Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, Thủ tướng đã chỉ ra một số yêu cầu, chỉ đạo quan trọng.
Trước những yêu cầu với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn tới, đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Đại biểu cũng chia sẻ với những khó khăn của ngành.
Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng (Ảnh: Quốc hội). |
Phóng viên: Thưa ông, trong số những yêu cầu của Thủ tướng, theo ông nội dung then chốt và cấp bách nhất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặc biệt chú trọng là gì?
Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng: Trước hết phải khẳng định, giáo dục và đào tạo thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói “so với điều kiện kinh tế, kết quả giáo dục đạt được là rất lớn”.
Một số kết quả nổi bật đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi nhận: Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô.
Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn.
Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi, giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng từng bước được nâng lên…
Bên cạnh thành tựu đạt được, giáo dục và đào tạo còn một số những hạn chế như: Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động…
Theo cá nhân tôi, đây là những yêu cầu hết sức đúng đắn, sát với thực tiễn, là những vấn đề cần phải được triển khai, thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Tất cả các nội dung trên cần được tiến hành một cách đồng bộ, quyết liệt, có như vậy mới tháo gỡ được khó khăn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Phóng viên: Vậy, làm thế nào để đảm bảo thực hiện chính xác, triệt để những nội dung trên, cần bắt đầu từ đâu và lộ trình như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng: Trên cương vị của phụ huynh học sinh, có con em theo học ở các cấp học, tôi cho rằng đối với giáo dục mầm non, cần giải quyết sớm tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng nhu cầu học tập cũng như chỉ tiêu về huy động trẻ mầm non ra lớp.
Đối với giáo dục phổ thông cần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đây là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019-2020 đã được đưa vào giảng dạy, đối với chương trình, sách giáo khoa của các lớp học, cấp học triển khai theo lộ trình cần đặc biệt củng cố những kết quả đạt được, khắc phục tối đa những tồn tại, hạn chế đã được các cấp, các ngành và đông đảo cử tri cả nước quan tâm góp ý.
Mục tiêu cuối cùng là có được một chương trình học với các bộ sách giáo khoa phù hợp với nhận thức của học sinh, điều kiện thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, nhận được sự đồng thuận của đông đảo giáo viên, học sinh; phụ huynh học sinh tin tưởng rằng giáo dục đang đi đúng hướng, con em mình có điều kiện để phát triển toàn diện.
Đối với giáo dục đại học, cần phải gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, để làm sao sinh viên ra trường phải có việc làm, có thu nhập ổn định.
Chương trình, sách giáo khoa của các lớp học, cấp học triển khai theo lộ trình cần tiếp thu kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được góp ý. (Ảnh: Ngân Chi) |
Phóng viên: Đối với yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật", điều mà cả xã hội đang quan tâm và đã từng có nhiều vấn đề tiêu cực xuất hiện liên quan đến chất lượng, ông có quan điểm như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng: Quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá, để thông qua đó, điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp hơn.
Giải pháp này đã cơ bản hoàn thành và đạt được những kết quả quan trọng trong giai đoạn vừa qua, cụ thể như: Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học.
Công tác đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng được triển khai theo hướng thí sinh không phải lên các thành phố lớn để dự thi trong nhiều đợt, thay vào đó chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội…
Đối với yêu cầu học thật, thi thật, nhân tài thật, điều mà cả xã hội đang quan tâm, do đó phải tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo thi cử phải nghiêm túc, kết quả thi phải bảo đảm trung thực, khách quan.
Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số kiến nghị liên quan đến đầu tư tài chính cho giáo dục, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ông có thể phân tích một số tồn tại trở thành rào cản thực hiện những nhiệm vụ trên? Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh Covid-19, giải pháp tháo gỡ, khắc phục như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng: Về đầu tư tài chính cho giáo dục: Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, do đó, Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII của Đảng đã xác định Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế chậm lại; ngân sách chi cho giáo dục đã được quan tâm nhưng nhu cầu thực tế lớn. Bên cạnh đó việc xã hội hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn…
Vì vậy, cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò trung tâm; đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư; từng bước đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo đủ điều kiện…
Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của các ngành nghề nói riêng và đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Do đó công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những nhiệm vụ, giải pháp vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Một số những tồn tại trở thành rào cản thực hiện nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được ngành giáo dục và đào tạo nhận định, đó là: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.
Giải pháp để tháo gỡ là cần tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với sinh viên theo học các ngành sư phạm; có chính sách đãi ngộ phù hợp, thích đáng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để thu hút người tài tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là giáo dục khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Phóng viên: Ông đặt niềm tin và kỳ vọng như thế nào đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện những nhiệm vụ trên?
Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng: Cá nhân tôi luôn đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian qua.
Tôi tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!