Muốn con trẻ trở thành người tốt, bố mẹ hãy làm người tử tế

22/09/2020 06:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ai cũng mong con cái lớn lên trở thành người tốt mà quên mất rằng điều đó phải được nuôi dưỡng từ việc làm hàng ngày của mỗi người lớn trong gia đình.

Xin được bắt đầu từ một câu nói rất ý nghĩa được nhiều người chia sẻ thời gian gần đây: “Lá vàng là bởi đất khô – Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.

Cuộc sống ngày càng đủ đầy, những nhu cầu vật chất không còn quá khó khăn, sự tử tế trong cuộc sống thì vẫn còn là điều xa xỉ. Nếu như chúng ta, những người làm cha, làm mẹ không sống tử tế, không thành thật, thì làm sao mong con trẻ lớn lên trở thành người tốt?

Một đứa trẻ ba tuổi không thể nhận thức rõ ràng, đầy đủ về việc bố mẹ kiếm tiền như thế nào và kiếm bao nhiêu tiền. Nhưng tính cách của những đứa trẻ lại là kết quả từ việc bạn dành bao nhiêu tình yêu, thời gian, để định hướng và đồng hành cùng chúng.

Chúng ta thường khen gia đình này tốt, đứa trẻ này ngoan và sử dụng cụm từ “nhà người ta” trong muôn vàn so sánh. Vậy đã mấy ai nghiêm túc nhìn nhận, xem xét vì sao “nhà mình” lại có vẫn đề trong cách dạy dỗ con cái, con cái mình vì sao lại không được như “con nhà người ta”?

Cách đây không lâu, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết về xung quanh vấn đề tôn trọng, lắng nghe tâm sự, ước muốn chính đáng của con cái, để cha mẹ và con cái trở thành bạn của nhau. [1]

Đó âu cũng là mấu chốt để tạo nên những cư xử, ứng xử đúng đắn trong một gia đình.

Chữ o, a, bờ, cờ ở trường hay số đếm 1, 2, 3 cũng rất quan trọng nhưng trước khi biết học những thứ cơ bản như thế, điều khó nhất là dạy những đứa trẻ thành người tử tế. Đó là việc dễ mà thành khó, khó lại hóa dễ.

Khi nhìn về con trẻ, tôi luôn nhớ câu “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Mỗi đứa trẻ sinh ra tâm hồn trong trắng, ngây thơ và thuần túy như nhau. Vậy tại sao khi trưởng thành lại có người tốt và người xấu?

Học sinh tham gia những chương trình từ thiện sẽ giúp các em được nuôi dưỡng ý thức sẻ chia với cộng đồng. (Ảnh: Trường Newton)

Học sinh tham gia những chương trình từ thiện sẽ giúp các em được nuôi dưỡng ý thức sẻ chia với cộng đồng. (Ảnh: Trường Newton)

Nói đến đây lại nhớ, “gia đình là tế bào của xã hội” vậy gia đình chính là “lò luyện” đầu tiên trước khi những đứa trẻ bước ra xã hội rộng lớn.

Khoa học đã chứng minh, từ 0-8 tuổi là thời điểm “vàng” để hình thành những thói quen tốt, tác động và ảnh hưởng rất lớn đến con đường phát triển về nhân cách, định hình tính cách con người. [2]

Một người xấu, tốt, du côn, tử tế… đó có thể là sản phẩm của hoàn cảnh, sản phẩm tác động của xã hội. Nhưng một đứa trẻ dưới 8 tuổi thì đó là gương phản chiếu tính cách của chính người làm cha, làm mẹ.

Dưới 8 tuổi nhận thức, định hướng tính cách gần như gắn bó mật thiết với gia đình. Một người lớn tử tế sẽ hình thành nhân cách cơ bản đầu tiên cho một đứa trẻ tử tế và ngược lại.

Điều này khiến tôi nhớ đến nhớ đến câu chuyện em tôi kể lại trong chuyến đi làm công tác nghiên cứu tại Nhật Bản.

Trong gia đình ở Nhật, có một đứa con trai bị ngã trong lúc chơi trò đuổi bắt với mấy người bạn hàng xóm. Theo thói quen của người Việt, em tôi định chạy lại đỡ thằng bé đứng dậy. Thế nhưng, bà mẹ ra hiệu cho em tôi rằng hãy để nó tự đứng dậy.

Câu chuyện sẽ không ngạc nhiên nếu ngay hôm sau, ông chủ nhà, cậu bé hôm qua và em tôi cùng đi siêu thị. Trong lúc đợi xếp hàng thanh toán hóa đơn, có một đứa trẻ chừng hơn 1 tuổi, tập đi bị ngã. Lúc này, ông bố có thì thầm với con trai và ngay lập tức cậu bé chạy ra đỡ đứa trẻ bị ngã dậy bằng thái độ cảm thông, an ủi.

Em tôi thắc mắc là tại sao hôm qua bố mẹ muốn con tự đứng dậy, nhưng hôm nay lại bảo con giúp cậu bé ở siêu thị? Và nhận được câu trả lời rất bất ngờ: “Chúng tôi dạy con tự lập, độc lập chứ không dạy con vô tâm, vô cảm. Chúng tôi mong muốn lớn lên các con trở thành người tử tế”.

Việc hướng con cái đến những điều tốt đẹp là mong muốn của các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng nếu muốn con lớn lên thật sự trở thành người tử tế thì mỗi việc làm, hành động của bố mẹ cũng phải thật sự tử tế, không thể sống vô cảm, làm đủ mọi thứ xấu xa nhưng lại vờ như tốt đẹp.

Bà Đỗ Thị Kim Liên - Đại sứ danh dự nước Cộng hòa Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh tặng phòng học mới cho học sinh mầm non Xi Ma, Chung Chải, tỉnh Điện Biên. Qua nhiều việc làm ý nghĩa ấy, bà đã trao truyền cho các con của mình và nhiều bạn trẻ tinh thần luôn biết yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những số phận thiếu may mắn. (Ảnh: TM)

Bà Đỗ Thị Kim Liên - Đại sứ danh dự nước Cộng hòa Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh tặng phòng học mới cho học sinh mầm non Xi Ma, Chung Chải, tỉnh Điện Biên. Qua nhiều việc làm ý nghĩa ấy, bà đã trao truyền cho các con của mình và nhiều bạn trẻ tinh thần luôn biết yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những số phận thiếu may mắn. (Ảnh: TM)

Người Việt Nam thường hay có khái niệm “cố”. Chữ “cố” này không chỉ đơn thuần, hoàn toàn nghĩa đen theo hướng cố gắng tích cực, mà còn lại sự che giấu “diệu kì” của rất nhiều thói quen tiêu cực.

Cha mẹ “cố” để lo lót cho con cái vào lớp chọn, trường điểm, bệnh nhân phải “cố” cho bác sỹ phong bì để vào được chỗ nằm tốt, người đẹp “cố” để được có danh xưng trong cuộc thi sắc đẹp, hay hình ảnh bắt gặp mọi lúc, mọi nơi là “cố” đi một chút để vượt đèn đỏ…

Hệ quả của chữ “cố” là một loạt học sinh với tình trạng “ngồi nhầm lớp”. Trường học, cơ sở đào tạo có hiện trạng “mưa giấy khen”, “mưa bằng cấp”.

Tại sao câu chuyện đút lót, hối lộ trong bệnh viện lại được chuyển đổi thành “hối lộ thì không, cảm ơn thì nhận”?

Còn bao nhiêu sinh mạng con người phải ra đi khi cố vượt đèn đỏ, trong khi những khẩu hiệu “nhanh một phút, chậm một đời” “kêu gào” suốt ngày mà bảo vệ tính mạng thuộc về chính bản thân người điều khiển giao thông?

Không ít lần tôi bắt gặp trên đường, có những trường hợp chở cả gia đình, hai ba đứa con nhỏ không đội mũ bảo hiểm. Người điều khiển có vẻ khoái chí lắm, vì những đứa trẻ gần như là “bùa hộ mệnh” khi qua các chốt công an trên đường. Họ quên mất rằng những đứa bé đang ngồi trên xe cũng sẽ sớm bị nhiễm những hành vi xấu ấy.

Tôi cũng từng chứng kiến không ít hình ảnh bố mẹ, vợ con quan chức ôm mặt khóc khi con, chồng, cha mình đứng trước vành móng ngựa nhận án về tội tham ô, hối lộ.

Ai làm sai đều phải nhận hậu quả, một bản án của tòa án không chỉ xử phạt một người ngồi trước vành móng ngựa. Đó là “bản án” dành cho cả một gia đình, dành cho nhiều thế hệ.

Vì sao ư? Tiền tham ô, tham nhũng, hối lộ không chỉ phục vụ bản thân bị cáo. “Bố mẹ quan chức”, “vợ quan chức”, “con nhà quan chức” đó chính là sự phân biệt của xã hội này khi họ được sử dụng, tiêu xài, lãng phí tiền của, công danh khi con, chồng, cha của họ vi phạm pháp luật.

Vậy bản án tham ô có dành cho mỗi một bị cáo? Những lúc bị chế tài xử phạt, chắc hẳn cả “đại gia đình” bị cáo chỉ muốn “giá như mình nghèo mà lương thiện”. Nhưng khi nhận ra thường đã muộn.

Thế nên, việc dạy con rất khó, việc dạy con cái trở thành người tử tế trong xã hội lại càng khó hơn. Nó không phải là bài học của một, hai hay ba cấp học. Nó cũng không có bằng khen, hàm cấp. Nhưng để có được sự tử tế, con người buộc phải nhẫn nại học tập cả đời người.

Khi nói về tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII có đề cập về sự tử tế như sau: “Sự tử tế rất cần thiết trong một xã hội văn minh, nó là điều kiện tiên quyết để con người không sa vào những con đường sai trái, trong đó có tham ô, tham nhũng gây thiệt hại lớn cho xã hội”.

Sự tử tế của “một tế bào xã hội” sẽ giúp xã hội văn minh hơn và ngược lại. “Cái cây” muốn tươi tốt, thì gốc rễ phải chắc. “Gốc rễ” muốn chắc thì “đất” vững là yếu tố quyết định.

Gia đình, cá thể, xã hội là ba yếu tố tuần hoàn để tạo nên một môi trường sống tốt đẹp văn minh mà tất cả đều bắt đầu từ những bản thân tử tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/me-chot-nhan-ra-sai-lam-va-con-noi-con-yeu-me-rat-nhieu-post212255.gd

[2]. https://vnexpress.net/6-thoi-quen-tot-can-ren-cho-tre-truoc-8-tuoi-4108759.html

Cao Kim Anh