Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về sự nguy hiểm của Tôm hùm đất

28/05/2019 06:12
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Tôm càng đỏ dạng sống được xem là mối nguy hại lớn đối với đa dạng sinh học ở Việt Nam khi nó được xem là động vật ngoại lai phá hoại mùa màng, gây bệnh dịch.

Tôm càng đỏ còn gọi là tôm hùm đất, tiếng Anh là Crawfish hay Redclaw và tên khoa học là Cherax quadricarinatus.

Nó là một loài tôm nhiệt đới, thường có màu xanh sẫm và nâu đỏ. Đầu và ngực được vỏ che kín, bụng có 6 đốt và đuôi hình cánh quạt xoè ra thành 5 phần.

Chúng có 5 cặp chân rất khoẻ dùng để đào hang. Chúng có đôi mắt kép nên có thị giác rất tốt, cùng hai cặp hàm rất khoẻ với ba cặp chân ở hàm dùng để đưa thức ăn vào miệng.

Khi bị đe doạ chúng có thể chạy giật lùi cực nhanh bằng cách búng mạnh gai đuôi ở cuối bụng.

Tôm càng đỏ có khả năng sinh sôi, nảy nở cực nhanh. Tôm cái tiết ra một chất dẫn dụ tôm đực gọi là pheromone.

Tôm đực dùng cặp chân bụng đầu tiên để rót tinh trùng vào một chiếc túi trên cơ thể tôm cái. Mỗi lần sinh sản con cái có thể sinh ra 300-800 trứng và tôm non thường nở ra vào mùa xuân.

Tôm càng đỏ còn gọi là tôm hùm đất. (Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp)
Tôm càng đỏ còn gọi là tôm hùm đất. (Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp)

Đầu tiên loài tôm này được nuôi ở lãnh thổ phía Đông Bắc của Australia và ở Papuya New Guinea.

Người ta nuôi nó để ăn vì thực ra đó là một loại thực phẩm vừa ngon, vừa bổ. Mỗi cân tôm càng đỏ chứa không ít protein và vitamin (nhất là B6 và B12).

Người ta nuôi chúng khá dễ dàng vì chúng chịu được phạm vi pH rộng, chịu được thời tiết lạnh và không quá nóng, chịu được độ mặn khá cao. Nó chỉ bị chết ở nhiệt độ dưới 10 độ C hay trên 36 độ C.

Khi nuôi trong điều kiện quản lý chặt chẽ người ta dùng tỷ lệ đực cái là 1:4 và với mật độ 1500 con/ha.

Tôm càng đỏ nguy hiểm đến mức nào?

Với khả năng sinh sản nhanh chóng, khi lọt vào môi trường tự nhiên chúng gây nên những sự tàn phá thật khủng khiếp.

Chúng cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm cá nhỏ.

Nguy hiểm nhất chúng là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra các dịch bệnh nghiêm trọng, kể cả các mầm bệnh virut gây ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm.

Việt Nam đã nhập khẩu tôm càng đỏ từ Trung Quốc, nuôi thử nghiệm ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình và Hà Nam vào năm 2006.

Kết quả cho thấy loài này sống ẩn nấp trong rễ cây ven sông hồ, thậm chí bò lên cạn thở bằng oxy, thường đào hang sâu 1-2 m nên có khả năng phá hủy hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.

Chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa.

Lý giải "vì sao tôm càng đỏ đã chứng minh được hiệu quả kinh tế ở Mỹ, Trung Quốc mà Việt Nam lại cấm?", Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy (Viện phó Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) nói: Đưa loài này vào nuôi ở Việt Nam có thể đem lại chút lợi ích trước mắt, nhưng tác hại gây ra cho nông nghiệp rất khủng khiếp, kéo dài.

Chúng bò nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt hơn ốc bươu vàng.

Nếu không cấm mà cho nuôi tôm càng đỏ thì từ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho đến các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo nguy cơ cao gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn, hậu họa để lại lâu dài.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về sự nguy hiểm của Tôm hùm đất ảnh 2Sẽ ban hành "lệnh" cấm nuôi đỉa và ốc bươu vàng

Tôm càng đỏ là những vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường nơi chúng trú ngụ, sinh sống.

Nhiều nước cấm nuôi tôm càng đỏ, một số nước cho phép nuôi ở khu vực nhất định nhưng kiểm soát chặt chẽ.

Ở quốc gia cho phép nuôi, phần lớn là có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, họ buộc phải cho phép nuôi giống tôm này vì lợi ích kinh tế nhưng đi kèm với biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Nhưng, ở Việt Nam với nền sản xuất nông nghiệp manh mún với hàng triệu mảnh ruộng, hàng triệu ao hồ, sông suối thì rất khó kiểm soát, nguy cơ thất thoát ra môi trường tự nhiên sẽ rất nguy hại.

Tôm càng đỏ chỉ có 30% thịt và 70% vỏ, hàm lượng thịt và dinh dưỡng không cao hơn hay ngon hơn tôm sú, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đang có.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tôm càng đỏ không có giá trị kinh tế cao.

Thịt của chúng rất ít, một cân giá khoảng 400.000 đồng song chỉ có ba lạng thịt, còn lại toàn vỏ.

"So với các loài tôm bản địa như tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh thì không thể ngon bằng. Nhiều người ăn tôm càng đỏ vì lạ miệng, lâu dần sẽ chán", ông Hùng nói.

Chúng ta có nhiều giống tôm tốt hơn để lựa chọn thì tại sao phải cho phép nuôi tôm càng đỏ với nhiều mầm họa.

Nếu không cấm mà cho nuôi những loài này thì từ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho đến các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo nguy cơ cao gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn, hậu họa để lại lâu dài”.

Ông Hùng nói, Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ về môi trường sinh thái do tôm càng đỏ gây ra, điển hình là việc chúng phá hoại ở dọc sông Trường Giang.

Thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, qua kiểm tra thực tế trong các ngày 18 – 19/5 với 25 cơ sở kinh doanh thủy sản tại 19 chợ cho thấy không phát hiện cơ sở nào kinh doanh sản phẩm là loài tôm càng đỏ hay tôm hùm đất .

Nhưng thực tế, tôm càng đỏ hay tôm hùm đất được rao bán qua mạng xã hội nên việc phát hiện xử lý gặp khó khăn.

Còn tại Lào Cai từ ngày 1 – 22/5, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 945 cân tôm càng đỏ, trong đó chỉ có một lô hàng 75 cân là xử phạt được chủ hàng, còn lại đều là người vận chuyển thuê vứt lại hàng, bỏ trốn khỏi hiện trường.

Ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), đánh giá tôm càng đỏ làm giảm sự đa dạng của các loài thực vật thủy sinh bậc cao, thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về sự nguy hiểm của Tôm hùm đất ảnh 3Thương lái Trung Quốc ồ ạt mua ốc bươu vàng làm gì?

Từ năm 2013, Nhà nước đã đưa loài tôm càng đỏ này vào danh sách sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu. 

Chúng được xem là mối nguy hại rất lớn đối với đa dạng sinh học ở Việt Nam khi nó được xem là động vật ngoại lai phá hoại mùa màng, gây bệnh dịch cho thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hoả tốc yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan Hải quan mọi địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, lưu giữ và buôn bán loài tôm nguy hiểm này.

Tôm càng đỏ tương tác với các loài xâm lấn khác làm giảm các quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh.

Vì lẽ đó, tôm càng đỏ không chỉ bị cấm ở Việt Nam mà hiện còn được ghi nhận là loài xâm hại tại Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mexico, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...

Hiện thông tin tôm càng đỏ được nhập khẩu dưới dạng sống được bày bán tại Việt Nam đang gây lo ngại cho dư luận, giới chuyên gia và các cơ quan chức năng tại Việt Nam.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, thời gian qua đã xuất hiện trường hợp nhập lậu tôm càng đỏ vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, cửa biển hay biên giới đất liền từ Trung Quốc.

Gần đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 1 tấn tôm càng đỏ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam tại Lào Cai.

Tổng cục Hải quan cũng "lệnh" cho các Cục, Chi cục Hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát cửa khẩu, lối mòn, lối mở khu vực biên giới để ngăn chặn tôm càng đỏ nhập lậu vào Việt Nam.

Trên không gian mạng, một số người bán hàng online cho biết giá bán tôm càng đỏ ở Việt Nam có giá từ 270 nghìn đồng đến gần 500 nghìn đồng mỗi cân. Các mặt hàng tôm càng đỏ tươi sống còn có giá còn cao hơn nữa.

Ốc bươu vàng - loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam

Ốc bươu vàng thuộc ngành thân mềm (Mollusca), có nguồn gốc Trung và Nam Mĩ. Ốc bươu vàng được du nhập vào Việt Nam trong những năm 1985-1988 và đã trở thành một trong những sinh vật gây hại nghiêm trọng nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam. 

Ở Việt Nam, ốc bươu vàng được dùng làm thức ăn cho tôm, cá và gia súc và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. 

Có thể nói, hiện ốc bươu vàng vẫn là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam do chúng sinh trưởng chủ yếu vào vụ hè thu, đặc biệt là mùa nước nổi. Ốc bươu vàng xếp vào đối tượng bị cấm nuôi ở Việt Nam.

Những năm gần đây, phía Trung Quốc tiếp tục lại có chính sách thu mua ốc bươu vàng và điều này làm dấy lên phong trao thu gom ốc bán cho tư thương Trung Quốc, nhưng để bán được ốc cho đại lý thu gom cũng đòi hỏi nhiều công đoạn.

Trung Quốc chỉ thu mua ruột ốc, nên người dân muốn bán ốc phải thực hiện công đoạn đun nước sôi, luộc ốc, khêu ốc và kết quả là nhiều địa phương phải giải quyết vấn đề bãi rác vỏ ốc bươu vàng, dẫn đến tình trạng thương lái Trung Quốc ăn ốc, chính quyền Việt Nam đổ vỏ. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về sự nguy hiểm của Tôm hùm đất ảnh 4Thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cả trứng ốc bươu vàng

Ngoài ốc bươu vàng Việt Nam còn có bài học về nhập về cây Mai Dương. Cây Mai dương (tên khoa học Mimosa pigra) hay còn gọi là cây trinh nữ nhọn, mắt mèo, trinh nữ đầm lầy, có nguồn gốc từ trung Mỹ và nam Mỹ.

Đây là loài cỏ dại được xếp vào diện nguy hiểm thứ 3 trên thế giới và nằm trong danh sách 100 loài sinh vật gây hại nguy hiểm nhất đối với hầu hết các quốc gia, do khả năng lan rộng nhanh, hạt có thể nảy mầm sau 20 năm, đốt, san lấp vẫn mọc lại.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1960 đến nay, cây mai dương hiện lan khắp trên nhiều địa phương trong cả nước.

Cả trên sườn đồi, những vùng đất cát sỏi và khu đất ngập nước cây đều phát triển tốt. Những vùng đất cây mai dương mọc không có cây nào cạnh tranh được. 

Khảo sát của Phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho thấy các vùng bán ngập thuộc đồng bằng sông Cửu Long, lòng hồ thủy điện như Trị An, Thác Bà, Hòa Bình..., cây mai dương mọc dày tạo thành những vành đai rộng lớn.

Ở Lâm Đồng có gần 200 ha mai dương mọc rải rác dọc bờ sông Đa Nhim. Hàng năm địa phương này phải chi hàng trăm triệu đồng từ ngân sách cho việc xử lý cây mai dương.

Khu vực sông La Ngà (Đồng Nai) cây này cũng chiếm nhiều diện tích đất nông nghiệp. Trước mỗi vụ gieo trồng họ phải chi gần 2 triệu đồng cho việc chặt, đốt cây mai dương.

Đến thời điểm này chưa cơ quan nào tìm ra biện pháp trừ tận gốc đối với loài thực vật xâm hại này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hoả tốc yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan Hải quan mọi địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, lưu giữ và buôn bán loài tôm nguy hiểm này.

Chúng ta không ai được mua bán, dùng để ăn, dù có ngon, có rẻ đến đâu cũng nhất thiết không sử dụng vì sự quan trọng của việc bảo vệ tính đa dạng sinh học bản địa, vì sự bền vững của nền sinh thái nông nghiệp và vì sự an toàn lương thực của một nước trồng lúa trên quy mô rộng lớn và còn khá manh mún như ở nước ta.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng