Nữ sinh tình nguyện: “Con sẽ về bên bố mẹ vào ngày Sài Gòn trở lại bình yên”

06/09/2021 06:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Ngày em thông báo sẽ vào miền Nam chống dịch, bố động viên, âm thầm gửi tiền và căn dặn con gái chuẩn bị tư trang đầy đủ trước khi lên đường”, Phương tâm sự.

“Đi như vậy ở nhà ba má có lo lắng không em?” - đó là câu hỏi mà Nguyễn Thị Phương (quê Nghệ An) - sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam được nghe nhiều nhất khi làm nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khi vào miền Nam chống dịch, mẹ Phương ở nhà đếm thời gian từng ngày. Biết mẹ thương và lo lắng, Phương thường gửi về những tấm hình nhí nhảnh, vui tươi của mình khi cùng đồng đội làm việc tại tâm dịch, rồi hứa với mẹ sẽ bình an trở về.

Nguyễn Thị Phương thường gửi tới bố mẹ những tấm hình vui tươi, lạc quan trong những ngày chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Phương thường gửi tới bố mẹ những tấm hình vui tươi, lạc quan trong những ngày chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Trong thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp, nữ sinh trường y đã đăng ký tình nguyện, xung phong lên đường vào Nam. Hoàn thành xong kỳ thi, ngày 23/7, Phương cùng thầy cô, bạn bè xuất quân vào Thành phố Hồ Chí Minh.

“Em đăng ký tình nguyện không chút đắn đo suy nghĩ nào. Điều khó khăn nhất với em là phải thông báo với bố mẹ như thế nào về quyết định của mình.

Ban đầu, mẹ muốn em suy nghĩ lại. Mẹ biết em không giỏi chịu nắng nóng nên lo lắng nhiều. Nhưng dần dần, mẹ cũng hiểu và đồng ý với quyết định của em.

May mắn là em cũng được bố rất ủng hộ, bố bảo con cứ đi đi, ở nhà bố sẽ động viên mẹ. Bố còn âm thầm gửi tiền và căn dặn em chuẩn bị đồ đạc, tư trang đầy đủ trước ngày lên đường. Em như được tiếp thêm sức mạnh, vững vàng và quyết tâm hơn”, Phương tâm sự.

Hiện tại, Phương đang làm nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân và tham gia vào đội phản ứng nhanh tại địa bàn huyện Hóc Môn.

Công việc đa dạng do mỗi ngày nhóm sẽ tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, ở những khu vực khác nhau, Phương và đồng đội phải luôn chủ động, linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống.

Phương (bên trái) cùng giảng viên Trương Bảo Vy - Trường Cao đẳng Viễn Đông giúp sản phụ vượt cạn thành công khi đẻ rớt tại nhà (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC)

Phương (bên trái) cùng giảng viên Trương Bảo Vy - Trường Cao đẳng Viễn Đông giúp sản phụ vượt cạn thành công khi đẻ rớt tại nhà (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC)

Đây là khoảng thời gian khó khăn, vất vả nhưng cũng không ít những trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời nữ sinh trường y.

“Vào miền Nam được 2 tuần, trong một ngày trời mưa, đang giờ nghỉ trưa, một người đàn ông hớt hải chạy đến trạm y tế nhờ giúp vợ anh đang sinh con ở nhà.

Lúc đó, em đang nghe điện thoại của dì, dì bảo bố bị ngã nhưng gia đình không nói vì sợ em lo lắng. Em muốn gọi về nhà ngay nhưng nhiệm vụ cấp bách, em gạt dòng nước mắt để cùng đồng đội lên đường đến nhà người cần giúp đỡ.

Khi tới nơi, đón được em bé chào đời, hai mẹ con đã vượt cạn thành công. Từng được đi học môn sản, từng chứng kiến rất nhiều bà mẹ vượt cạn, mỗi lần là một cảm xúc khác nhau nhưng chưa một lần nào em cảm thấy xúc động như hôm ấy. Bởi lẽ, em được chứng kiến một thiên thần nhỏ chào đời trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

Hoàn thành công việc, em chạy nhanh về phòng gọi điện cho bố rồi òa khóc. Bố vẫn còn đau nhưng miệng luôn nở nụ cười, còn chọc ghẹo cho con gái vui. Em lại kể cho bố nghe về nhiệm vụ mình vừa thực hiện”, Phương nhớ lại.

Làm việc nhiều ngày trong điều kiện thời tiết thất thường, khối lượng công nhiều nhưng Phương vẫn luôn vui vẻ, lạc quan vì được làm việc, được cống hiến sức mình phụng sự tổ quốc.

Xúc động câu chuyện tình mẫu tử nơi vùng dịch

Trực tiếp xông pha vào tâm dịch, chứng kiến và trải qua nhiều chuyện, Nguyễn Thị Phương được sống trong muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đó là tình thương yêu, tinh thần đoàn kết giữa đồng đội, tình cảm thân thương của người dân Sài Gòn,... Và đặc biệt là câu chuyện tình mẫu tử trong hoàn cảnh dịch bệnh càng khiến em không thể nào quên.

Nữ sinh trường Y luôn giữ tinh thần lạc quan và quyết tâm trong mọi nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh trường Y luôn giữ tinh thần lạc quan và quyết tâm trong mọi nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC)

Khi tham gia vào đội phản ứng nhanh, có một bệnh nhân trở nặng cần được chuyển lên khu điều trị. Lúc đội đến nhà đưa bệnh nhân đi thì người con trai xin được đi theo cùng mẹ.

“Em cho anh đi cùng mẹ được không? Vào trong đó anh chăm mẹ, mẹ cần có anh chăm sóc - Câu nói đó khiến cổ họng em nghẹn đắng lại, rất thấu hiểu và thương anh ấy nhưng công tác phòng chống dịch phải đảm bảo quy tắc an toàn. Bệnh nhân nặng sẽ được các bác sĩ chăm sóc tại bệnh viện và người nhà không nhiễm bệnh thì không thể vào.

Chúng em chỉ biết an ủi, động viên anh, trước lúc đưa người mẹ đi điều trị, anh vẫn nói với: Con lưu số con trong máy rồi, vô trong mẹ nhớ nhờ người ta gọi cho con nhé mẹ.

Chứng kiến câu chuyện đó khiến ai cũng xúc động không ngăn được dòng nước mắt. Nhưng trước khó khăn, thử thách của dịch bệnh, bất cứ ai cũng buộc phải kiên cường, mạnh mẽ vượt qua”, Phương kể lại.

Hơn một tháng vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, Phương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng công việc đặc biệt nhất với em là hướng dẫn người dân xét nghiệm tại nhà.

Nhóm của Phương phải đi từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người cách tự lấy mẫu, tự đọc kết quả của chính mình.

Phương hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà. (Ảnh: NVCC)

Phương hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà. (Ảnh: NVCC)

Thực tế, đi hướng dẫn mọi người lấy mẫu còn khó khăn và vất vả hơn trực tiếp lấy mẫu cho người dân, song để hạn chế lây nhiễm chéo nên toàn đội vừa phải nỗ lực cố gắng, vừa động viên người dân phối hợp cùng làm.

Phương cho biết: “Thông thường nếu buổi tối trực ca thì ngày hôm sau chúng em được nghỉ. Nhưng từ đợt đi hướng dẫn, chúng em không nỡ nghỉ buổi nào, tranh thủ làm hoàn thành nhiệm vụ. Có ngày 2 người đi đến 200 hộ dân, công việc vất vả nhưng em vẫn thấy vui.

Người dân đã rất dũng cảm, việc tự lấy mẫu cho chính mình là điều không dễ dàng nhưng họ đã làm được. Trong quá trình làm việc, do mặc đồ bảo hộ kín mít, em phải nói rất to, nhưng lại sợ người dân hiểu nhầm mình quát họ nên vẫn phải giải thích trước để hai bên cùng phối hợp và làm việc tốt hơn”.

Xông pha và tích cực trong mọi nhiệm vụ nhưng Phương luôn khiêm tốn khi nói về bản thân mình. Với em, những việc đã làm chỉ góp một phần công sức nhỏ bé cho cuộc chiến chống dịch, không thể so sánh với những nhân viên y tế ở Sài Gòn, họ đã làm việc liên tục trong nhiều tháng qua, kiên cường, bản lĩnh trước mọi thử thách.

“Ở đây chúng em được nhà trường, chính quyền địa phương quan tâm lắm! Hơn một tháng đến với thành phố mang tên Bác, em đã thấy gắn bó và gửi gắm rất nhiều tình yêu thương.

Chỉ mong ước dịch bệnh sớm qua đi cho cuộc sống bình yên trở lại. Sài Gòn đã lưu giữ một phần tuổi trẻ tươi đẹp của em, được cống hiến, được giúp đỡ đồng bào mình!”, Phương tâm sự.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Phạm Minh