Có nên tồn tại trường tiểu học chỉ trên dưới 10 lớp?

01/05/2020 07:15
Đăng Bình
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Đừng vì sợ ghép trường sẽ khó quản lý giáo viên, sợ chất lượng giảng dạy và học tập sẽ giảm sút để mãi duy trì những trường học có quy mô nhỏ như hiện nay.

Trước đây, học sinh đi học chủ yếu là đi bộ hoặc sang lắm cũng chỉ là chiếc xe đạp cút kít, cà tàng.

Hiện nhiều địa phương vẫn còn khá nhiều trường tiểu học có quy mô khá nhỏ (Ảnh minh họa Báo Dân sinh).
Hiện nhiều địa phương vẫn còn khá nhiều trường tiểu học có quy mô khá nhỏ (Ảnh minh họa Báo Dân sinh).

Vậy mà, cả một xã lớn cũng chỉ có một trường học cấp 1 và cấp 2 học chung. Cả một huyện cũng chỉ có từ 1-2 trường cấp 3 là nhiều.

Nhiều năm trở lại đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi học của các em, nhiều địa phương đã thành lập khá nhiều trường tiểu học.

Có xã, số lượng học sinh chỉ hơn 2 ngàn em nhưng đã có từ 3 đến 4 trường tiểu học, có 1-2 trường trung học cơ sở. Trường này, cách trường kia chừng độ vài ki-lô-mét.

Thời bây giờ, học sinh tiểu học đến trường phần đông được ba mẹ đưa rước bằng xe máy, thậm chí ô tô. Vì thế, khoảng cách vài ki-lô-mét giữa trường này và trường kia không còn quan trọng nữa.

Thế nhưng, việc một xã, phường có quá nhiều trường tiểu học (trường ít hơn 300 học sinh, trường nhiều cũng chỉ độ gần một ngàn em) đã gây nhiều lãng phí cho ngân sách nhà nước trong đó có khá nhiều vị trí, chức danh chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ bàn về những trường tiểu học có quy mô trên dưới 10 lớp và chưa đầy 500 học sinh ở vùng đồng bằng.

Sự lãng phí khi có nhiều trường tiểu học quy mô nhỏ trên cùng một địa bàn

Có nên tồn tại trường tiểu học chỉ trên dưới 10 lớp? ảnh 2
Dồn ghép trường là một giải pháp hay để giảm biên chế

Dù là một trường tiểu học trên dưới 10 lớp (chỉ bằng 1-2 khối của một trường hạng 1) thì cũng gần như đầy đủ các ban bệ và các chức danh kiêm nhiệm theo quy định.

Đó là hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, thư viện…các chức danh kiêm nhiệm như thanh tra, thư ký, chủ tịch công đoàn, các tổ trưởng, tổng phụ trách…

Ngân sách phải bỏ ra cho các ban bệ và các chức danh kiêm nhiệm không phải là nhỏ mà khá nhiều vị trí lại quá nhàn rỗi.

Ví như một hiệu phó mà quản lý 10 lớp chỉ hơn hoặc bằng một tổ trưởng một trường tiểu học 30 lớp trở lên.

Trong khi đó, một khối chỉ khoảng 2-3 lớp nhưng vẫn phải bố trí một tổ trưởng. Do điều này, gần như tổ trưởng khá nhàn vì mọi công việc chuyên môn liên quan đến tổ chuyên môn hiệu phó đã làm hết.

Tổ trưởng trường tiểu học trường nhỏ gần như chỉ có nhiệm vụ truyền đạt, triển khai những kế hoạch của cấp trên đưa xuống (phần nhiều trong những nội dung ấy, giáo viên đã được nghe trong cuộc họp hội đồng). Những nhiệm vụ khác đã có hiệu phó làm thay.

Những chức danh kiêm nhiệm như chủ tịch công đoàn hưởng 4 tiết/tuần, tổ trưởng chuyên môn 3 tiết/tuần và 0.2 phụ cấp trách nhiệm, thư ký 2 tiết/tuần…của trường quy mô nhỏ cũng chưa phát huy được trách nhiệm công việc của mình.

Đề xuất ghép trường

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, hiện nhiều xã phường (ở vùng đồng bằng) có khá nhiều trường tiểu học có quy mô khá nhỏ (trên dưới 10 lớp) mà mỗi trường lại cách nhau không xa (chỉ vài ba ki lô mét trong khi giao thông lại khá thuận lợi) nên đã gây nhiều lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Vì thế, tại sao chúng ta không thể sáp nhập trường học lại với nhau?

Một xã, phường có khoảng 2 ngàn học sinh chỉ nên bố trí từ 1-2 trường tiểu học là hợp lý. Mỗi trường có thể bố trí 30 lớp trở lên (gọi là trường hạng 1).

Khi các trường được ghép lại với nhau sẽ giảm đi nhiều ban bệ và chức danh kiêm nhiệm nhưng lại không ảnh hưởng gì đến việc đi lại học tập của học sinh.

Có nên tồn tại trường tiểu học chỉ trên dưới 10 lớp? ảnh 3
Không đánh đổi chất lượng để đạt mục tiêu dồn dịch trường lớp

Ví dụ, ghép trường A, trường B và trường C lại với nhau. Trường A sẽ là cơ sở chính, 2 trường còn lại trở thành cơ sở phụ của trường A.

Học sinh cơ sở nào vẫn học nguyên cơ sở ấy vì thế chẳng ảnh hưởng gì đến việc đi lại của các em.

Vậy nên nói là ghép trường chỉ thay đổi về công tác tổ chức còn mọi hoạt động giáo dục vẫn không hề thay đổi.

Ghép trường có đảm bảo được chất lượng dạy và học?

Đây có lẽ là điều lo lắng và quan tâm nhất của nhiều người. Thế nhưng, chúng tôi khẳng định rằng chuyện dạy và học vẫn không hề thay đổi.

Vì sao lại nói thế? Bậc tiểu học giáo viên chủ nhiệm dạy ít nhất 23 tiết/tuần, trường học 2 buổi nhiều thầy cô còn phải dạy tới 35 tiết/tuần.

Chất lượng học tập của lớp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thầy cô chủ nhiệm. Bởi thế, thầy cô giáo nào chẳng lo cho chất lượng của lớp mình?

Giáo viên đâu cần Ban giám hiệu phải theo dõi, giám sát hằng ngày? Mỗi thầy cô đều phải tự nỗ lực để lớp mình không bị thua kém lớp đồng nghiệp.

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau giờ trường học không có Ban giám hiệu thì hàng tháng trời giáo viên vẫn lên lớp, giảng dạy đầy đủ.

Trường học nào hiện chẳng có hệ thống camera an ninh giám sát? Vì thế, Ban giám hiệu chỉ cần ngồi tại cơ sở chính cũng nắm hết giáo viên đi trễ hay về sớm thế nào.

Vậy nên đừng vì những suy nghĩ ghép trường sẽ khó quản lý giáo viên và như thế chất lượng giảng dạy và học tập sẽ giảm sút để mãi duy trì những trường học có quy mô quá nhỏ như hiện nay tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đăng Bình