thi tuyển cán bộ quản lý mà một số địa phương đã, đang tổ chức. Người thắng sẽ thấy mình xứng đáng và người thua cũng thấy tâm phục khẩu phục.
Ai có đủ phẩm chất, năng lực người ấy sẽ chiến thắng và như thế chính các vị lãnh đạo cũng không phải khó xử khi phải quyết định cho ai giữ chức và ai sẽ xuống làm giáo viên.