Sinh viên có nhiều thuận lợi khi học tại Viện Công nghệ sinh học và CN thực phẩm

05/04/2024 06:29
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội đã đào tạo hơn 3.500 kỹ sư, cử nhân ngành Công nghệ sinh học và ngành Công nghệ thực phẩm.

Nghị quyết số 18/CP của Chính phủ ngày 11/3/1994 về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010 nêu rõ: “Cùng với các ngành công nghệ mũi nhọn khác (công nghệ thông tin và công nghệ vật liệu mới), công nghệ sinh học sẽ góp phần khai thác tối ưu các nguồn lực của đất nước phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và chuẩn bị những tiền đề cần thiết về mặt công nghệ cho đất nước tiến vào thế kỷ 21” [1].

Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng nêu: “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định công nghệ sinh học là công nghệ được ưu tiên phát triển” [2].

Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Mở Hà Nội) tiền thân là Khoa Công nghệ sinh học, được thành lập theo Quyết định số 2653/QĐ-TCCB ngày 01/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 15/8/2022, Khoa Công nghệ sinh học chính thức đổi tên thành Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm theo Quyết định số 2828/QĐ-ĐHM của Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội về việc thành lập Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm trên cơ sở tổ chức lại Khoa Công nghệ sinh học.

Hiện Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thu Thủy là Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội.

Để hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Viện, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thu Thủy.

Chia sẻ với phóng viên, cô Thủy cho biết, định hướng phát triển của Viện là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy luôn gắn liền mục tiêu, phù hợp nhu cầu thực tiễn sản xuất và phát triển nền kinh tế của xã hội.

Theo chia sẻ của cô Thủy, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm có mục tiêu, nhiệm vụ là đào tạo cử nhân, kỹ sư ngành Công nghệ sinh học và ngành Công nghệ thực phẩm; trang bị cho người học kiến thức toàn diện (gồm các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng bổ trợ).

Người học được trang bị kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, có thái độ chính trị đúng đắn, năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc các nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, được các nhà tuyển dụng công nhận về trình độ, đủ khả năng hội nhập với nền khoa học công nghệ ngày càng phát triển trong nước và trên thế giới.

Đến nay, Viện đã đào tạo được hơn 3.500 kỹ sư, cử nhân ngành Công nghệ sinh học và ngành Công nghệ thực phẩm. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã và đang làm việc các công ty, các viện nghiên cứu về công nghệ sinh học, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm hoặc tiếp tục học sau đại học và giảng dạy tại một số trường đại học trong nước.

Trong nghiên cứu khoa học, Viện định hướng tập trung 4 hướng, gồm: tích cực tìm nguồn vốn đầu tư để hiện đại hoá cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ của Viện nhằm tạo tiền đề triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước, nước ngoài để nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên; xây dựng các nhóm nghiên cứu, tạo động lực cho giảng viên, sinh viên tham gia đề xuất ý tưởng và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hoàn thiện các sản phẩm khoa học công nghệ để triển khai ứng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học được đưa ra thị trường, sản xuất.

Theo cô Thuỷ, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm không ngừng nâng cao uy tín khoa học của giảng viên, nhà trường thông qua việc tăng cường hoạt động khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào thực tiễn để đạt trình độ tiên tiến trong nước. Viện có nhiều đối tác liên kết đào tạo là cơ quan, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tôi mong muốn và đề nghị tất cả các lực lượng làm công tác giáo dục phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa c (1).png

Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Mở Hà Nội đào tạo 2 ngành, gồm ngành Công nghệ sinh họcngành Công nghệ thực phẩm.

Bàn về những lợi thế khi sinh viên học 2 ngành đào tạo này của Trường Đại học Mở Hà Nội, cô Thủy cho biết, thứ nhất, chương trình đào tạo lý thuyết của 2 ngành đạt chuẩn, thường xuyên cập nhật các kiến thức mới.

Thứ hai, đội ngũ giảng viên tham gia dạy 2 ngành này là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ có nhiệt huyết, luôn lấy người học làm trung tâm, ưu tiên quyền lợi của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Thứ ba, Viện có các phòng thực hành với đầy đủ trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Sinh viên được thực hành từ năm nhất, năm hai đại học, thường xuyên được gửi sang các viện/trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất để thực tập, kiến tập trong quá trình học tập.

Thứ tư, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp, mời các chuyên gia uy tín trong ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm về chia sẻ, định hướng dự án khởi nghiệp cho sinh viên. Một số dự án khởi nghiệp nổi bật của Viện đã được chuyên gia đánh giá cao, thậm chí sẵn sàng đầu tư ngay tại cuộc thi. Có thể kể đến như: Dự án sản xuất mỹ phẩm da từ tinh chất lá tía tô; Dự án sản xuất viên đốt từ rác thải nấm; Dự án Bộ sản phẩm Pro - Good chứa lợi khuẩn đường ruột Probiotic,… đồng thời hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi ngoài trường, cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia (nếu có).

Thứ năm, nhà trường thường xuyên tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cấp sơ sở và cấp trường, như hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài, phân công giảng viên đôn đốc và hướng dẫn sinh viên.

Ảnh ghép Sự kiện Năm mới Màu Trắng Vàng đậm Tối giản Phong cách Chia ô (1).png
Thiết kế: Ngọc Mai

Hoạt động nghiên cứu khoa học vốn là truyền thống của Viện và cũng là nhiệm vụ thiết yếu được nhà trường giao cho khi Khoa Công nghệ sinh học nâng cấp thành Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Viện khuyến khích tất cả sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Các đề tài nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng giúp sinh viên hiểu rõ hơn kiến thức chuyên ngành, nắm được phương pháp và cách thức tổ chức nghiên cứu, phát triển tư duy hệ thống, kỹ năng tìm kiếm thông tin khoa học. Nghiên cứu khoa học cũng giúp giảng viên của Viện đưa vào bài giảng những hiểu biết, kiến thức mới về lĩnh vực chuyên môn, làm tăng chất lượng giảng dạy.

"Trong 5 năm gần đây, Viện có 2 đề tài cấp Bộ đã bảo vệ, 9 đề tài cấp cơ sở nghiên cứu về các lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm. Các đề tài đều đã được sử dụng làm bài giảng chuyên đề trong một số học phần đào tạo”, cô Thuỷ chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thu Thủy, Viện cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Cụ thể, cùng với khó khăn chung của ngành giáo dục hiện nay, công tác đào tạo của Viện cũng có những hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, Viện luôn nỗ lực tối đa trong khả năng để khắc phục và đảm bảo hoạt động đúng theo sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường.

Trước những khó khăn trong quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học mà Viện đang gặp phải, cô Thủy cho hay, thầy và trò của Viện luôn lấy đó làm động lực để phấn đấu sao cho mỗi năm đều có những thành quả mới và hơn năm trước. Đặc biệt, Viện và nhà trường đều lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu sinh viên. Điều này thể hiện ở việc hàng năm, Viện, nhà trường đều tổ chức các cuộc đối thoại cấp lớp, cấp cơ sở, cấp trường nhằm tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của sinh viên, kịp thời giải quyết những nhu cầu chính đáng của người học.

“Mới đây, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo Viện với sinh viên và học viên, Viện đã tiếp nhận và trả lời chi tiết, cụ thể những câu hỏi xoay quanh các vấn đề sinh viên rất quan tâm bao gồm: đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài tốt nghiệp, đăng ký tín chỉ và học vượt. Bên cạnh đó, Viện cũng đã giải đáp cho các em về nội dung câu hỏi liên quan đến việc đi thực tập tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel,… và quay về trường hoàn thành chương trình đào tạo”, cô Thủy cho biết.

Một số giải thưởng, thành tích nổi bật của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội:

- Hệ thống phòng thí nghiệm được liên tục bổ sung thiết bị phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu.

- Chủ trì 4 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp thành phố, 25 đề tài nghiên cứu cấp trường.

- Công bố 06 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

Một số giải thưởng nổi bật của sinh viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Mở Hà Nội:

- Giải thưởng VIFOTEC (giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam là những giải thưởng cao quý và có truyền thống, có bề dày lịch sử đáng tự hào vì đây là những giải thưởng vào loại đầu tiên về khoa học và công nghệ trong thời đại Hồ Chí Minh): giải Nhất năm 2002, giải Khuyến khích năm 2018

- Giải Nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2022

- Giải Khuyến khích Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka toàn quốc năm 2023

- Khởi nghiệp sáng tạo HOU.SV.STARTUP: giải Nhì năm 2021, giải Nhì năm 2022, giải Ba năm 2023

- Giải Nhì Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho nữ sinh viên (GENESIS) năm 2023

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-quyet-18-NQ-CP-phat-trien-cong-nghe-sinh-hoc-o-Viet-Nam-den-nam-2010-49490.aspx

[2] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-50-cttw-ngay-0432005-cua-ban-bi-thu-ve-viec-day-manh-phat-trien-va-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-phuc-vu-2158

Ngọc Mai