Sau 15 năm, chế độ tài chính đối với HS dân tộc nội trú nhiều điểm không phù hợp

12/10/2024 06:21
Hà Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sau 15 năm áp dụng, một số quy định trong Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT không còn phù hợp với thực tế dạy và học tại các trường nội trú.

Ngày 29/5/2009, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc được ban hành.

Kể từ đó, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã thực hiện tốt các quy định, chế độ theo Thông tư như: Công tác tuyển sinh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của Nhà nước hỗ trợ đối với học sinh... Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thực hiện, Thông tư liên tịch số 109 đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho biết, nhiều năm qua, các chế độ theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT đã giúp trường thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, góp phần đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh.

“Các em được trang cấp hiện vật như chăn màn, áo ấm, chiếu cá nhân, quần áo đồng phục; được hỗ trợ tiền tàu xe; được hỗ trợ học phẩm gồm sách vở, bút, đồ dùng học tập; được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn thể;… Tất cả các hỗ trợ này đều rất cần thiết, quan trọng, giảm gánh nặng chu cấp từ phía gia đình học sinh và tạo điều kiện cơ bản, đảm bảo cho học sinh yên tâm học tập, rèn luyện”, cô Hoa chia sẻ thêm.

ad-4nxf8z38geg4wjlshutfhmilv5pumrfs5epou2hgfredxq55ewdvci1i4i9sakvtihvlztxgtnd0mg9gayvogmgst7vh897n5kkcvkhy48udpxj8qvgkhayruy-zze8ku0z0x4-4-7czo-chuikvwpj5j-cwe-1129.jpg
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. (Ảnh: website nhà trường)

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cho biết, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT về cơ bản đã đáp ứng các nhu cầu học tập, sinh hoạt tối thiểu cho con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong quá trình học tập sinh hoạt tại trường, giúp nhiều học sinh nhất là các em vùng đặc biệt khó khăn được học tập, trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Điều này thể sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, thầy Bắc cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế khiến việc dạy và học tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn.

“Sau 15 năm triển khai, nhiều chế độ tài chính mà Thông tư liên tịch 109 đưa ra không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đơn cử như về chế độ thưởng cho học sinh theo xếp loại học tập rèn luyện. Theo Thông tư liên tịch 109, mức khen thưởng được chia theo 3 loại: Khá, Giỏi và Xuất sắc. Trong khi đó, theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thì kết quả học tập của học sinh được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt. Chiếu theo quy định tại Thông tư 109 thì học sinh Khá được thưởng, nhưng không có chế độ cho học sinh xếp loại khác.

Ngoài ra, về trang thiết bị cá nhân, danh sách hỗ trợ học phẩm cho học sinh có nhiều đồ dùng không còn phù hợp với đời sống và nhu cầu học tập hiện tại như: áo bông, chăn bông, nilon đi mưa, bìa bọc vở, hồ dán… Trong khi đó những món đồ cần thiết như quần áo đồng phục lại được quy định cấp 1 lần dùng cho cả 3 - 4 năm học. Thực tế, học sinh ở độ tuổi này phát triển rất nhanh, quần áo may ở năm đầu không thể dùng trong những năm học tiếp theo”, thầy Bắc cho biết thêm.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cũng chia sẻ những khó khăn của nhà trường trong việc cân đối chi tiêu. Cụ thể, theo quy định của Thông tư, nhà trường được tổ chức 2 lần trong năm cho học sinh của trường ở lại trường không về nhà trong dịp Tết Nguyên đán và Tết cổ truyền của dân tộc với mức chi 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại. Hàng năm nhà trường được mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể với mức 50.000đồng/học sinh/năm.

“So với mặt bằng chung giá cả thị trường như hiện nay, mức chi này còn quá thấp, nhà trường rất khó để mua sắm cho học sinh. Để đáp ứng nhu cầu dạy học và sinh hoạt, nhà trường đã trang bị điều hoà, bình nóng lạnh cùng nhiều thiết bị điện tử. Tuy nhiên, theo Thông tư quy định tiền điện thắp sáng cho học sinh bình quân là 25KW/tháng/học sinh theo giá điện quy định tại địa phương. Quy định này chưa đảm bảo được yêu cầu học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới”, thầy Bắc bày tỏ.

Ngoài những bất cập về chế độ cho học sinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, nhân viên tại trường dù rất vất vả nhưng không được hưởng phụ cấp 0,3 mức lương tối thiểu như giáo viên (phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương cơ sở ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định).

“Trong trường nội trú có người làm công tác quản sinh nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định định mức quy đổi cho giáo viên làm kiêm nhiệm công tác quản sinh như các công việc khác. Giáo viên chủ nhiệm tại các trường nội trú không chỉ giảng dạy mà còn thay gia đình chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc học sinh trong thời gian ở trường nhưng định mức giảm giờ dạy vẫn được tính như giáo viên chủ nhiệm các trường phổ thông bình thường”, thầy Bắc nêu thực trạng.

ad-4nxeztngjiyzq5uo-ey6-xaduzc-ctnjn4eynvafzi3ia3geteeyizs07agxownpvt8lnz3oza-md9sjoujv6kf8odubwjpkwvxgf9xozeowjp8w6boz775tozfz2tzutqynukhojnj1hjhcgeomgol2ofkzr-3933.jpg
Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang chụp cùng học sinh. (Ảnh: website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phạm Hồng Việt - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình khẳng định, việc có Thông tư liên tịch 109 đã tạo động lực cho học sinh các dân tộc vươn lên trong học tập, rèn luyện tu dưỡng và đạt kết quả đáng khích lệ. Nhiều năm qua, chế độ tài chính quy định trong Thông tư giúp học sinh dân tộc nội trú có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, nhà trường cũng gặp một số khó khăn.

“Về chế độ học bổng cho học sinh dân tộc nội trú theo Thông tư liên tịch 109 là 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng chế độ học bổng này chưa phù hợp. Đặc biệt là với học sinh trung học phổ thông, nhu cầu học tập, sinh hoạt, yêu cầu về chế độ dinh dưỡng nhiều hơn. Thực tế, nhiều em phải xin thêm tiền bố mẹ để mua đồ dùng cá nhân, mà hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, thầy Việt cho biết.

Do đặc thù tại các trường nội trú, đa số học sinh đều ở vùng sâu vùng xa. Vì vậy, theo thầy Việt, việc cấp tiền tàu xe cho học sinh theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng là chưa hợp lý.

Việc ăn, ở của học sinh được chăm sóc 100% tại trường. Vì vậy một số vị trí như bảo vệ, nhân viên cấp dưỡng, quản sinh… đóng vai trò quan trọng trong hệ thống vận hành của các trường nội trú. Tuy nhiên, thầy Việt cho biết việc bố trí giáo viên, nhân viên ở trường còn khó khăn, bất cập do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, nhà trường phải tự thực hiện hợp đồng với các vị trí này.

Bên cạnh đó, thầy Việt cũng chỉ ra thực trạng một số phụ huynh học sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa còn tâm lý phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, chưa phối hợp tốt trong việc quản lý, chăm sóc con cái. “Nhìn chung, chất lượng đầu vào tuyển sinh của các trường nội trú không cao. Trình độ, năng lực tư duy, học tập của học sinh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số chế độ chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh của trường phổ thông nội trú đã được ban hành từ lâu, chậm điều chỉnh, bổ sung nên chưa phù hợp với tình hình hiện nay”, thầy Việt chia sẻ thêm.

Tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cũng gặp phải tình trạng chênh lệch về nền tảng kiến thức giữa các học sinh. Đây là ngôi trường có học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau theo học như: Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Kinh… Theo cô Hoa, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán và lối sống riêng nên rất dễ dẫn đến việc bất đồng giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên, cán bộ công nhân viên với học sinh. Từ đó dẫn đến nhiều khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc các em. Đa số học sinh còn nặng tâm lý e dè, ngại giao tiếp với giáo viên nên chưa chủ động trong việc tiếp thu kiến thức cũng như tham gia các hoạt động tập thể. Đặc biệt, nhà trường chưa nhận được sự phối hợp trong công tác giáo dục từ phụ huynh.

459114640_511395665080087_3495149316777372508_n.jpg
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. (Ảnh: website nhà trường)

Đề nghị tăng mức hỗ trợ cũng như linh hoạt các vật phẩm cấp phát cho học sinh

Từ thực tế tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang, thầy Bắc cho rằng với mức hỗ trợ học bổng cho học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, nhà trường rất khó khăn trong việc tổ chức đảm bảo sinh hoạt cho học sinh như mua lương thực, thực phẩm, chất đốt, thuê nhân công nấu ăn… Nhất là đối với trường ở thành phố có giá cả biến động, chi phí nhân công cao. Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo đã đề nghị và được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang hỗ trợ 20% mức lương tối thiểu/học sinh/tháng làm sinh hoạt phí cho học sinh, hỗ trợ tiền thuê nhân công nấu ăn cho học sinh nội trú.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An chỉ ra bất cập về thời gian hưởng học bổng chính sách đối với năm học cuối cấp của học sinh.

“Về thời gian hưởng học bổng chính sách, đối với năm học cuối, học sinh được hưởng theo số tháng thực học. Tuy nhiên thực tế học sinh lớp 12 kết thúc năm học vào cuối tháng 5, thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào cuối tháng 6. Nếu trong khoảng thời gian từ khi kết thúc năm học đến khi thi tốt nghiệp nhà trường không tổ chức ôn tập cho học sinh thì học sinh sẽ về nhà. Đa số học sinh của nhà trường là con em người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nếu sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 nhà trường để các em về nhà, học sinh sẽ không tự ôn tập mà lo giúp gia đình lao động kiếm sống, hoặc một số em do phong tục tập quán sẽ không muốn quay lại trường tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà đi làm hoặc kết hôn.

Do đó nếu không tập trung các em ở lại trường và giáo viên trực tiếp ôn tập thì đến ngày thi rất nhiều em không quay lại để tham gia thi, ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như tương lai của các em sau này. Vì vậy, tôi đề xuất cấp học bổng đến tháng thi tốt nghiệp đối với năm học cuối cấp để tạo điều kiện cho học sinh ở lại trường ôn thi hiệu quả”, cô Hoa cho biết.

Tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, hầu hết học sinh đều tiếp cận thông tin qua internet, đọc báo và các tạp chí văn nghệ online. Vì vậy, theo cô Hoa, nội dung mỗi lớp được cấp một tờ báo địa phương, một tờ báo của thanh thiếu niên hoặc báo “Giáo dục và thời đại”, tập san văn nghệ dành cho các dân tộc phục vụ cho hoạt động giáo dục đặc thù trong Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT không còn phù hợp.

Cô Hoa cũng đề xuất thay đổi một số vật phẩm trong danh sách cấp phát cho học sinh để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ví dụ, học sinh nội trú chủ yếu di chuyển trong trường, vì vậy việc cấp ô che mưa sẽ thuận tiện hơn sử dụng áo mưa. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại áo, chăn ấm đảm bảo đủ ấm, đẹp, có thể thay thế chăn bông, áo bông theo quy định trong Thông tư.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Việt cũng cho rằng các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT bằng số tiền cụ thể đã không còn phù hợp với hiện tại. Do đó, cần điều chỉnh phù hợp theo tỷ lệ phần trăm để đảm bảo cho học sinh được học tập và sinh hoạt trong điều kiện mới.

ad-4nxfel9zjdux5-rwh3dbjjwrv5x79myedx-3xkk9sajufyzmxd1cbvwrtglhe1ewj-r1zira8ao3h2yzoha8xkwxhukrljlfzlzacr0wp-47qqqjqome0-seqgd1gqijup8l8rignp4-stbj7plqij7ud6g-2787.png
Thầy Phạm Hồng Việt - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình

Cụ thể, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình đề xuất tăng chế độ học bổng cho học sinh dân tộc nội trú từ 80% lên 100% mức lương tối thiểu, đặc biệt là đối tượng học sinh trung học phổ thông vì ở độ tuổi này các em cần nhu cầu cao hơn về dinh dưỡng. Chế độ chi cho ngày Tết nguyên đán và Tết cổ truyền của dân tộc thiểu số cần tăng lên 100.000 đồng/học sinh/lần ở lại thay vì 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại theo quy định trong Thông tư.

Ngoài ra, chế độ trang cấp hiện vật cho học sinh cũng được thầy Việt đề xuất tăng thêm, mỗi năm cấp một lần để đáp ứng nhu cầu phát triển của các em.

Về tiền tàu xe, hiện nay, Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT đang quy định học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 1 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp tết hoặc dịp nghỉ hè. Tuy nhiên thực tế học sinh có mong muốn về thăm gia đình nhiều hơn nên có thể tăng hỗ trợ lên mức 2 lần/1 năm.

Hà Giang