Vì sao tỷ lệ người dân hài lòng với ngành y ngày càng tăng cao?

16/10/2020 15:19
Phúc Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, ngành y tế đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Lắng nghe người dân, tích cực đổi mới

Trao đổi về nhiệm vụ công tác của ngành y tế vào tháng 2/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: Lắng nghe người dân thì Ngành Y tế sẽ thấy rất nhiều điều tưởng rằng đúng nhưng chưa hẳn đúng; tưởng rằng đã đủ kỹ lưỡng, đã hết lòng vì sức khoẻ Nhân dân nhưng vẫn phát hiện ra những thứ có thể làm tốt hơn.

Ví dụ được Phó Thủ tướng nêu ra là việc Bệnh viện K Trung ương đã rút ngắn thời gian nhập viện điều trị của người bệnh từ 9-10 ngày xuống dưới 7 ngày chỉ nhờ rà soát lại các bước quy trình tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục. Hay hiện nay thủ tục xuất viện tại các bệnh viện trung bình khoảng 3 tiếng, trường hợp nhanh nhất là 47 phút, trong khi bằng các giải pháp đồng bộ thì các bệnh viện có thể rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục xuất viện, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho người bệnh, rút ngắn.

Trong tất cả các dịch vụ thì đích cuối cùng vẫn phải là sự hài lòng của con người. Đánh giá của UNDP qua chỉ số PAPI độc lập thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh và Tổ chức sáng kiến Việt Nam lấy ý kiến từ hàng nghìn người người dân ra viện cho thấy tỷ lệ, phỏng vấn người nhà sau 2 tuần thì tỷ lệ hài lòng với bệnh nhân nội trú lên tới hơn 80%.

Những năm gần đây, ngành y đã có nhiều đổi mới về khoa học kỹ thuật, đồng thời y đức cũng được nâng cao. ảnh: XM.

Những năm gần đây, ngành y đã có nhiều đổi mới về khoa học kỹ thuật, đồng thời y đức cũng được nâng cao. ảnh: XM.

Để đạt được kết quả ấy, toàn ngành y tế đã nỗ lực trong một thời gian rất dài, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, có thể kể đến:

Thứ nhất là giảm tải có kết quả giảm tải khá rõ, đặc biệt tuyến tỉnh và tuyến trung ương thì có 37/39 bệnh viện có giảm tải là không còn nằm ghép trong 24h.

Thứ hai là ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong khám chữa bệnh để người dân được thụ hưởng mà kỹ thuật đó ngang tầm quốc tế và đồng thời chuyển giao những kỹ thuật này cho tuyến tỉnh như tim hở, can thiệp tim mạch, nội soi xuống tuyến tỉnh và nhiều tuyến tỉnh kể cả vùng miền núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có thể làm các kỹ thuật cao, thậm chí cả thụ tinh nhân tạo, mổ tim hở và có bệnh viện tỉnh đã ghép tạng.

Thứ ba là ban hành tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm, phân hạng bệnh viện và công khai, minh bạch trên cơ quan truyền thông, đã làm được gần hết toàn bộ bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh về vấn đề này.

Xây dựng nhiều bệnh viện mới, đặc biệt tuyến tỉnh, tuyến huyện, và tuyến trung ương thì xây mới, nâng cấp sửa chữa nhiều tạo nên bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh, sạch, đẹp. Đề án xanh, sạch, đẹp, đổi mới toàn diện thái độ, phong cách... hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được triển khai quyết liệt trong toàn ngành.

Các bệnh viện rộng rãi, khang trang, ứng dụng công nghệ thông tin, có nơi chờ, có lấy số, có quạt, có người hướng dẫn, có bộ phận tiếp dân, có đường dây nóng để phản ánh. Cơ sở vật chất liên tục được bổ sung, xây dựng mới hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Ngành y tế đã thực hiện lập và duy trì đường dây nóng, nếu có phản ánh tiêu cực sẽ tiến hành kiểm tra song song đó còn có nhiều chương trình kiểm tra, thanh tra trong toàn ngành, trong đó đã xử lý kỷ luật nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng mắc sai sót trong quá trình làm việc với những mức độ khác nhau.

Ngành y tế cũng đặc biệt yêu cầu phải đổi mới hoàn toàn thái độ phục vụ người bệnh, không được phép nhũng nhiễu, gây phiền hà, vòi vĩnh, tiêu cực… tất cả những vấn đề này đều được thực hiện nghiêm minh và giao trách nhiệm tới lãnh đạo của từng bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế các địa phương.

Trong những năm vừa qua, khi Bộ Y tế phát động phong trào thi đua trong ngày là “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp”, nhiều bệnh viện trong cả nước đã có sự thay đổi mà có người ví như sự “lột xác”, trong đó có nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn đã thực hiện rất tốt.

Các bệnh viện không chỉ tập trung cho việc mua sắm trang thiết bị hiện đại, phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân mà còn thể hiện sự chu đáo, ân cần trong khâu đón tiếp, phục vụ và chăm sóc bệnh nhân, trong đó có việc giảm bớt nhiều khâu thủ tục hành chính rườm rà, hướng trọng tâm đến quá trình hiệu quả trong khám và điều trị, luôn cầu thị và tôn trọng, lắng nghe mong muốn của người bệnh.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng lên tiếng yêu cầu chấn chỉnh ngay biểu hiện chạy theo doanh thu, coi bệnh nhân là khách hàng đang xuất hiện manh nha và lớn dần trong một số bệnh viện: “Đại đa số những thầy thuốc của chúng ta đều hết lòng vì người bệnh nhưng những cá nhân cá biệt nếu không nghiêm khắc từ đầu thì biểu hiện này sẽ lan rộng, gây hệ luỵ và ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc nhân dân. Chúng ta làm tốt điều ấy là tri ân tốt nhất đối với các thế hệ thầy thuốc chân chính”.

Điểm đáng chú ý và cũng là mối quan tâm của toàn dân đó là chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tiến triển rất nhanh, thực hiện thành công nhiều ca cấp cứu khó. Cùng với việc đổi mới về cách thức phục vụ và thủ tục hành chính thuận tiện của ngành y nên đã thu hút được thêm hàng triệu người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện, đẩy tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm vừa qua vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao.

Các bác sĩ là những người lính trên tuyến đầu chống dịch.

Các bác sĩ là những người lính trên tuyến đầu chống dịch.

Khống chế dịch Covid-19, ngăn chặn hiệu quả bệnh truyền nhiễm

Bên cạnh đó còn có các chính sách tăng cường xã hội hóa và kết hợp công - tư, khuyến khích bệnh viện tư nhân tạo điều kiện đó để nhiều hình thức lựa chọn cho người dân và cũng rút bớt quá tải.

Ngành y tế cũng quyết liệt làm là đề án thí điểm, đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá và sau khi tốt nghiệp thì đào tạo luôn chuyên khoa I mất 2 năm, thời gian khá dài và xung phong lên các bệnh viện ở vùng 62 huyện nghèo, đối với nam thì công tác tại đó 3 năm, nữ 2 năm thì kết quả này được các huyện miền núi rất hoan nghênh và đã giải quyết rất nhiều khó khăn tại các vùng 62 huyện nghèo.

Thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội về tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã tham mưu và Chính phủ đã ra Nghị quyết, quyết định 2348 để tăng cường y tế cơ sở thì đã gần như nối mạng 100% các cơ sở khám chữa bệnh đối với bảo hiểm xã hội.

Đối với trạm y tế xã thì bắt đầu quản lý hồ sơ sức khỏe và thực hiện xây dựng mô hình bác sỹ gia đình, trước mắt là xây dựng 26 trạm y tế xã điểm kèm theo đó là xây dựng các ODA đã được Chính phủ ủng hộ để có thể tăng cường y tế cơ sở, đặc biệt ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều tiêu chí, chất lượng bệnh viện đã được ban hành ngang tầm quốc tế như là hơn 7.000 hướng dẫn quy trình chuyên môn đã được ban hành.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, ngành y cũng xác định một số tồn tại và tiếp tục nỗ lực vượt qua, trong đó phải kể tới vấn đề quá tải tại các bệnh viện Trung ương tuyến cuối ở khoa khám bệnh. Nguyên nhân ở đây là người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến dưới. Điển hình như có thời điểm dịch tay, chân, miệng xảy ra dù ở mức độ nhẹ nhưng nhiều người dân vì quá lo lắng và chưa thật hiểu biết nên vẫn đăng ký nằm viện gây quá tải, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ lấy nhiễm chéo bệnh khác.

Bên cạnh đó là vấn đề nhân lực của ngành y cũng cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa, để nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện ngay tại các thành phố và đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh, vừa giảm tải cho tuyến trung ương.

Năm 2020 rất đặc biệt khi xảy ra dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới và gây ảnh hưởng tới Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, ngành y tế đã triển khai nhanh chóng các phương án sâu rộng toàn diện phối hợp với các ngành khác ngăn chặn triệt để, khoanh vùng các ổ dịch và dập tắt nhanh chóng, mang lại sự sống bình yên cho nhân dân.

Bên cạnh việc khống chế dịch Covid-19, ngành y cũng đã phải đối diện với nhiều dịch truyền nhiễm khác như bạch hầu, sốt xuất huyết, chân tay miệng… tuy nhiên, ngành đều có các kế hoạch ngăn chặn và xử lý dứt điểm, không để lây lan rộng.

Ngành y tế cũng đã hoàn thành chỉ tiêu các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số 2016-2020. Hoạt động truyền thông y tế được thực hiện tốt sẽ giúp các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về y tế đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn; người dân nhận biết được các yếu tố nguy cơ bệnh tật, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu: “Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời”.

Phúc Linh