Sinh viên Đà Nẵng có thể tiếp cận khu dữ liệu lớn nhất Việt Nam

04/12/2021 07:10
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giảng viên, sinh viên có thể tham gia thiết kế, sản xuất bo mạch, đồng thời tìm kiếm các thông tin ở trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam.

Đó là cam kết của ông Nguyễn Anh Huy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (Ban Quản lý Khu Công Nghệ Cao và Các Khu Công Nghiệp Đà Nẵng) tại buổi làm việc, hợp tác với Viện nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh - VNUK (Đại học Đà Nẵng) ngày 3/12.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ có nhiều hoạt động hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: AN

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ có nhiều hoạt động hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: AN

Theo ông Huy, nếu so sánh về nguồn nhân lực thì Đà Nẵng không thể sánh với hai đầu cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay mới nổi lên gần đây là Bình Dương và Bắc Giang. Dù rằng hệ thống giáo dục ở Đà Nẵng rất tốt nhưng có “điểm yếu” là ít cọ xát.

“Trong khi các ngành về dịch vụ thì nhân lực biết tiếng Nhật – Hàn – Trung… rất nhiều. Các bạn đã có nền tảng tốt, lại được cọ xát trong môi trường chuyên nghiệp nên chất lượng cao. Còn nhân lực về công nghệ thì chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”.

Ông Huy dẫn chứng, mới đây, Tập đoàn LG về đầu tư ở Đà Nẵng thì phải thuê nhân sự ở Hà Nội, rồi bản thân công ty của ông cũng phải đưa nhân lực từ Mỹ về để đào tạo cho nhân lực tại chỗ.

“Mình phải tạo ra nhiều cơ hội để các bạn sinh viên, giảng viên có cọ xát, ứng dụng các kiến thức đã học và thực tiễn. Nhà máy của mình sẵn sàng đưa sản phẩm ra cho các bạn học tập, nghiên cứu, thực hành và sản xuất thử. Sau đó, các chuyên gia của công ty sẽ sửa lỗi để các bạn có bài học ngay lập tức.

Ngoài ra, thì tại khu công nghệ thông tin tập trung đang phát triển khu dữ liệu lớn nhất Việt Nam (Data Center) theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng mức 100 triệu USD là một kênh tốt để các sinh viên tiếp cận, tìm hiểu”, ông Huy chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Trường Sơn - Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng thì gợi ý một hướng hợp tác mới là cùng với VNUK nghiên cứu cấp chứng chỉ về thiết kế bo mạch cho các sinh viên.

“Doanh nghiệp cùng với nhà trường kết hợp với nhau để cùng cấp chứng chỉ nghề nhằm tạo điều kiện cho học viên được học tập, trải nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực tế. Những học viên này có thể tự thiết kế các bo mạch rồi doanh nghiệp sẽ sửa lỗi, kiểm tra tay nghề để cấp chứng chỉ”.

Ông Sơn cũng gợi ý thêm, sắp tới các doanh nghiệp sẽ rất cần một số ngành nghề “hót” như: in 3D, sản xuất chip… Nhà trường có thể căn cứ vào đó để có sự chuyển hướng đào tạo phù hợp.

Tại buổi làm việc, hai bên cũng thống nhất triển khai các hoạt động nghiên cứu, định hướng phát triển ngành nghề.

Trong đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng hỗ trợ, tư vấn về mặt thủ tục hành chính cho VNUK trong việc đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Liên kết giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học cho các ngành Công nghệ Nano, Khoa học Y Sinh, Khoa học và Kỹ thuật Máy tính.

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Khu công nghệ cao và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tham gia giảng dạy tại VNUK nhằm cung cấp kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất cho sinh viên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh thì những thảo luận, hợp tác lần này sẽ giúp gắn kết hơn nữa giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động, đảm bảo đầu ra cho các sinh viên sau tốt nghiệp.

AN NGUYÊN