LTS: Vào dịp Trung Thu, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) lại náo nức tổ chức lễ hội đèn lồng với đủ loại lồng đèn to nhỏ, rực rỡ sắc màu.
Tuy nhiên, đằng sau sự xa hoa rực rỡ đó là nỗi vất vả và những điều khó nói của những giáo viên tham gia làm đèn lồng cho các trường học dự thi.
Trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên sẽ tiết lộ cho bạn đọc biết những điều đó.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kể từ khi sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận “Lễ hội đèn trung thu lớn nhất Việt Nam” tại Phan Thiết thì mỗi năm lễ hội lại thêm vẻ hoành tráng hơn.
Hàng ngàn người dân quanh vùng cũng như khách thập phương khắp nơi đều hoan hỉ chờ đợi đến Rằm Trung thu đổ về trung tâm thành phố để được thưởng lãm những chiếc lồng đèn to lớn rực rỡ đủ sắc màu với đủ các hình thù vô cùng phong phú, đa dạng.
Đêm hội xa hoa, hoành tráng
Chưa đến giờ rước đèn nhưng các ngả đường dẫn đến nơi tập trung của các cộ đèn ở các đơn vị trường học đã đông nghẹt người.
Cả một vùng sáng bừng với những ánh sáng đủ màu sắc từ các cộ đèn lớn nhỏ hắt ra.
Có tới hơn 30 chiếc cộ đèn to đồ sộ với đủ hình thù thật đẹp mắt, nào là hình các anh hùng dân tộc, bông sen giữa đài tháp, con công xòe đuôi bung ánh sáng đủ màu, những con trâu, con voi to kềnh, những chiếc thuyền như đang ra khơi đánh cá...
Có cộ đèn được gắn theo cả một máy phát điện vào xe đẩy. Có cộ đèn lại gắn chíp điện tử điều khiển từ xa được đặt trên những chiếc ô tô sẵn sàng di chuyển.
Và vài trăm chiếc lồng đèn nhỏ đẹp lung linh được các cô cậu bé học trò hào hứng cầm trên tay.
Tiếng nhạc réo rắt, tiếng trống khua liên hồi như thúc dục, như mời gọi.
Ai nấy đều háo hức mong chờ để được thưởng lãm những tuyệt tác nghệ thuật đẹp mê hồn...
Lễ hội đèn trung thu tại Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh: Đỗ Quyên) |
Buổi lễ rước đèn bắt đầu. Những chiếc ô tô chở cộ đèn diễu hành qua các con phố, ánh sáng hắt ra sáng rực cả một vùng.
Đoàn diễu hành đi tới đâu, những tiếng xuýt xoa, bình luận vang lên thích thú. Ai nấy cũng muốn tự chấm cho mình một chiếc lồng đèn đẹp nhất.
Rồi tất cả sự trầm trồ, thán phục ấy cũng chỉ lướt qua một cách chóng vánh trôi theo dòng người đang nối dài như bất tận.
Số phận của những cộ đèn được xem là tuyệt tác
Những chiếc đèn trung thu đẹp lung linh được làm công phu như thế từ đã ngốn không biết bao nhiêu tiền và công sức của biết bao con người.
Những cộ đèn lớn hàng trăm triệu đồng đến những chiếc lồng đèn nhỏ chỉ vài ba trăm ngàn đồng thì xong buổi rước đèn cũng cùng chúng số phận nằm chỏng chơ giữa trời mưa nắng.
Có cái nằm lăn lóc trong kho, đôi khi lớn quá không mang được vào trường đành để nằm bên ngoài cổng cho mưa nắng dập vùi.
Có trường thấy tiếc muốn tận dụng lấy lại bộ khung nhưng như thế năm sau cũng chẳng dễ gì sử dụng lại. Bởi không lẻ lễ hội lần sau "luộc lại" ý tưởng này?
Nếu thế đừng mong gì sẽ có giải.
Các trường học phải huy động tiền bạc và sức lực của mọi người để có những tác phẩm đèn lồng dự thi. (Ảnh: Đỗ Quyên) |
Tâm lý đã đi thi, trường nào cũng mong mình đạt giải bởi không chỉ mong vớt vát được đồng nào kinh phí đã bỏ ra còn khẳng định thêm thương hiệu của trường, sức mạnh của sự chịu chi và ý tưởng độc đáo khi nghĩ ra chủ đề để thiết kế lồng đèn.
Thế nên trường nào cũng cố bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để làm lồng đèn. Nếu sử dụng lồng đèn cũ xem như chính mình đã tự loại khỏi cuộc chơi.
Người có tâm không khỏi xót xa bởi sự lãng phí không hề nhỏ trong lễ hội lồng đèn này.
Chỉ tính riêng số tiền của một đêm lễ hội rước đèn khoảng vài tiếng đồng hồ đã đốt đi hơn 2 tỉ đồng.
Một số tiền được coi là khá lớn trong khi đời sống của những người dân vùng này chưa cao, vẫn còn không ít học sinh mỗi sáng đi học phải nhịn đói tới trường, hay một số em gia cảnh gặp khó khăn không có tiền đến lớp.
Không chỉ lãng phí về kinh tế, đó còn là một sự lãng phí về thời gian, công sức của giáo viên để góp cho lễ hội rước đèn được thành công như thế.
Đó là những nỗi nhọc nhằn có cả sự ê chề khi thầy cô phải đứng ra vận động hay nói huỵch toẹt là là đi xin tiền cha mẹ học trò để làm lồng đèn. Nỗi khổ này mấy ai thấu?
Nỗi vất vả, nhọc nhằn của giáo viên, học sinh
Khác với sự háo hức, chờ đợi của nhiều người, cứ gần đến mùa Trung thu hàng năm thì nhiều giáo viên sống trong tâm trạng âu lo khắc khoải.
Lo vì không biết sẽ vận động phụ huynh ủng hộ tiền thế nào? Có bị cản trở gì không? Có vận động được theo chỉ tiêu đã giao cho từng lớp?
Chỉ tiêu mỗi trường học ở Phan Thiết phải có một chiếc lồng đèn lớn (cao khoảng 3 mét rộng đến 2 mét) và 80 chiếc lồng đèn nhỏ.
Để làm được một chiếc lồng đèn lớn số tiền bỏ ra chi phí khoảng từ 50-80 triệu đồng/chiếc thậm chí có cái lồng đèn chạm ngưỡng cả trăm triệu đồng. Giá một cái lồng đèn nhỏ khoảng 250-500 ngàn đồng/chiếc.
Không chỉ có kinh phí làm lồng đèn, còn cả lực lượng hùng hậu kèn trống, nhà trường phải lo ăn uống cho học sinh tham gia đội rước đèn vào buổi chiều, kinh phí thuê xe, máy nổ, bồi dưỡng dân phòng tham gia đẩy xe, bảo vệ...
Vị chi tính mức thấp nhất mỗi trường cũng phải bỏ ra số tiền gần 100 triệu đồng.
Để có được số tiền này, đương nhiên nhà trường không thể lấy kinh phí nhà nước cấp để làm.
Từng trường sẽ giao cho giáo viên chủ nhiệm vận động, hoặc nhờ Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động trong phụ huynh trên tinh thần tự nguyện nhưng thực chất tự nguyện trên tinh thần bắt buộc là chính.
Có giáo viên thổ lộ “gặp phụ huynh có kinh tế lại hào phóng thì lớp được nhờ. Bởi họ ủng hộ nhiều sẽ gánh bớt cho những phụ huynh nghèo một ít.
Lớp không có phụ huynh như thế giáo viên phải nói rã họng để họ đồng lòng mà quyên góp chứ biết phải làm sao?”.
Phương thức quyên góp cũng đa dạng, trường lấy lòng hảo tâm nhưng vẫn có mức sàn, chẳng hạn mỗi em 100 ngàn đồng.
Bởi không như thế, sẽ có em đóng ít, có em không đóng đồng nào thì làm sao đủ chi phí cho việc làm lồng đèn được.
Người lớn đang "cướp" Trung thu của trẻ con |
Có cô phân trần “chẳng may gặp phụ huynh khó tính, họ gay gắt chối từ cũng chẳng biết phải làm sao.
Thầy cô phải nhẫn nhịn phân tích vì không thu được số tiền như quy định xem như mình sẽ không hoàn thành công tác chủ nhiệm của mình”.
Ngoài việc vận động phụ huynh ủng hộ tiền, thầy cô và học sinh còn phải tranh thủ trang trí những chiếc lồng đèn nhỏ. Bởi thuê họ chỉ làm khung, mình tự dán sẽ đỡ mất một khoản tiền không hề nhỏ.
Lao vào dán lồng đèn thì đương nhiên học hành sẽ chểnh mảng. Biết thế, thầy cô cũng thường cho qua “xong mùa Trung thu sẽ phụ đạo thêm cho các em”.
Nghẹt nỗi để chuẩn bị chu đáo cho một đêm rước đèn như thế, thầy và trò phải mất hàng tháng trời “ăn không ngon ngủ không yên” để hoàn thành những chiếc lồng đèn ấy.
Có nên duy trì lễ hội thường xuyên?
Không ít người lại tự hào rằng quê hương mình có lễ hội lồng đèn lớn nhất nước, lễ hội được đưa vào cả sách kỷ lục Guinness. Nhờ có lễ hội này mà nhiều du khách biết đến địa danh Phan Thiết hơn.
Những điều thu nhận được chắc chưa thể so với những gì ngành giáo dục nơi đây đã bỏ ra để có một đêm hội xa hoa hoành tráng như vậy.
Họ không chỉ tốn thời gian, công sức mà còn mất một khoản tiền không hề nhỏ. Nếu để những khoản tiền này sẽ xây cho người nghèo được vài chục căn nhà hay tiếp bước cho hàng trăm học sinh nghèo đến trường có phải thiết thực hơn không?
Có ý kiến cho rằng không nên bỏ đi lễ hội mà đã bao năm nay người dân nơi đây phải dày công mới có được thương hiệu ấy. Nhưng khoảng 5-7 năm hãy tổ chức một lần.
Những lần tổ chức xong, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn cũng nên trưng thu lại những chiếc lồng đèn ấy để quãng bá cho du lịch quê mình chứ không nên để nhà trường phải vứt bỏ một cách lãng phí như hiện nay.