Cứ vài tháng, thậm chí vài tuần, xã hội lại phải chứng kiến những hình ảnh trẻ em bị bạo hành và phổ biến nhất là bạo hành tại các cơ sở giáo dục tư nhân.
Mới đây, hình ảnh cô giữ trẻ tại một nhóm trẻ độc lập ở Đà Nẵng đè trẻ mới 28 tháng tuổi xuống nền nhà, dùng chân đè lên người và ra sức “lùa” thức ăn vào miệng trẻ.
Nhìn những hình ảnh này sao lại vội vàng kết luận: "Không có trẻ nào có biểu hiện về tổn thương tinh thần và thể xác". Ảnh: cắt từ clip |
Kèm theo đó là những hình ảnh đánh đập, bịt miệng trẻ, dốc đầu trẻ khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hình ảnh này chỉ nhìn lướt qua thôi cũng đủ khiến nhiều ông bố, bà mẹ chạnh lòng, chột dạ khi nghĩ tới con em mình đang được gửi ở các nhà trẻ.
Khi dư luận chưa kịp lắng xuống thì ngày 21/5 sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng lại có một báo cáo gửi Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố trình bày về sự việc.
Vụ bạo hành trẻ mầm non ở Đà Nẵng là nghiêm trọng, vi phạm pháp luật |
Trong đó có nêu rõ: “Không có trẻ nào có biểu hiện về tổn thương tinh thần và thể xác (kể cả các cháu có trong clip và hình ảnh được đăng trên mạng)”.
Dư luận cho rằng, việc ngành giáo dục Đà Nẵng chỉ mới kiểm tra sơ bộ tình hình (sự việc được phát tán trên mạng vào trưa ngày 21/5) mà đã khẳng định như trên là quá vội vàng và chủ quan.
Bởi không chỉ có các cháu trực tiếp bị “lùa thức ăn”, bị dốc đầu mới bị tổn thương về tinh thần và thể xác.
Mà ngay cả với những đứa trẻ “bị buộc phải chứng kiến” những hình ảnh man rợ, dã man trên của cô giữ trẻ cũng khiến các bé tổn thương.
Những hành vi phản cảm, vô giáo dục như: la hét, vung tay, chửi rủa, “tra tấn”… trẻ sẽ để lại trong tâm hồn trẻ thơ những vết cứa, ám ảnh bé trong suốt quãng đời về sau.
Thiết nghĩ, sở Giáo dục đã quá vội vàng để kết luận một vấn đề mà không phải chuyên môn của mình.
Sở Giáo dục là cơ quan làm công tác quản lý giáo dục chứ không phải cơ quan y tế hay bác sĩ tâm lý để có thể đưa ra kết luận như vậy.
Mà ngay trong chiều 22/5, khi trao đổi với báo chí, cơ quan công an quận Thanh Khê cũng khẳng định sẽ cùng với gia đình đưa hai trẻ bị bạo hành trong clip đi bệnh viện để giám định sức khỏe, tổn thương.
Đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị tử vong mà nguyên nhân được nhà trường “vẽ” ra để giải trình với phụ huynh, xã hội và trước pháp luật như: sặc cháo hay tự té…
Vậy đã có bao nhiêu vụ việc trẻ bị tử vong tại nhà trẻ được kết luận là do nạn bạo hành của cô giáo gây ra?
Nhìn những hình ảnh ép trẻ ăn một cách dã man, thô bạo của bảo mẫu Đinh Thị Hồng thì ai có thể dám khẳng định là hậu quả khiến đứa trẻ tử vong không thể xảy ra (!?).
Thay vì gạt đi hậu quả xảy ra để vội vàng khẳng định là “không có biểu hiện tổn thương” thì cơ quan quản lý giáo dục nên có biện pháp để siết chặt công tác quản lý tại nhóm trẻ tư thục, để tránh xảy ra tình trạng tương tự.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu xử lý vụ bạo hành, “tra tấn” trẻ mầm non |
Đừng chờ đến khi hậu quả thực tế xảy ra mới bắt đầu lên án hay yêu cầu xử lý nghiêm khắc.
Không ai mong muốn cá nhân nào bị đẩy vào đường cùng (tù tội), mà chỉ muốn làm sao con em mình được học tập trong một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Tôi còn nhớ như in câu chuyện một người bạn của tôi kể lại khi có con đang theo học ở nhà trẻ.
Vì bị cô dọa “trong nhà vệ sinh có ông kẹ” mà cả tuần liền em luôn trong tình trạng “nhịn” đi vệ sinh. Kết cục là em bị mắc một số vấn đề sức khỏe về thận.
Hay một phụ huynh từng thảng thốt kể lại rằng, con nằm ngủ và khóc ré “đừng bỏ thằn lằn vào miệng con”. Chuyện là, em bé ấy bị cô giáo dọa nếu không ngoan sẽ bỏ thằn lằn vào miệng.
Tổn thương ấy thường trực trong bữa ăn, giấc ngủ, trong sinh hoạt của trẻ… nhưng liệu rằng có thể đo lường hết được?
Theo tâm lý, khi bị bạo hành, những hành vi, cử chỉ bạo hành đó tùy theo mức độ sẽ in hằn mãi trong tâm hồn, ảnh hưởng đến tính cách trẻ sau này. Các em có thể trở nên nhút nhát, tự ti, sợ hãi, mất niềm tin vào con người.
Hoặc các em có thể trở nên nóng nảy, hung hãn, dồn sự bạo hành sang người khác là: bạn học, người cùng tuổi hay người thân…