Những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ dễ cận thị

12/07/2013 14:44
Theo VnMedia
Hiện nay, tỷ lệ học sinh cận thị ngày càng nhiều, điều này khiến các em gặp không ít bất tiện trong học tập, sinh hoạt, gây tốn kém cho gia đình. Vì sao trẻ bị cận thị?
Nguyên nhân gây cận thị ở trẻ

Cận thị là loại bệnh về mắt tương đối phổ biến ở trẻ, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Theo các chuyên gia, trẻ cận thị là do một số nguyên nhân sau:

- Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ: Trẻ phát triển rất nhanh, đặc biệt là từ 7 đến 9 tuổi và 12 -14 tuổi, trong khoảng thời gian này nếu thời gian ngủ của trẻ quá ít hoặc do không đủ thời gian để ngủ vì cha mẹ bắt học quá nhiều rất dễ gây ra cận thị.

- Trẻ có trọng lượng nhẹ khi sinh:
Hầu hết trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể trên dưới 2,5 kg, đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.

- Trẻ sinh thiếu tháng: Trẻ sinh thiếu tháng từ hai tuần trở lên thường bị cận từ khi học vỡ lòng
 
- Di truyền: Mức độ di truyền này liên quan mật thiết với mức độ cận thị của bố mẹ. Thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3 đi-ốp thì khả năng di truyền sang con cái rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

- Trẻ xem tivi quá gần: Nếu như ngày nào trẻ cũng xem tivi nhiều hơn hai giờ đồng hồ với khoảng cách từ mắt tới tivi nhỏ hơn 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều. Trong điều kiện như vậy một số trẻ bị cận thị, một số khác thì không.

Dấu hiệu báo động trẻ bị cận thị


- Kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài sai hoặc viết sai chữ.

- Hay nheo mắt, nghiêng đầu khi xem tivi hoặc nhìn một vật ở xa.

- Khi xem tivi hay học ở lớp, trẻ phải chạy lại gần mới nhìn thấy, hoặc trẻ thường phải chép bài của bạn.

- Thường hay dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ.

- Sợ ánh sáng hoặc chói mắt.

- Trẻ hay kêu mỏi mắt nhức đầu, hay chảy nước mắt.

-  Nhắm một mắt khi đọc hoặc khi xem tivi.

-  Không thích các hoạt động liên quan tới thị giác như vẽ hình, tô màu hay tập đọc hoặc các hoạt động liên quan tới thị giác xa như chơi ném bóng.

 - Khi đọc hay bị nhảy hàng, hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ.

Khi nhận thấy con có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần mang trẻ đi khám. Cần chọn bệnh viện chuyên về nhãn khoa, hoặc các khoa mắt có bộ phận khúc xạ, bởi nhiều khi bác sĩ phải nhỏ thuốc liệt điều tiết mới khám được chính xác. Với những trẻ đã được chẩn đoán cận thị, cần tái khám 6 tháng một lần, bởi mắt trẻ còn thay đổi và nhiều khả năng phải thay kính.

Bí quyết chăm sóc và bảo vệ mắt:


Để bảo vệ mắt cho trẻ, Bs.ThS Đinh Thị Kim Ánh. Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương đã đưa ra các lời khuyên sau đây:

- Cầm vật để nhìn gần cách mắt ít nhất 30cm, và cố gắng ngồi đọc hơn nằm đọc.

- Xem ti vi ở khoảng cách ít nhất 2m.

- Màn hình máy tính cách mắt ít nhất 50cm.

- Ánh sáng phòng cần được đảm bảo đủ để đọc, dùng máy tính hoặc xem ti vi tuy nhiên không được gây chói.

- Khuyến khích trẻ nên nghỉ ngơi mắt sau khi đọc sách hoặc xem ti vi sau mỗi 30-40 phút; nhìn xa ra ngoài cửa sổ và tập những bài thư giãn mắt.

- Khuyến khích trẻ nên dành thêm nhiều thời gian cho hoạt động ngoài trời.


Theo VnMedia