Trường ĐH Mở Hà Nội: Quy mô hơn 30.000 SV, mỗi khoa 1 nơi, 97% diện tích đi thuê

05/01/2024 06:34
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa có đất di dời, nhiều năm, Trường ĐH Mở Hà Nội đi thuê một số địa điểm làm giảng đường, trong khi quy mô đào tạo tới hơn 30 nghìn SV.

Theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, Trường Đại học Mở Hà Nội có tổng quy mô đào tạo là 34.137. Trong đó, quy mô đào tạo đại học chính quy là 14.498 sinh viên; sau đại học là 673 học viên, nghiên cứu sinh; hệ vừa làm vừa học là 1.758 sinh viên; và đào tạo từ xa 17.208 sinh viên.

Báo cáo 3 công khai năm 2023-2024 của trường cho thấy, quy mô đào tạo trình độ đại học là 33.456 sinh viên. Trong đó, chính quy là 14.307 sinh viên, vừa học vừa làm 2008 sinh viên, đào tạo từ xa là 17.141 sinh viên.

Thông tin về cơ sở vật chất trong báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 của Trường Đại học Mở Hà Nội cho thấy, trường có tổng diện tích là 55,007m2 nhưng trong đó trường chỉ sở hữu 1,448m2, còn lại 53,559m2 là thuê.

Tỷ lệ diện tích đất sở hữu, liên kết và thuê của Trường Đại học Mở Hà Nội. Số liệu thống kê trong báo cáo ba công khai năm học 2023-2024. Biểu đồ: Ngọc Huệ

Tỷ lệ diện tích đất sở hữu, liên kết và thuê của Trường Đại học Mở Hà Nội. Số liệu thống kê trong báo cáo ba công khai năm học 2023-2024. Biểu đồ: Ngọc Huệ

Bên cạnh đó, tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường (bao gồm hội trường, giảng đường, phòng học các loại, thư viện, trung tâm học liệu, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng) là 45,280m2, trong đó, trường cũng chỉ sở hữu 21,258m2, còn 12,827m2 diện tích liên kết và 11,195m2 diện tích thuê.

Ảnh chụp màn hình báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 Trường Đại học Mở Hà Nội

Ảnh chụp màn hình báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 Trường Đại học Mở Hà Nội

Theo khảo sát của phóng viên, sinh viên của Trường Đại học Mở Hà Nội không học chung tại một địa điểm cố định.

Được biết, trụ sở chính của Trường Đại học Mở Hà Nội đặt tại Nhà B101, phố Nguyễn Hiền (phường Bách Khoa, quận Hai bà Trưng, thành phố Hà Nội) có khuôn viên khá nhỏ hẹp. Nhà trường cũng không có ký túc xá dành cho sinh viên như nhiều trường đại học khác.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, không ít bạn sinh viên của Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết khá bất ngờ và lo lắng khi nhập học mới biết chỗ mình học suốt 4 năm lại không phải ở trụ sở chính mà sẽ ở một địa điểm khác được trường thuê.

Trường Đại học Mở Hà Nội có trụ sở chính tại Nhà B101, phố Nguyễn Hiền (phường Bách Khoa, quận Hai bà Trưng, thành phố Hà Nội). Ảnh: Ngọc Huệ

Trường Đại học Mở Hà Nội có trụ sở chính tại Nhà B101, phố Nguyễn Hiền (phường Bách Khoa, quận Hai bà Trưng, thành phố Hà Nội). Ảnh: Ngọc Huệ

Trường Đại học Mở Hà Nội có tổng 10 khoa. Để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhà trường phải thuê một số địa điểm nhỏ lẻ để làm giảng đường dạy học cho sinh viên. Việc địa điểm học cách xa trụ sở chính không chỉ khiến sinh viên cảm thấy bất tiện khi cần làm giấy tờ có xác nhận của trường, mà việc sinh hoạt, giao lưu giữa các khoa cũng có những hạn chế nhất định.

Thiết kế: Ngọc Huệ

Thiết kế: Ngọc Huệ

Theo đó, một số tòa nhà trong Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) có địa chỉ tại số 301 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được Trường Đại học Mở Hà Nội thuê làm khu giảng đường dạy học cho sinh viên của các khoa: Khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Khoa Tiếng Anh, và Khoa Du lịch.

Một tòa nhà cao 3 tầng thẳng cổng chính của Viện Công nghiệp thực phẩm đi vào được Trường Đại học Mở Hà Nội thuê làm giảng đường cho 2 khoa là Khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Khoa Tiếng Anh.

Viện Công nghiệp thực phẩm có địa chỉ tại số 301 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Huệ

Viện Công nghiệp thực phẩm có địa chỉ tại số 301 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Huệ

Phía bên phải của tòa nhà C có một số phòng được trường thuê để phục vụ công tác dạy và học cho sinh viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huệ

Phía bên phải của tòa nhà C có một số phòng được trường thuê để phục vụ công tác dạy và học cho sinh viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huệ

Cũng ở tòa nhà C, phía bên trái được nhà trường thuê cho Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Ảnh: Ngọc Huệ

Cũng ở tòa nhà C, phía bên trái được nhà trường thuê cho Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Ảnh: Ngọc Huệ

Tại phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Trường Đại học Mở Hà Nội cũng thuê 2 địa điểm làm giảng đường cho sinh viên. Trong đó, địa chỉ tại số 422 Vĩnh Hưng làm giảng đường của khoa: Khoa Tài chính – Ngân hàng, Khoa Điện – Điện tử và Khoa Tạo dáng công nghiệp.

Còn tại địa chỉ số 193 Vĩnh Hưng, là vị trí của các khoa: Khoa Kinh tế, Khoa Luật và Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc.

Giảng đường Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Mở Hà Nội địa chỉ số 193 Vĩnh Hưng. Ảnh: Ngọc Huệ

Giảng đường Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Mở Hà Nội địa chỉ số 193 Vĩnh Hưng. Ảnh: Ngọc Huệ

Giảng đường Khoa Kinh tế, Trường Đại học Mở Hà Nội ở số 193 Vĩnh Hưng. Ảnh: Ngọc Huệ

Giảng đường Khoa Kinh tế, Trường Đại học Mở Hà Nội ở số 193 Vĩnh Hưng. Ảnh: Ngọc Huệ

Khu giảng đường tại số 96 phố Định Công (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được trường thuê làm nơi dạy học của Khoa Công nghệ thông tin. Có mặt tại địa điểm này vào ngày sinh viên không có lịch học, phóng viên cảm thấy rất ngỡ ngàng và bất ngờ trước diện mạo của khoa.

So với các địa điểm học khác của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội, Khoa Công nghệ thông tin có khuôn viên khá tạm bợ, nhỏ hẹp, cũ, nhìn giống với khu nhà dân sinh sống hơn là nơi học tập của sinh viên trường đại học.

Sinh khổ đủ đường vì đi học tại cơ sở thuê mướn

Theo chia sẻ của một số sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội, do địa điểm học của các khoa cách xa trụ sở chính và 10 khoa tách biệt với nhau, nên sinh viên gặp khó khăn trong quá trình di chuyển, tham gia hoạt động của trường, tham gia sự kiện, xin chữ ký, con dấu xác nhận của lãnh đạo trường, phòng, ban.

Chia sẻ với phóng viên, bạn Hằng cựu sinh viên K25, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, địa điểm học của Khoa Tiếng Anh ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cách trụ sở chính của nhà trường khoảng 6-7km nên việc đi lại khá vất vả. Sinh viên khi phải làm giấy tờ gấp đều rất ngán ngẩm, nhất là đối với sinh viên năm nhất cần hoàn thiện nhiều thủ tục, hồ sơ.

"Vì địa điểm học cách xa trụ sở chính nên mỗi lần làm giấy tờ cần có chữ ký, đóng dấu xác nhận của lãnh đạo nhà trường, sinh viên Khoa Tiếng Anh thường nộp giấy tờ cho cán bộ trợ lý ở khoa để nhờ xin chữ ký, dấu xác nhận hộ. Tuy nhiên, cán bộ trợ lý khoa thường dồn các loại giấy tờ của sinh viên khoảng 1 tuần mới tiến hành chuyển về trụ sở chính.

Nếu chờ cán bộ trợ lý khoa xin dấu, xác nhận của lãnh đạo trường sẽ rất lâu nên nhiều lúc chúng em phải tự di chuyển đến trụ sở chính để xin dấu, chữ ký xác nhận của lãnh đạo phòng, ban nhà trường. Ví dụ như: xin giấy xác nhận của trường để sinh viên làm vé tháng xe buýt,...", Hằng chia sẻ.

Còn Thắng - sinh viên năm 2, K31, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Khoảng cách từ giảng đường Khoa Kinh tế (193 Vĩnh Hưng) đến trụ sở chính khoảng 5-6km. Khi có sự kiện của trường, em cùng với một số sinh viên phải di chuyển đến trụ sở chính làm lễ tân, tình nguyện viên nên khá vất vả.

Sinh viên làm lễ tân, tình nguyện viên, hoặc dự sự kiện ở trụ sở chính sẽ được tính điểm rèn luyện.

Tuy nhiên, do trụ sở chính cách xa địa điểm học của các khoa nên có những sự kiện không thu hút được nhiều sinh viên đến dự”.

Theo Thắng, sinh viên của trường đều mong muốn các khoa sẽ tập trung học tại một địa điểm cố định như bao trường đại học khác. Bởi, việc có nhiều địa điểm làm khu giảng đường khiến sinh viên các khoa ít có dịp được giao lưu; còn khi trường thuê địa điểm rộng hơn để tổ chức sự kiện thì sinh viên sẽ phải di chuyển quãng đường khá xa.

“Nhà trường không có ký túc xá nên nhiều sinh viên của Khoa Kinh tế phải ở tại Ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ký túc xá cách xa địa điểm học của khoa nên việc sinh hoạt, đi lại cũng bất tiện”, Thắng chia sẻ.

Không có tấm biển, ít ai nghĩ đây là một khoa của trường đại học. Ảnh chụp tại Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huệ

Không có tấm biển, ít ai nghĩ đây là một khoa của trường đại học. Ảnh chụp tại Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huệ

Cùng chia sẻ với phóng viên, Phúc - cựu sinh viên K17 (tốt nghiệp năm 2021) Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, các câu lạc bộ của khoa có thể sinh hoạt tại địa điểm học. Nhưng câu lạc bộ của trường sinh hoạt thì phải tìm địa điểm nào đó để sinh viên các khoa đi lại dễ dàng hơn, nếu không sinh viên sẽ “ngại” tham gia sinh hoạt câu lạc bộ của trường.

"Do không có khuôn viên rộng, hội trường khang trang nên trường phải thuê địa điểm (như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà thi đấu Hoàng Mai, Nhà văn hóa học sinh - sinh viên,...) để tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, khai giảng, chào tân sinh viên hoặc ngày kỉ niệm. Khi đó, sinh viên ở các địa điểm học mất nhiều thời gian sắp xếp, di chuyển thì mới có thể dự sự kiện của trường", Thắng nói.

Tâm sự với phóng viên, Tuyên - sinh viên năm 3 Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở Hà Nội, chia sẻ, có thời điểm, do cơ sở vật chất tại khoa không đảm bảo nên sinh viên khóa trên phải học online một số môn để nhường phòng học cho sinh viên năm nhất.

Theo báo cáo 3 công khai những năm gần đây, tổng thu của nhà trường có xu hướng tăng lên. Đáng nói, thu từ học phí, lệ phí chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu. Cụ thể, theo số liệu trong báo cáo ba công khai năm học 2020-2021, thu từ học phí của trường là 285,818 tỷ đồng (chiếm hơn 92% tổng thu); năm học 2021-2022, thu từ học phí của trường là 293,26 tỷ đồng (chiếm hơn 88% tổng thu).

Từ năm học 2020-2021 đến năm học 2021-2022, thu từ học phí của trường tăng 7,442 tỷ đồng (tăng 2,60%). Năm học 2022-2023, tổng nguồn thu là 425 tỷ đồng. Nhà trường không công khai chi tiết số liệu các nguồn thu cụ thể (từ ngân sách nhà nước, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn thu hợp pháp khác).

Nguồn thu từ học phí chiếm tỷ lệ cao trong tổng nguồn thu của Trường Đại học Mở Hà Nội.

Nguồn thu từ học phí chiếm tỷ lệ cao trong tổng nguồn thu của Trường Đại học Mở Hà Nội.

Được biết, từ năm 2011, Hà Nội yêu cầu di dời một số cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô. Nhưng đến nay, nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa thể di dời, trong đó có Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Mở Hà Nội,...

Trước đó, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, nhà trường mong muốn có cơ ngơi trường học rộng, khang trang hơn nhưng Trường Đại học Mở Hà Nội muốn di dời cần phải có quỹ đất, có đầu tư cơ bản ban đầu cho cơ sở mới.

Theo thầy Sơn, vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phản hồi công văn của nhà trường về việc bố trí quỹ đất ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) với diện tích 23,57ha để trường di dời đến. Tuy nhiên, hiện Trường Đại học Mở Hà Nội vẫn chưa có động thái di dời. Một trong những nguyên nhân được thầy Sơn đưa ra là do chưa có hướng dẫn cụ thể (ví dụ như quỹ đất thành phố bố trí cho trường nằm ở vị trí nào của huyện Chương Mỹ,...), chưa có lộ trình di dời, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng mới.

Ngọc Huệ