Ngày 30/10/2019, trong buổi làm việc riêng với đại diện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang chủ trì, ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cho biết:
“Chúng tôi rất nhức nhối về giáo dục ở Vĩnh Thuận, vì quá nhiều việc và kéo dài quá.
Chuyện làm sai với giáo viên thì giáo viên phải được hưởng lại hết, tức là phải truy lại những cái mà nhà nước làm không đúng.
Nhà nước ở đây là Phòng Giáo dục hay cá nhân nào đó.
Cái thứ hai nữa là phải sắp xếp lại Phòng giáo dục, nhân sự thì chúng tôi có rồi, có người thay rồi, thời điểm nào thì chưa biết nhưng phải xử lý dứt điểm chuyện này, quy trách nhiệm rồi thay đổi nhân sự”.
Ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang trong buổi giao ban báo chí sáng 30/10/2019. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Sau những khi chế độ của hàng trăm nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận bị xâm hại được phơi bày, ngày 14/10/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận đã lập công văn số 73/CV-PGD để xin ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang về việc hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Ngày 24/10/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang ban hành công văn số 1993/SGD-TCCB để cho ý kiến.
Theo đó, đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo Điều 1, Thông tư Số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2011 về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo;
Điều1, Nghị định số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH
Điều 1, Thông tư số 27/2018 sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Cụ thể: “Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07)
Nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, tàu huấn luyện của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”
Căn cứ vào các quy định trên, bà Nguyễn Thị Cảnh, ông Nguyễn Ngọc Điệp và các viên chức khác thuộc đối tượng được được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo”.
Nói như ông Huỳnh Minh Tâm thì ông chả liên quan gì đến số mệnh cả trăm nhà giáo |
Tuy nhiên, trong trong mục C của công văn số 1993/SGD-TCCB có cụm từ “ Các trường hợp viên chức khác không tham gia giảng dạy”.
Để làm rõ hơn về cụm từ này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi và đề nghị ông Ninh Thành Viên giải đáp cụ thể để xác định đối tượng cụ thể. Ông Ninh Thành Viên khẳng định:
“ Các trường hợp viên chức khác không tham gia giảng dạy” mà mục C của công văn số 1993/SGD-TCCB đã đề cập chính là áp dụng cho nhóm đối tượng nhân viên thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ như: Thư viện; Thiết bị, thí nghiệm; Công nghệ thông tin; Kế toán; Thủ quỹ; Văn thư; Y tế…và những đối tượng này được bổ nhiệm đúng theo chức danh việc làm như vị trí đang đảm nhiệm sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên.
Tất cả nhà giáo có các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07 đều được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo nếu có đủ thời gian công tác đủ 5 năm (60 tháng)”.
Như tin đã đưa, toàn ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận có hàng trăm nhà giáo đã bị cắt chặn chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nhà bởi nguyên nhân ngành giáo dục Vĩnh Thuận gần như bị “xóa trắng” nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ như: Thư viện; Thiết bị, thí nghiệm; Công nghệ thông tin; Kế toán; Thủ quỹ; Văn thư; Y tế…
Và, để lấp vào mảng nhân viên đang bị xóa trắng này, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã đẩy nhà giáo ra gánh vác thay thế.
Ngoài việc bị phân công nhiệm vụ trái vị trí việc làm và không phù hợp với chức danh nghề nghiệp, những nhà giáo này còn bị ngành giáo dục thẳng tay cắt hết các chế độ phụ cấp chính đáng như phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi.
Điều kinh ngạc là tất cả các nhà giáo đã và đang bị cắt chặn chế độ đều đã được Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp (là giáo viên) theo cấp học của trình độ chuyên môn mà họ có.
Mặc dù bị cắt chặn chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi, nhưng kỳ lương hàng tháng các cơ sở giáo dục vẫn trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho họ có tính kèm phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi.
Ám ảnh về những quyết định của huyện Vĩnh Thuận khiến nhà giáo nước mắt chan cơm |
Đồng thời, hàng năm, các cơ sở giáo dục vẫn dùng quyết định lương với chức danh nghề nghiệp là giáo viên của họ để dự toán kinh phí nhưng những nhà giáo này lại bị cắt chế độ một cách đầy bất nhẫn và sai pháp luật (?)
Lý giải cho sự việc nói trên, ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận lập văn bản báo cáo:
“Năm học 2018-2019, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn có 64 giáo viên được phân công làm nhân viên văn phòng.
Số giáo viên làm nhân viên văn phòng có trình độ chuyên môn chuyên ngành sư phạm, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức là giáo viên.
Do tình trạng thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên làm công tác văn phòng như kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện… nên Ban giám hiệu tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng để đảm bảo chế độ làm việc…
Do số giáo viên này làm công tác văn phòng, không tham gia trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo của Chính phủ”.
Sự việc chế độ nhà giáo bị xâm hại trong thời gian quá dài nhưng không được xử lý đã tạo nên cơn sóng phản ứng của nhiều nhà giáo khiến họ phải đi kêu cầu nhờ giúp đỡ.
Sau loạt bài do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu huyện Vĩnh Thuận xem xét xử lý vụ việc.
Hiện tại, huyện Vĩnh Thuận đã có động thái rà soát, xác minh để tìm phương án xử lý, tuy nhiên những phát ngôn vô cảm, thiếu tình và sai pháp luật của ông Huỳnh Minh Tâm cùng với những hậu quả nặng nề mà ông Tâm - người đứng đầu ngành giáo dục của huyện Vĩnh Thuận đã gây ra cho hàng trăm nhà giáo rất cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và xử lý thích hợp trong thời gian gần nhất để tránh bức xúc trong nhân dân cũng như đội ngũ nhà giáo đã và đang bị cắt chặn chế độ thời gian qua.