Hàng trăm thầy cô và học trò vẫn đang ngày đêm "chiến đấu" nơi tâm dịch

15/06/2021 10:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Phía sau chúng tôi là cha mẹ già, con nhỏ, nhưng ai cũng tự thu xếp công việc riêng để toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ chống dịch”, Thạc sĩ Hồng Anh chia sẻ.

Trong cuộc chiến đầy thử thách, quyết liệt với “giặc Covid-19”, điều khiến chúng ta tự hào chính là tinh thần đoàn kết một lòng của dân tộc ta, nhân dân ta.

Những chiến binh áo trắng đến tâm dịch bằng với sức trẻ, nhiệt huyết, quyết tâm.

Những chiến binh áo trắng đến tâm dịch bằng với sức trẻ, nhiệt huyết, quyết tâm.

Khi một lời hiệu triệu được đưa ra, đã có hàng ngàn, hàng vạn cánh tay giơ cao đáp lời. Ngày Bắc Giang, Bắc Ninh kêu gọi hỗ trợ, hàng ngàn bác sĩ, giảng viên, sinh viên trường Y tình nguyện lên đường, họ chấp nhận chịu đựng thiệt thòi, rủi ro, đối mặt với hiểm nguy để mang lại cuộc sống bình yên cho đất nước.

Hình ảnh những chiến binh áo trắng bước vào tâm dịch đã vượt lên cả hai từ “trách nhiệm”, đó là sự dấn thân, cống hiến và hy sinh.

Sinh viên, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội lên đường chi viện cho Bắc Giang. (Ảnh: NVCC)

Sinh viên, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội lên đường chi viện cho Bắc Giang. (Ảnh: NVCC)

Ngày 02/6, đoàn tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội gồm 28 cán bộ giảng viên và 191 sinh viên đã xuất quân lên đường đến với Bắc Giang. Một ngày đặc biệt với nhiệm vụ đặc biệt, cả đoàn bước đi với tâm thế vững vàng, tinh thần quyết tâm.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Y, Trưởng đoàn tình nguyện chia sẻ: “Công việc chính của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm và nhập liệu tại địa bàn huyện Việt Yên. Các bạn sinh viên đều rất nhiệt tình, hăng hái, hết mình với công việc. Điều quan trọng là các em đã mang theo tâm huyết, trách nhiệm, sức trẻ của sinh viên ngành y đề hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Có tham gia chống dịch, có đồng hành cùng các em thì mới thấy học trò đã trưởng thành hơn rất nhiều, những ngày ở lớp, ở trường, thầy cô vẫn nghĩ các em còn trẻ lắm, nhưng thực tế các em đã trưởng thành từ suy nghĩ đến hành động”.

Sinh viên đã quen với công việc lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Sinh viên đã quen với công việc lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Đoàn làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: NVCC)

Đoàn làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: NVCC)

Đoàn của Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội gồm có 219 người nhưng được chia làm 4 nhóm về 4 địa điểm nghỉ ngơi khác nhau. Mỗi nhóm có đội trưởng để phối hợp với nhau thật nhịp nhàng, đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc.

Chia sẻ về những ngày làm nhiệm vụ, Thạc sĩ Khúc Thị Hồng Anh - Trưởng Khoa Điều dưỡng, Phó đoàn tình nguyện cho biết: “Những ngày đầu đến Bắc Giang, thời tiết nắng nóng buộc đoàn phải làm việc vào buổi chiều tối, đêm khuya. Kết thúc một ngày làm việc, ăn uống nghỉ ngơi có lúc đã 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng.

Đoàn chia thành từng nhóm nhỏ ở từng địa điểm khác nhau nên chúng tôi phải thiết lập được cách quản lý, kết nối các nhóm với nhau. Ngày đầu tiên vẫn còn khá bỡ ngỡ nhưng rất nhanh, các em đã thuần thục công việc, công tác tổ chức, triển khai đã trở nên nhịp nhàng hơn.

Đặc biệt, toàn đoàn đã thiết lập được một quy trình lấy mẫu thống nhất, các em đã làm việc rất chuyên nghiệp, nhẹ nhàng. Sau gần 2 tuần làm nhiệm vụ tại đây, chúng tôi cũng được làm xét nghiệm PCR, bản thân tôi được sinh viên của mình lấy mẫu, tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng, không đau đớn hay khó chịu gì, điều đó cho thấy các em đã làm việc rất chuyên nghiệp, thầy cô cũng rất yên tâm”.

Những chiến sĩ áo trắng làm việc trong đêm. (Ảnh: NVCC)

Những chiến sĩ áo trắng làm việc trong đêm. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo cô Hồng Anh, mặc dù tính chất công việc vất vả nhưng đoàn cũng luôn nhận được sự hỗ trợ về mọi mặt. Đó là sự quan tâm, động viên từ Ban giám hiệu nhà trường, sự hỗ trợ về vật chất, vật tư y tế từ các cá nhân, tổ chức.

Bên cạnh đó là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đoàn y tế luôn được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn khó khăn nhất, vất vả nhất ở Bắc Giang đã qua, khối lượng công việc đang giảm dần, nhân viên y tế cũng cần được giảm bớt.

Đoàn quân của Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội sẵn sàng với mọi nhiệm vụ được giao. (Ảnh: NVCC)

Đoàn quân của Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội sẵn sàng với mọi nhiệm vụ được giao. (Ảnh: NVCC)

Những chiến binh áo trắng kết nối, hỗ trợ nhau khi làm nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC)

Những chiến binh áo trắng kết nối, hỗ trợ nhau khi làm nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC)

“Thời gian tới đây, đoàn sẽ rút khoảng 1/3 nhân lực. Tuy nhiên, 100% sinh viên đều đang xin thầy cô được tiếp tục làm nhiệm vụ. Thậm chí, có nhiều em đang bị mẩn ngứa, dị ứng vì mang đồ bảo hộ nhưng vẫn kiên quyết xin được ở lại.

Chúng tôi phải họp các trưởng nhóm lại, tìm hiểu từng sinh viên, về sức khỏe, hoàn cảnh, công việc học tập để có thể quyết định được những ai sẽ trở về, ai ở lại tiếp tục cuộc chiến”, Cô Hồng Anh cho biết.

Có lẽ, với những thiên thần áo trắng bước chân vào tâm dịch, điều họ mong muốn chỉ là được làm việc, được cống hiến. Hơn cả trách nhiệm của một bác sĩ làm nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, đó là trái tim ấm áp với những nhịp đập yêu thương, là tinh thần dấn thân, hi sinh vì mục tiêu chung của đất nước.

Và chính họ, những bác sĩ ngành y, phía sau còn là những bộn bề lo toan về gia đình nhưng vẫn tình nguyện trở thành chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Những bác sĩ, sinh viên ngành y với nguyện vọng được dấn thân, cống hiến. (Ảnh: NVCC)

Những bác sĩ, sinh viên ngành y với nguyện vọng được dấn thân, cống hiến. (Ảnh: NVCC)

Dù trong hoàn cảnh vất vả, gian nan, những chiến sĩ áo trắng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan. (Ảnh: NVCC)

Dù trong hoàn cảnh vất vả, gian nan, những chiến sĩ áo trắng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Khúc Thị Hồng Anh tâm sự: "Có cô giáo để lại hai đứa con nhỏ ở nhà để tham gia vào đoàn tình nguyện. Một cô giáo khác cũng gửi 3 con nhỏ cho bà ngoại chăm sóc để đến Bắc Giang.

Bản thân tôi cũng có những lỗi lo riêng cho gia đình, bố tôi sức khỏe không tốt trong khi lâu nay tôi là người chăm lo chính về sức khỏe của ông, nhưng tôi cũng sắp xếp để các em chăm sóc bố để mình được tham gia đợt tình nguyện này.

Điều tôi cảm thấy hạnh phúc là gia đình vẫn luôn ủng hộ quyết định của tôi, nhắn nhủ tôi hãy yên tâm làm nhiệm vụ và giữ gìn sức khỏe.

Các bác sĩ, ai cũng có những bộn bề lo lắng phía sau, đó là gia đình, bố mẹ già, con nhỏ, nhưng tạm gác lại những tình cảm riêng tư, chúng tôi tự thu xếp công việc của mình để toàn tâm toàn ý đi chống dịch, hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ được giao".

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh