Tỷ lệ tâm thần do rượu bia đang có xu hướng tăng

01/02/2018 06:00
Lại Cường
(GDVN) - Theo cứu của Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân và vẫn đang có xu hướng tăng.

Ngày 31/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018.  

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục trưởng cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết năm 2017, cả nước ghi nhận 10 vụ, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết.

Trước đó, con số này có xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến năm 2016. Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm do rượu nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội thảo (Ảnh: Lại Cường).
Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội thảo (Ảnh: Lại Cường).

Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay ngộ độc do rượu có hàm lượng methanol cao là 9/28 vụ, chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3%... Rượu có hàm lượng methanol cao gây ra 7 vụ ngộ độc, làm 106 người mắc, 23 người chết.

Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2-4 hàng năm đều tăng vọt 40-50% so với các tháng còn lại.

Nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả tràn lan…

Tỷ lệ tâm thần do rượu bia đang có xu hướng tăng ảnh 2Không để "trên nóng, dưới lạnh" trong đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết 2018

Trong khi đó, ý thức của người tiêu dùng còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này cũng còn khó khăn. Trong đó, rượu trắng pha cồn công nghiệp (rượu sản xuất công nghiệp) là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tử vong do ngộ độc rượu (chiếm 32,1%); tiếp đến là rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu…”,

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, 40 bệnh nhân tại 12 quận/huyện ngộ độc methanol. Hiện tại, 28 bệnh nhân ổn định, 12 bệnh nhân nặng xin ra viện tử vong tại nhà.

Đa số bệnh nhân uống rượu ở các địa chỉ khác nhau không rõ nguồn gốc, nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết theo thống kê, đến năm 2025, sản lượng rượu của cả nước sẽ đạt khoảng 440.000 lít với hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu.

Nạn nhân vụ ngộ độc rượu có chứa cồn methanol tại Phong Thổ, Lai Châu (Ảnh: Lại Cường).
Nạn nhân vụ ngộ độc rượu có chứa cồn methanol tại Phong Thổ, Lai Châu (Ảnh: Lại Cường).

Việc lạm dụng rượu, bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, bất lợi về an ninh trật tự.

Rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau như gan, dạ dày, tim mạch...

Theo cứu của Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân và vẫn đang có xu hướng tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay tỷ lệ ngộ độc rượu khoảng 1-2%/năm, nhưng tỷ lệ chết chiếm khoảng 7%/năm. Do đó, rượu bia là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới.

Để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uống rượu vừa phải; không vì ham rẻ mà mua các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ở các cơ sở không đảm bảo an toàn.

Lại Cường