Nhiều ý kiến cho rằng, bố mẹ yêu thương con thì không nên ép buộc, áp đặt mà hãy giúp con phát huy được điểm mạnh từ khi còn nhỏ để con có định hướng tương lai, làm chủ cuộc đời mình.
Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Phạm Trần Kim Chi - Chuyên gia tâm lý học tích cực ứng dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng tác giả cuốn sách Thực hành Giáo dục nhân cách.
Cô Phạm Trần Kim Chi. Ảnh: NVCC. |
- Đa số các bố mẹ đang yêu thương con sai cách khi can thiệp quá nhiều, không cho con quyền lựa chọn, quyết định những vấn đề của riêng con. Quan điểm của cô về vấn đề này như thế nào?
Cô Phạm Trần Kim Chi: Bố mẹ nào cũng yêu thương con, thậm chí vì con mà thay đổi rất nhiều kế hoạch của cuộc đời mình.
Tôi tin những người làm cha, làm mẹ vốn không chủ đích bỏ qua những mong muốn của con, như cái cách mà đôi khi họ bị chỉ trích là sắp đặt cuộc đời con.
Tất cả những gì bố mẹ làm vốn xuất phát từ tình yêu thương, mong con có cuộc sống tốt đẹp hơn mình. Có chăng, là bố mẹ chưa thực sự học cách lắng nghe con. Có chăng, là bố mẹ chưa thực sự học cách nghĩ rằng mình và con là “hai cá thể riêng biệt”, nên cần lắng nghe và xếp đặt những giới hạn với nhau.
- Có ý kiến cho rằng, cần phải giúp những đứa trẻ tự chủ ngay từ khi còn nhỏ, cho con được quyền lựa chọn trang phục, đồ chơi, môn học,... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên định hướng cho con. Vậy thì nên lựa chọn thế nào, thưa cô?
Cô Phạm Trần Kim Chi: Bố mẹ không có nghĩa vụ làm hài lòng mọi mong muốn của con cái, ngược lại con cái không có nghĩa vụ chỉ sống theo mong muốn của bố mẹ. Tôi dùng từ “lắng nghe nhau”, chứ tôi không nói bố mẹ luôn phải thực hiện hay đáp ứng nhu cầu của con.
Tôi đưa một ví dụ như thế này: Bắt đầu từ 2 tuổi, trẻ có một sở thích riêng với màu sắc và kiểu dáng quần áo… Chúng sẽ háo hức tự chọn trang phục cho mình, và người lớn chúng ta thường rất đau đầu (hoặc buồn cười) khi nhìn chúng trong “những trang phục tự chọn”. Và trong một lần, khi bạn cần dẫn con đến tiệc cưới, thì con đã chọn một bộ đồ bơi. Lúc này, bạn sẽ xử lý như thế nào? Nhiều mẹ đã khẳng định rằng họ sẽ để trẻ mặc đồ bơi. Vì con mặc theo mong muốn của con. Tại sao mẹ lại muốn con mặc như ý mẹ? Khi đó là mẹ vì mẹ, chứ không phải vì con.
Tôi hỏi nhé, thực lòng thì theo bạn “mặc đồ bơi đến tiệc cưới” là một hành động đúng hay sai? Nếu đúng, nghĩa là ai cũng có thể mặc đồ bơi đến tiệc cưới, nếu sai nghĩa là không ai có thể làm thế. Chắc bạn đồng ý với tôi rằng nếu ai cũng có thể mặc đồ bơi đến tiệc cưới của người khác, thì tiệc cưới của người ta thành ra cái gì? Vậy nếu là sai, thì tại sao bạn lại để con mình thực hiện một hành vi sai?
Người ta có thể giải thích rằng con còn quá nhỏ để phân biệt đúng sai lúc này và họ làm thế là một biểu hiện của dân chủ, khuyến khích sự thể hiện mong muốn riêng của đứa trẻ. Nhưng thực chất thì đây là biểu hiện của sự dễ dãi, điều đó không tốt cho trẻ, vì sự tự do ấy là sai.
- Cô có thể chia sẻ rõ hơn về ranh giới của dân chủ và sự dễ dãi?
Cô Phạm Trần Kim Chi: Cha mẹ có phong cách dân chủ, được định nghĩa là rất quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của con, quan tâm đến cảm xúc của con khi hành động, đồng thời cũng đặt yêu cầu rất cao với con. Cha mẹ và con cùng thảo luận, đặt ra các giới hạn và cực kỳ nhất quán trong việc thực thi các ranh giới.
Giả sử bạn quyết định chuyển nơi sinh sống, hãy hỏi con cảm thấy thế nào về việc chuyển đi, nhưng không nên hỏi con, liệu có nên chuyển đi? Đứa trẻ chưa đủ khôn ngoan và trải nghiệm để ra quyết định như người lớn, nhưng sẽ cảm thấy an toàn hơn khi biết rằng người lớn hiểu chúng.
Nói cách khác, mức độ tự do phải ở trong phạm vi cân bằng với kỹ năng và sự tự chủ của con. Sự tự do vượt quá tự chủ, là dễ dãi. Tự do ít hơn tự chủ là kìm kẹp.
Việc bố mẹ xác định giới hạn cần thiết là điều quan trọng để con được làm chủ cuộc đời mình (Ảnh minh họa: Cao Kim Anh) |
- Như vậy thực tế là cha mẹ vẫn phải đặt ra những giới hạn cho con cái?
Cô Phạm Trần Kim Chi: Đúng thế, thiết lập giới hạn là rất cần thiết. Thoạt nghe thì điều này có thể vô lý, nhưng “xác định ranh giới” lại là điều quan trọng nhất để giúp trẻ “làm chủ cuộc đời mình”. Có giới hạn, trẻ mới biết rằng chúng cần học thêm kỹ năng, cần tự chủ hơn về cảm xúc. Khi chúng tiến bộ hơn về kỹ năng và cảm xúc, giới hạn lại mở rộng hơn. Tự do phải đi kèm với năng lực, trẻ mới thật sự đưa ra được những quyết định có trách nhiệm về sau.
Trước khi một đứa trẻ 5 tuổi có thể tự chọn trang phục, tự sắp xếp vali quần áo đi chơi biển 3 ngày, nó đã được học rất nhiều kỹ năng, để biết công dụng của từng loại trang phục. Trẻ được học cách xếp quần áo gọn gàng, học cách nhớ những vật dụng cá nhân… được học cách hình dung về chuyến đi chơi: có tắm biển, có leo núi, có ngủ trại buổi tối, có đi bộ đường dài để đem theo quần dài, quần ngắn, áo mát, áo ấm, giày dép phù hợp….
Khi đã có đầy đủ kỹ năng thì sau này chỉ cần biết lịch trình đi chơi, trẻ hoàn toàn tự sắp xếp được trang phục của mình.
- Phải có giới hạn nhưng lại không thành áp đặt con. Điều này có quá khó không, thưa cô?
Cô Phạm Trần Kim Chi: Rất khó! Bởi vậy nuôi dạy con là một nghệ thuật mà tôi và bạn phải cùng học. Bạn cần hiểu năng lực hiện tại của con để đưa ra những giới hạn cần thiết nhằm hỗ trợ, tiếp tục mở rộng kỹ năng giúp con tự lập nhanh hơn.
Thật tuyệt vời nếu đứa trẻ có đam mê, không ngại thể hiện quan điểm bản thân nhưng biết cách sống hài hoà với người khác. Bạn thấy đấy, đây là những điều người lớn học cả đời chưa chắc đã đến đích, những điều này càng không tự đến với những đứa trẻ. Đó là một hành trình học tập rất dài mới có thể trưởng thành.
Đừng vội kết luận những bố mẹ cho con học nhiều ngôn ngữ, học vài kiểu bơi, chơi nhiều môn thể thao, thử mấy loại nhạc cụ, lại thêm môn vẽ là xếp đặt cuộc đời con… không thử làm sao biết con thích cái gì, cái gì mới thực sự phù hợp? Trên đời này, chỉ có vài thiên tài sinh ra tự có động lực nội tại thôi thúc để nói rằng con thích piano (hoặc cái gì đó khác). Còn lại đều phải tạo cơ hội trải nghiệm mới khám phá được khả năng của mình.
Nếu có điều gì chưa đủ thì đó là song song với trải nghiệm kiến thức, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho con phát triển nội lực. Dạy con lắng nghe cảm xúc bên trong mình, khi con đàn một bản nhạc, vẽ một bức tranh, giải một bài toán.
Trải nghiệm nhiều thứ, để con có đủ kỹ năng và sự tự chủ, đưa ra những quyết định con thích/con không thích một thứ gì đó? Trải nghiệm nhiều thứ, trên nền tảng “tự do cân bằng với tự chủ”, con mới đúc kết ra được một quan điểm nhìn nhận riêng, mà vẫn đầy tôn trọng sự khác biệt của người khác. Và khi đó, con đã hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình để tự do hạnh phúc và thành công như cách con muốn.
Trân trọng cảm ơn cô!