Thức khuya ôn thi đạt hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ

03/08/2020 06:15
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thức khuya học tập không có nhiều hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ.

Đây là thời điểm “nước rút” của các sĩ tử lớp 12 chuẩn bị bước vào các kỳ thi lớn nhỏ, trong đó quan trọng nhất là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dự kiến diễn ra vào hai ngày 9,10/8/2020.

Nhiều thí sinh cố gắng dồn mọi thời gian ôn thi cả ngày cả đêm, học cố, học thêm để mong muốn thu nạp nhiều kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi.

Trên nhiều trang mạng điện tử và thông qua các bí kíp truyền tai, học sinh dễ dàng để được cung cấp “mẹo” giúp tỉnh táo để học tập về đêm, nhưng có thực sự hiệu quả?

Thức khuya học bài gây ảnh hưởng xây cho hệ thần kinh, não bộ không thu nạp được nhiều kiến thức. (Ảnh N.Q)

Thức khuya học bài gây ảnh hưởng xây cho hệ thần kinh, não bộ không thu nạp được nhiều kiến thức. (Ảnh N.Q)

Tác hại khi thức khuya

Theo nghiên cứu của các chuyên gia về tâm thần cho biết, thức khuya (quá 23h) ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh lý về sức khỏe điển hình như:

Gây đau đầu, suy giảm trí nhớ: Theo thống kê, người có thói quen thức khuya thường xuyên sẽ giảm trí nhớ gấp 5 lần so với người ngủ đúng, đủ giờ.

Ban đêm là “thời điểm vàng” để bộ não của con người được nghỉ ngơi và ghi nhớ lại mọi việc đã xảy ra trong ngày.

Vì vậy, thức khuya đồng nghĩa với việc bộ não cần hoạt động nhiều hơn và thời gian ghi nhớ, nghỉ ngơi sẽ giảm đi.

Thêm vào đó, do không có thời gian cho bộ não nghỉ ngơi nên dẫn đến việc đau đầu ngày hôm sau.

Nếu việc thức khuya diễn ra tần suất thường xuyên, liên tục sẽ gây ra bệnh đau đầu mãn tính.

Suy giảm hệ miễn dịch: Thức khuya cũng là một trong tác nhân làm cho cơ thể mệt mỏi do các bộ phận không được nghỉ ngơi về đêm.

Cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn. Điều này lý giải vì sao người thức khuya thường hay bị cảm cúm, viêm đường hô hấp… hơn so với người có cơ thể nghỉ ngơi đúng, đủ giờ giấc.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Ban đêm là thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn của hệ tiêu hóa. Các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ.

Do đó, việc thức đêm làm cho các cơ quan tiêu hóa không được nghỉ, trái lại, hoạt động về đêm làm cho dạ dày tiết ra nhiều dịch gây nên bệnh viêm loét dạ dày, đại tràng…

Giảm thị lực: Một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt là thức khuya. Mắt không có thời gian nghỉ ngơi nên thường gây ra các bệnh như: mỏi mắt, nhược thị…

Thêm vào đó, tần suất làm việc nhiều và làm việc cùng các thiết bị điện tử như máy tính, điện tử hoặc ánh sáng không đủ cũng là một trong những nguyên nhân gây các bệnh về mắt ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, thức khuya còn là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý ảnh hưởng tới thẩm mỹ như: thâm quầng mắt, bọng mắt, sạm da, lão hóa sớm, mụn trứng cá… do ảnh hưởng trực tiếp đến nội tiết tố trong cơ thể con người.

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện Trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thức khuya học bài vô cùng ảnh hưởng, làm thay đổi quá trình sinh lý của con người.

Việc thức khuya ôn bài làm mọi người hiểu nhầm rằng sẽ thu nạp rất nhiều kiến thức nhưng hoàn toàn không phải.

Hoạt động không ngừng nghỉ, không phân biệt ngày đêm khiến bộ não chỉ ghi nhận lúc làm việc nhưng không có chức năng ghi nhớ. Chính vì thế chúng ta nhầm tưởng học được nhiều nhưng thực chất không ghi nhớ được kiến thức nếu học tập đêm khuya”.

Điều này cho thấy, việc thức khuya để học bài hoàn toàn không hiệu quả trong việc ôn tập kiến thức.

“Hậu quả của việc thức đêm không diễn ra ngày một, ngày hai mà tích tụ dần thành thói quen và gây ra rất nhiều bệnh lý về lâu dài.

Trước kỳ thi, hầu hết học sinh đều rơi vào trạng thái căng thẳng, cộng thêm việc thiếu ngủ, tinh thần, cơ thể mệt mỏi quá độ sẽ dễ dẫn tới các bệnh lý đáng tiếc sau này, nhất là trầm cảm”,Tiến sĩ Dũng khẳng định.

Thời điểm học tập tốt nhất cho học sinh

Đề cập tới thời gian ôn thi gấp rút của các thí sinh, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Có hai việc cần làm cùng một lúc trong thời gian ôn thi mà học sinh, phụ huynh chú ý thực hiện để tạo được thời điểm học tập tốt nhất là hoạt động đúng đồng hồ sinh học của con người và ăn uống đủ chất để tăng cường sức khỏe.

Tuyệt đối không nên thức khuya học bài vì nó chính là nguyên nhân ảnh hưởng nhất đến hệ thần kinh, trực tiếp đầu tiên là bộ não.

Hoạt động đúng đồng hồ sinh học tức là ngủ trước 12h đêm, mỗi ngày ngủ đủ 7-8 tiếng để giúp tinh thần sáng khoái vào sáng hôm sau.

Không gian ngủ cần yên tĩnh, tắt các thiết bị điện tử và không để xung quanh giường ngủ. Không nên quá tập trung căng thẳng vào ôn thi gây áp lực. Thêm vào đó không được lạm dụng các thức uống giúp tỉnh táo như cà phê, trà…

Ăn uống đủ chất bao gồm: đủ bữa và đủ chất. Tuyệt đối không được bỏ bữa sáng. Bữa sáng được xem là bữa quan trọng, nạp năng lượng hoạt động khởi đầu một ngày.

Ăn đủ các chất như đạm, protein, vitamin, chất béo… Tránh ăn các thức ăn không tốt, không đảm bảo vệ sinh, gây bệnh, ảnh hưởng quá trình ôn thi”.

"Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì học sinh sẽ không có thời điểm ôn thi tốt nhất. Do đó, phụ huynh và học sinh phải cùng kết hợp đảm bảo thời gian và sức khỏe để đạt kết quả như mong muốn cho kỳ thi”, Tiến sĩ Dũng nhấn mạnh.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông toàn quốc sắp diễn ra, để đảm bảo được kỳ thi diễn ra thuận lợi sau 12 năm đèn sách, ngoài việc tập trung thời gian ôn thi, học sinh nên thoải mái về mặt tinh thần, quan tâm thêm về dinh dưỡng để có sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào cuộc thi.

Cao Kim Anh