Nikkei Asian Review ngày 22/7 cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã im lặng về phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, trong đó gần như tất cả nội dung Philippines khởi kiện chống lại yêu sách quá mức, vi phạm UNCLOS 1982 từ phía Trung Quốc đều được Tòa chấp thuận.
Đây là một dấu hiệu lạ. Bởi lẽ trước phán quyết trọng tài, ông Obama là nhà lãnh đạo hàng đầu và cũng là đầu tiên của thế giới lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ yêu sách đường 9 đoạn, trong đó phán quyết trọng tài đã bác bỏ nó một cách hết sức thuyết phục.
Nói cách khác, phán quyết trọng tài cũng là một thành công theo quan điểm của ông Obama.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du "cơn lốc" tới Australia để khẳng định vai trò và sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương trong khi ông Obama im lặng. Ảnh: The Huffington Post Australia. |
Obama là người đã luôn mong muốn mở rộng hợp tác với Trung Quốc về sự nóng lên toàn cầu và các thách thức phổ biến khác. Ban đầu ông miễn cưỡng chấp nhận các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không của hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Sau khi biết Trung Quốc đang cải tạo, bồi đắp các đảo nhân tạo khổng lồ nhanh chóng trên các rặng san hô ở vùng biển tranh chấp, tuy nhiên Obama không có phản ứng cứng rắn nào.
Sau đó ông lại đi các nước cờ nhằm liên kết với các nước trong khu vực chống lại sự leo thang bành trướng của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, cung cấp các công nghệ quân sự cho Ấn Độ và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc cho thấy điều này.
Mỹ cũng sẽ sớm đóng quân trở lại ở Philippines lần đầu tiên trong 1/4 thế kỷ. Tuy nhiên ông im lặng về phán quyết trọng tài.
Lợi ích của Mỹ tại Biển Đông không thay đổi
Mặc dù ông chủ Nhà Trắng không lên tiếng về phán quyết hôm 12/7 của Hội đồng Trọng tài được PCA thành lập theo đúng Phụ lục VII, UNCLOS 1982, nhưng cấp phó của ông Joe Biden đã có những thông điệp mạnh mẽ.
Tiến sĩ Thái Anh Văn: 3 lý do từ chối phán quyết, lập trường 4 điểm về Biển Đông |
Theo The Huffington Post Australia ngày 20/7, Phó Tổng thống Joe Biden đã tới thăm "cơn lốc" đến nước đồng minh Australia sau khi có phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông. Ông nói thẳng, Mỹ sẽ can thiệp vào Biển Đông nếu thấy cần thiết.
"Chúng tôi không đi đâu cả. Và sự hiện diện của chúng tôi rất quan trọng đối với khu vực, đó là điều cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định, nếu không thì sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng tôi tin là sẽ đổ vỡ", Joe Biden nói trước một hội trường chật cứng tại Town Hall Paddington ở Sydney.
"Mỹ muốn đảm bảo các vùng biển được an toàn, bầu trời vẫn mở. Đó là làm thế nào để duy trì các dòng chảy tự do thương mại. Đó là cuộc sống, là huyết mạch của khu vực này. Đây là cách duy nhất các quốc gia của chúng ta có thể phát triển và thành công."
Biden không nói rõ ràng về các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nhấn mạnh hy vọng của Mỹ tăng cường hợp tác với các nước châu Á như Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông cũng cho biết mình đã thảo luận với ông Tập Cận Bình về sự tham gia của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Obama để vấn đề Biển Đông cho người kế nhiệm, Trung Quốc có thể đục nước béo cò
Theo Nikkei Asian Review, nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama sắp kết thúc. Thời gian còn lại không đủ cho ông có những hành động táo bạo và Bắc Kinh biết điều này. Họ đang lợi dụng tình trạng khó khăn của Obama.
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ có một chuyến thăm khó khăn tới Trung Quốc đầu tuần qua. Ngô Thắng Lợi hùng hồn tuyên bố, Trung Quốc có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và không sợ "bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào".
Ngô Thắng Lợi khi nói chuyện với John Richardson đã chỉ ngón tay, khuôn mặt cau có để nhấn mạnh vấn đề rồi nhìn chằm chằm vào mặt Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ.
Theo Nikkei Asian Review, tương lai của cảnh quan an ninh Đông Á sẽ được xác định rõ ràng hơn bởi chính sách quốc phòng thông qua bởi người kế nhiệm ông Obama, sẽ xuất hiện vào đầu năm tới.
Cá nhân người viết cho rằng, sự "im lặng" của ông Obama là có chủ ý, và nó có mối liên hệ với chính sách "ngoại giao trầm lặng" mà Reuters đã dẫn nguồn tin từ giới ngoại giao Mỹ cho biết.
Có thể đây là dấu hiệu của một sự thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông bởi nó dễ dẫn đến xung đột, đối đầu. Điều này rất đáng hoan nghênh.
Nhưng với việc truyền thông nhà nước Trung Quốc sẵn sàng bóp méo phát biểu của lãnh đạo các nước như Fiji, Brunei, Sri Lanka hay gần đây nhất là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào về Biển Đông, cho thấy Hoa Kỳ hay các bên cũng cần thận trọng, cảnh giác.
Bởi một khi họ có thể dựng chuyện, đổi trắng thay đen như trở bàn tay thì mọi đề nghị Trung Quốc đưa ra cần phải được xem xét, mổ xẻ thấu đáo. Đừng vội cho rằng đó là một sự thỏa hiệp hay nhượng bộ, cần phải xem Trung Quốc sẽ làm như thế nào, chứ không phải họ nói gì, nói sao.