Môn học Giáo dục quốc phòng an ninh là môn học mang tính đặc thù, sinh viên phải học tập, rèn luyện như trong môi trường quân đội.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, tình hình dịch covid diễn biến phức tạp nên kế hoạch dạy học môn Giáo dục quốc phòng và An ninh đối với sinh viên gặp nhiều khó khăn và phải trì hoãn nhiều lần.
Các giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh trong một giờ lên lớp. Ảnh: Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh. |
Thực hiện chỉ đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội về giảng dạy trực tuyến, đồng thời để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nêu cao tinh thần “Chủ động, sáng tạo để chiến thắng dịch Covid-19 - sinh viên tạm dừng đến Trung tâm nhưng không dừng học Giáo dục quốc phòng và An ninh".
Đảng ủy và Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh đã đề ra các chủ trương, giải pháp, hạ quyết tâm chính trị: Tổ chức dạy và học bằng hình thức trực tuyến (online) - hình thức mới mẻ, chưa có tiền lệ đối với hoạt động giảng dạy của Trung tâm, nhất là các nội dung về quân sự, quốc phòng, an ninh; các bài thực hành mang tính đặc thù của Quân đội.
Qua đó, Trung tâm sẽ triển khai dạy học 2/4 kiến thức học phần ( tức là chỉ dạy 2 học phần lý thuyết). Các cán bộ, giảng viên, của Trung tâm đều đã được tập huấn sử dụng các hệ thống phần mềm Microsoft Teams, E-learning (LMS), Google,… để đáp ứng nhanh các yêu cầu đang đặt ra.
Đặt biệt, Trung tâm là đơn vị “tiên phong” đầu tiên trong Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức triển khai giảng dạy trực tuyến trên hệ thống phần mềm LMS của Đại học quốc gia Hà Nội.
Quá trình triển khai dạy học môn Giáo dục quốc phòng và An ninh của Trung tâm nhận được phản hồi tốt của sinh viên khi 100% sinh viên tham gia lớp học đầy đủ, sinh viên nắm bắt tốt nội dung bài giảng, các bài kiểm tra đánh giá sau giờ học của sinh viên đều đạt kết quả cao.
Sinh viên Trần Thị Bích (khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục) sau những buổi đầu tham gia lớp học cho biết: “ Các bài giảng đều được thầy cô đầu tư rất kỹ. Để sinh viên không bị thụ động, các thầy đều đặt vấn đề cho học sinh tìm hiểu, từ đó sinh viên dễ ghi nhớ lí thuyết hơn. Đồng thời giữa giờ, sinh viên có bài kiểm tra nhận thức, cuối giờ học có kiểm tra. Việc này giúp sinh viên kiểm tra lại kiến thức thêm 2 lần trước khi kết thúc lớp”
“Ngoài thời gian học, các thầy cô cũng lập nhóm để giải đáp các thắc mắc của sinh viên, nhắc nhở sinh viên ôn tập kỹ càng. Các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai đều được các thầy của Trung tâm nắm bắt và nhanh chóng khắc phục hiệu quả", sinh viên Trần Diệu Linh ( ngành Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết
Dịch bệnh Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch dạy học của các trường, tuy nhiên đây cũng được xem là cơ hội đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng đa phương tiện vào quá trình giảng dạy để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo việc học không bị trì hoãn.