Các cách phòng ngừa bệnh cúm A ở trẻ nhỏ

20/12/2019 06:07
An Nhiên
(GDVN) - Cúm A là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách thì bệnh diễn biến rất phức tạp.

Những ngày qua, số bệnh nhân nhiễm cúm A tăng cao đột biến tại nhiều cơ sở y tế và thường là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. 

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho.

Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng vi rút cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. [1]

Trẻ bị viêm đường hô hấp do virus cúm nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh minh họa: nld.com.vn).
Trẻ bị viêm đường hô hấp do virus cúm nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh minh họa: nld.com.vn).

Bệnh cúm A ở trẻ là gì?

Là một trong số những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh cúm A ở trẻ do các virus thường gặp như cúm A/H3N2, A/H1N1, A/H5N1 gây ra. Bệnh có khả phát triển và lây nhiễm rất nhanh.

Bệnh cúm A ở trẻ thường lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây nên những biến chứng nặng và nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng bệnh cúm A ở trẻ em

Trẻ mắc cúm A thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, cơ thể đau nhức, lờ đờ,... Bệnh nặng thêm một chút thì trẻ bắt đầu xuất hiện biểu hiện viêm họng, cổ đau rát, ho dai dẳng, khó thở, chảy nước mũi, tim đập nhanh,...

Một số trường hợp khi bị nhiễm cúm A trẻ còn bị động kinh, cơ thể xuất hiện tình trạng co giật, nếu không kịp thời phát hiện và đêm đến bệnh viện để thăm khám rất dễ ảnh hưởng đến thần kinh.

Các cách phòng ngừa bệnh cúm A ở trẻ nhỏ

Giữ gìn vệ sinh cho trẻ: Virus cúm A có khả phát triển và lây nhiễm rất nhanh, thường phát triển trong đường hô hấp do đó các bậc phụ huynh cần vệ sinh thật sạch sẽ răng miệng, họng cho trẻ.

Nên ăn và uống gì khi bị cúm?
Nên ăn và uống gì khi bị cúm?

Việc này sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh phát triển, giúp phòng bệnh cúm A hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. 

Ngoài ra, cần rửa tay bằng xà phòng có tính chất diệt khuẩn sau khi đi ra ngoài về, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.

Tránh tiếp xúc với người đang bị cúm: Nếu trong gia đình hoặc những người xung quanh bị cúm thì cần cách ly, không cho trẻ tiếp xúc hoặc dùng chung đồ với những người bị cúm.

Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, virus gây bệnh rất dễ lây nhiễm nên cần tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị cúm. 

Tiêm chủng đúng hướng dẫn: Để trẻ có khả năng kháng lại virus cúm A thì cách tốt nhất là nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế tiêm phòng cúm A.

Trẻ khi được tiêm phòng sẽ có khả năng kháng bệnh tốt hơn, bảo vệ sức khỏe trước các tác nhân gây bệnh. 

Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau xanh: Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau xanh hữu  để bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch. 

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bị cúm A thì bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Cúm A là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách thì bệnh diễn biến rất phức tạp, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/42492702-vao-mua-cum-so-tre-nhap-vien-gia-tang.html

An Nhiên