Minh bạch tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái để có dược liệu tốt

15/11/2019 09:00
Thanh Thủy
(GDVN) - Theo các chuyên gia, dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai.

Mục tiêu nâng cao chất lượng thuốc từ dược liệu bắt đầu từ việc tiêu chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào. Các nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, với 80% dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái) vào 2020 và 100% vào 2030.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo quy định, các thuốc dự thầu vào bệnh viện sản xuất từ nguyên liệu đạt GACP sẽ được cộng thêm 5 điểm, sản phẩm của nhà máy đạt GMP dược liệu cũng sẽ được cộng thêm 5 điểm khi xét thầu.

Theo các chuyên gia, dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai.

Phát triển thuốc từ dược liệu là một trong những quan điểm chính trong chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển còn tập trung sản xuất thuốc gốc (generic drug) chất lượng tốt thay thế dần thuốc nhập khẩu, phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của nước ta trong sản xuất vaccine.

Các dược liệu được dùng nhiều nhất hiện nay là Atiso, Đinh lăng, Rau đắng đất, Bạch quả, Kim tiền thảo, Bách bộ, Diệp hạ châu, hy thiêm, Cát cánh, Ích mẫu, Sài hồ, Chè dây, Đảng sâm, Quả cúc gai, Cam thảo, Trần bì, Sinh địa, Húng chanh, Thảo quyết minh, Đương quy…

Và để có nguồn dược liệu đầu vào an toàn, chất lượng làm nguyên liệu sản xuất thuốc dược liệu, Bộ Y tế với đã ban hành thông tư số 19/2019/TT-BYT. Đây là một trong những công việc để cụ thể hóa Luật Dược 2016. 

Ngày 27/9/2019, thông tư số 19/2019/TT-BYT về quy định thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên đã chính thức có hiệu lực.

Thông tư này quy định việc ban hành, công bố áp dụng và đánh giá việc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên; lộ trình áp dụng đối với các cơ sở nuôi trồng, thu hái dược liệu và cơ sở khai thác dược liệu tự nhiên.

Ban hành các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên” của Việt Nam (GACP Việt Nam).

Chậm nhất đến ngày 01/01/2030, cơ sở nuôi trồng, thu hái dược liệu hoặc khai thác dược liệu tự nhiên phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP Việt Nam.

Thuốc từ dược liệu sẽ được người dùng ưu tiên sử dụng trong tương lai. Ảnh minh họa
Thuốc từ dược liệu sẽ được người dùng ưu tiên sử dụng trong tương lai. Ảnh minh họa

Theo đó, trình tự, quy trình đánh giá việc đáp ứng GACP gồm có: tiếp nhận hồ sơ; trình tự tiếp nhận và thẩm định hồ sơ; quy trình đánh giá.

Cụ thể, ở quy trình tiếp nhận hồ sơ: Cơ sở đề nghị đánh giá việc đáp ứng GACP nộp 01 bộ hồ sơ và 01 đĩa CD hoặc USB lưu các hồ sơ tương ứng theo quy định tại Điều 9 Thông tư này kèm phí thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (cơ quan tiếp nhận) theo hình thức nộp trực tiếp, nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế.

Trình tự tiếp nhận và thẩm định hồ sơ: Khi nhận được hồ sơ đủ thành phần theo quy định, cơ quan tiếp nhận cấp cho cơ sở Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 02 Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

Trường hợp không đủ thành phần hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận đề nghị cơ sở bổ sung đủ hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận có văn bản yêu cầu cơ sở bổ sung đủ hồ sơ theo quy định trong trường hợp nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ thành phần, hợp lệ, cơ quan tiếp nhận thành lập Đoàn đánh giá và gửi cho cơ sở Quyết định thành lập Đoàn đánh giá trong đó có dự kiến thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định thành lập Đoàn đánh giá tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở.

Quy trình đánh giá được quy định rõ 6 bước cụ thể.

Bước 1. Đoàn đánh giá công bố Quyết định thành lập Đoàn đánh giá, mục đích, nội dung và kế hoạch đánh giá tại cơ sở;

Bước 2. Cơ sở trình bày tóm tắt về tổ chức, nhân sự và hoạt động triển khai, áp dụng GACP hoặc nội dung cụ thể theo nội dung của đợt đánh giá;

Bước 3. Đoàn đánh giá tiến hành đánh giá thực tế việc triển khai áp dụng GACP tại cơ sở theo từng nội dung cụ thể. Trường hợp cơ sở thực hiện một hoặc một số công đoạn của quá trình sản xuất thì nội dung đánh giá chỉ bao gồm các yêu cầu tương ứng với công đoạn sản xuất mà cơ sở thực hiện;

Bước 4. Đoàn đánh giá họp với cơ sở để thông báo về tồn tại phát hiện trong quá trình đánh giá (nếu có); thảo luận với cơ sở trong trường hợp cơ sở không thống nhất với đánh giá của Đoàn đánh giá đối với từng tồn tại hoặc về mức độ đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP của cơ sở;

Bước 5. Lập và ký biên bản đánh giá:

Ngay sau khi hoàn thành việc đánh giá thực tế tại cơ sở, Đoàn đánh giá lập biên bản đánh giá theo Mẫu số 4A Phụ lục I Thông tư này. Biên bản đánh giá phải thể hiện thành phần Đoàn đánh giá, địa điểm, thời gian, phạm vi đánh giá, vấn đề chưa thống nhất giữa Đoàn đánh giá và cơ sở (nếu có). Lãnh đạo cơ sở và Trưởng Đoàn đánh giá ký xác nhận vào biên bản đánh giá. Biên bản được làm thành 03 bản: 01 bản lưu tại cơ sở, 02 bản lưu tại cơ quan tiếp nhận.

Bước 6. Hoàn thiện Báo cáo đánh giá:

Đoàn đánh giá có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá GACP theo Mẫu số 4B Phụ lục I kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 20 ngày Đoàn đánh giá có trách nhiệm hoàn thành việc đánh giá.

Thanh Thủy