Suy ngẫm về câu chuyện "chạy việc" của một giáo viên *

30/12/2020 06:54
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày phân công nhiệm sở, điều ngạc nhiên mà trước đây tôi chưa thấy là Sở Giáo dục phân công rất công bằng, minh bạch theo thứ tự ưu tiên, điểm số của từng người.

Trước đây, giáo viên ra trường được phân công công tác nhưng khoảng từ năm 2005 thì việc tuyển dụng giáo viên ở các tỉnh phía Bắc đã rất khó khăn và bắt đầu xảy ra tình trạng một số trường hợp phải “chạy việc”.

Một số tỉnh lúc bấy giờ “đóng băng” việc tuyển dụng giáo viên, khi có một vài chỉ tiêu thì thường chỉ có những người trong nội bộ biết nên những giáo sinh ra trường rất khó tiếp cận các thông tin này.

Vì thế, nhiều giáo sinh ra trường thường phải xin đi dạy hợp đồng để chờ cơ hội khi có chỉ tiêu để xin vào hợp đồng không thời hạn.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh phía Nam thì phải đến những năm 2010 mới thực sự khó khăn và bắt đầu thi tuyển, còn trước đó gần như chỉ xét tuyển khi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Điều đặc biệt là những tiêu cực trong tuyển dụng thường rất ít xảy ra.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa: Ảnh Lã Tiến

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa: Ảnh Lã Tiến

Từ bỏ ước mơ ở lại quê hương vì không tìm được cơ hội việc làm

Năm 2005 tôi ra trường và có ý định trở về quê nhà công tác để gần gia đình nhưng rồi ước mơ đó đã không trọn vẹn và để lỡ mất nhiều năm tuổi trẻ của mình một cách lãng phí.

Bởi, sau khi ra trường thì lúc bấy giờ địa phương tôi đang triển khai mô hình trường Trung học phổ thông bán công mà thầy hiệu trưởng cũ thời cấp III của tôi giờ lại là hiệu trưởng một trường bán công ở tỉnh Thanh Hóa.

Thế là tôi lên nhà thầy hiệu trưởng cũ đặt vấn đề xin dạy hợp đồng thì thầy hiệu trưởng cũ nói rằng trước mắt chưa có chỉ tiêu nên em tạm dạy hợp đồng một thời gian rồi khi nào có chỉ tiêu thầy sẽ lo cho em vào chính thức.

Dù là thầy trò cũ của nhau nhưng thầy hiệu trưởng ra giá sẽ lấy 5 triệu đồng, khi nào lo được vào được hợp đồng không thời hạn thì sẽ lấy thêm 10 triệu đồng nữa.

Nghĩ số tiền cũng lớn (lương cơ bản lúc ấy là 540 nghìn đồng) nhưng được về công tác tại quê hương thì tôi cũng vui vẻ chấp nhận vì ở quê tôi lúc bấy giờ sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp nhiều vô kể.

Để được nhận vào dạy hợp đồng với nhà trường thì tôi có một tiết dạy thử và tất cả các thành viên trong tổ chuyên môn dự giờ để đánh giá, góp ý. Trước khi dự giờ thì tôi được thầy hiệu trưởng gọi vào nói nhỏ là "em bỏ ít tiền vào mấy cái phong bì để tí nữa bồi dưỡng anh em trong tổ sau khi dự giờ".

Xong thủ tục thì tôi được nhận dạy hợp đồng tại trường bán công của thầy hiệu trưởng cũ và tính lương theo tiết dạy. Mỗi tuần được xếp 4 tiết dạy Văn và 2 tiết Giáo dục công dân, mỗi tiết dạy lúc đó được trả 10.000 đồng (mười ngàn đồng).

Như vậy, mỗi tháng nếu không có ngày lễ thì tôi được trả 240 nghìn tiền lương.

Số tiền này dù lúc đó có giá trị hơn bây giờ nhưng cũng chỉ đủ để tôi đổ xăng và tiền thỉnh thoảng cà phê cùng đồng nghiệp. Mỗi khi được mời đám cưới, thôi nôi, tân gia… của đồng nghiệp đều phải xin tiền gia đình.

Điều trớ trêu là thầy hiệu trưởng cũ của tôi lúc đó không chỉ nhận tiền của tôi mà còn nhận tiền của nhiều giáo viên hợp đồng khác và cuối cùng thì chỉ tiêu mà thầy hiệu trưởng cũ đã hứa với tôi lại dành cho người khác vì người này là người có “quen biết lớn”.

Thất vọng, nhìn vào tương lai không có nên tôi quyết tâm vào miền Nam tìm cơ hội việc làm ở một tỉnh miền Tây của đất nước.

Những bất ngờ xảy ra ở miền đất mới

Thông qua sự giúp sức của người bạn để nhập hộ khẩu và tham khảo thông tin tuyển dụng trên website của một Sở Giáo dục ở miền Tây, tôi đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở theo quy định và được hẹn theo dõi ngày phân công nhận nhiệm sở trên website.

Ngày phân công nhiệm sở, điều ngạc nhiên mà trước đây tôi chưa thấy là Sở Giáo dục phân công rất công bằng, minh bạch theo thứ tự ưu tiên, điểm số của từng người.

Tất cả các giáo sinh đến hội trường Sở, Sở công bố chỉ tiêu từng trường (khối trung học phổ thông) và từng Phòng (khối trung học cơ sở) và nêu rõ các bước lựa chọn đơn vị công tác.

Những người có điểm cao hơn được chọn trường trước, những người điểm thấp hơn thì chọn sau. Mỗi giáo sinh được nhận một quyết định tuyển dụng và một giấy giới thiệu về đơn vị công tác.

Chính vì ngay từ khi tuyển dụng Sở đã rà soát kỹ lưỡng văn bằng, chứng chỉ, khi về trường thì nộp hồ sơ cho đơn vị và ký hợp đồng với hiệu trưởng cẩn thận nên từ hơn chục năm trời công tác ở đây tôi chưa phải bổ sung thêm một thứ văn bằng, chứng chỉ nào.

Chính vì sự tuyển dụng minh bạch, rõ ràng, công khai nên tiêu cực không xảy ra và mọi văn bằng chứng chỉ đều phải thực hiện đầy đủ ngay từ đầu nên chúng tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng.

Khi Bộ Nội vụ có văn bản số 2965/HD-BNV Hướng dẫn về việc xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển sụng cán bộ, công chức, viên chức thì chúng tôi cũng được yêu cầu photo văn bằng, chứng chỉ, quyết định tuyển dụng, quyết định công nhận ngạch…và gần như không có sự sai sót trong khâu tuyển dụng về văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Có lẽ vì thế mà những năm qua dù nhiều địa phương xảy ra tình trạng thanh lý hợp đồng giáo viên, mới đây qua báo chí thì chúng ta thấy có những địa phương có kế hoạch tổ chức thi tuyển cho hàng trăm công chức, viên chức vì tuyển dụng sai nhưng cũng nhiều địa phương lại không có tình trạng này.

Vì thế, điều may mắn nhất của những công chức, viên chức, nhất là đội ngũ nhà giáo là không phải đi đường tắt, được tuyển dụng công khai, minh bạch, có đầy đủ các quyết định thì quả là hạnh phúc và yên tâm cho công việc của mình.

Chỉ tiếc, trong những năm qua, chúng ta vẫn thấy tình trạng gửi gắm, chạy chọt dẫn đến thiếu quyết định này, quyết định kia, thiếu văn bằng, chứng chỉ vì nhiều khi họ du di cho nhau, đến khi bị kiểm tra thì thiếu...

Lúc ấy, mọi thiệt thòi đương nhiên là thuộc về những công chức, viên chức đã được tuyển dụng sai quy định!

(*) Văn phong, nội dung câu chuyển thể hiện góc nhìn của tác giả, tiêu đề do Tòa soạn đặt lại.

NGUYỄN CAO