Kết quả thi tuyển giáo viên vừa qua của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, SV các trường “bị phân biệt” có điểm số tương đương thậm chí cao hơn SV tốt nghiệp chính quy các trường khác. |
Qua đấu tranh, cuối cùng Sở đã chấp nhận tuyển dụng tất cả SV các trường ĐH chính quy. Tuy nhiên, ngày 12/11/ 2012 Sở Giáo dục lại đưa ra hướng dẫn tuyển dụng số 305 mà theo các SV là “sự phân biệt rất bất công”.
Theo hướng dẫn trên, khi xét tuyển chia làm 3 nhóm:
Nhóm 1: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ được hưởng 30% số chỉ tiêu biên chế và khi số người tuyển còn thừa sẽ được xét tiếp ở nhóm 2.
Nhóm 2: Sinh viên các trường sư phạm (được thống kê ở trên) và số sinh viên chưa trúng tuyển của nhóm 1 được 50% số chỉ tiêu.
Nhóm 3: Riêng sinh viên Trường ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc (được đào tạo sư phạm chính quy) lại bị đẩy xuống nhóm 3 cùng với cử nhân các trường đại học chính quy (ngoài sư phạm) và số sinh viên chưa trúng tuyển nhóm 1, 2 chia nhau 20% số chỉ tiêu ít ỏi còn lại.
Nhiều SV tốt nghiệp hệ sư phạm chính quy Trường ĐH Hùng Vương và Trường ĐH Tây Bắc bức xúc vì thông báo tuyển GV kiểu phân biệt của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc. |
Ngày 23 và 26/ 12/ 2012, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc tổ chức đợt thi sát hạch chất lượng giáo viên các cấp. Sinh viên tất cả các trường được làm chung đề theo chuyên môn của mình. Nếu ai không qua vòng thi tự luận thì sẽ bị loại ngay.
Kết quả thi tuyển vừa được công bố cách đây vài ngày cho thấy SV Trường ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc, cử nhân sư phạm các trường có điểm số tương đương như SV tốt nghiệp sư phạm chính quy các trường khác.
Thậm chí, ở môn Hóa học, SV tốt nghiệp cử nhân Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có điểm số cao nhất (97,5/100 điểm) trong tất cả các ứng viên.
Một SV trong số “bị phân biệt” tâm sự: “Trong số chúng tôi dù có người kém nhưng cũng nhiều người tốt, giỏi. Việc từ chối hàng trăm SV như vậy không chỉ gây bức xúc mà còn lãng phí nguồn chất xám phục vụ cho chính ngành giáo dục”.
Dù còn phải đợi xét tuyển hồ sơ nhưng như một SV hệ cử nhân sư phạm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tâm sự: “Dù bị loại mình cũng vui với điểm số như vậy, các bạn tốt nghiệp chính quy phải nể phục”.
Mong mỏi lớn nhất của những SV các trường “bị phân biệt” là lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nhìn nhận lại và cho họ được xét công bằng như SV tốt nghiệp các trường khác.