Tranh chấp chủ quyền Biển Đông đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang diễn biến hết sức mau lẹ. Trước sự gia tăng các hoạt động hiện diện bất hợp pháp và gây căng thẳng trên Biển Đông của phía Trung Quốc (TQ), Philippines đã đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ những tuyên bố yêu sách chủ quyền của họ và nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của TQ ở Biển Đông. Là một quốc gia có chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Trường Sa hiện đang là tâm điểm tranh chấp, phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến mau lẹ và khó lường này đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận trong nước cũng như khu vực và quốc tế. Xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Luật Biển đã chia sẻ một số nhận định của ông với báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục. |
- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, vừa qua tình hình tranh chấp Biển Đông đang có những diễn biến hết sức mau lẹ và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn khi TQ liên tục có những động thái leo thang và nhằm vào Philippines cả trên mặt trận ngoại giao -truyền thông lẫn trên thực địa. Manila cũng đang nỗ lực hết sức và tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn sự bành trướng của TQ ở Biển Đông. Dưới góc độ pháp lý, ông đánh giá như thế nào về những phản ứng của Philippines thời gian vừa qua? - Tiến sĩ Trần Công Trục: Qua sự kiện Đá Vành Khăn năm 1995, Scarborough năm ngoái và Bãi Cỏ Mây năm nay, Philippines đã có quá nhiều bài học xương máu đương đầu và đối phó với tham vọng bành trướng lãnh thổ của TQ ở Biển Đông. Quan sát sự kiện Scarborough năm ngoái có thể thấy, lúc đầu Philippines rất cương quyết bảo vệ Scarborough trong cuộc khủng hoảng từ cuối tháng 4/2012, nhưng sau TQ gây sức ép trên mọi mặt trận, đồng thời dàn xếp với Philippines để cả 2 cùng rút tàu khỏi bãi cạn này để giảm bớt căng thẳng. Manila đã không ngờ được rằng khi mình vừa rút tàu rời khỏi đây, TQ lập tức điều tàu quay lại và chiếm đóng, rào luôn đường vào đầm phá bãi cạn Scarborough từ đó đến nay ngăn không cho bất cứ tàu thuyền nào của Philippines quay lại vùng biển truyền thống của họ. Đó là bài học xương máu, nếu như không tính toán các phương án cụ thể Philippines và thậm chí là các bên liên quan khác ở Trường Sa sẽ dễ rơi vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan, tình thế hiểm nghèo như vụ Scarborough, đặc biệt tại những bãi cạn, rặng san hô hiểm trở ở quần đảo Trường Sa các bên tranh chấp chưa phái quân chốt giữ. Trong tiến trình xử lý vấn đề tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là với TQ, phía Philippines đã tính toán rất kỹ sau khi vụ Scarborough đẩy họ vào thế bất lợi. Việc đầu tiên Philippines đã làm là khởi kiện TQ áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đối với yêu sách của họ ở Biển Đông theo đúng quy định cũng như trình tự, thủ tục của U NCLOS,trong đó có bãi cạn Scarborough của Philippines và một phần quần đảo Trường Sa mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Ngư dân Philippines bị Trung Quốc ngăn cản và không thể quay trở lại ngư trường truyền thống của mình trong đầm phá bãi cạn Scarborough từ cuối tháng 4 năm ngoái. |
Đồng thời, Philippines nhanh chóng củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao năng lực phòng thủ thông qua kế hoạch mua sắm vũ khí trang bị cho hải quân, không quân thuộc các đơn vị liên quan tới Biển Đông. Tiếp đến, Philippines đang tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh chiến lược, trong đó chủ yếu là Mỹ và Nhật Bản để nỗ lực chặn bước tiến bành trướng của TQ ở Biển Đông. Hiện nay Philippines đang ra sức củng cố Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines đã có một thời bị sao nhãng. Cả hai bên đã có những thỏa thuận để củng cố vững chắc hơn nữa thỏa thuận này. Tất cả những nỗ lực của Philippines đều nhằm chống sự bành trướng của TQ ở Biển Đông mà cụ thể là tại khu vực quần đảo Trường Sa hiện nay. Đối với Việt Nam, ta không chủ trương có bất kỳ hiệp ước hay liên minh quân sự với bên nào nhưng chúng ta không thể không ủng hộ những nỗ lực chính đáng của phía bạn, tức Philippines nhằm ngăn chặn sự bành trướng sức mạnh của TQ và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông - PV: Là quốc gia có chủ quyền hợp pháp và đầy đủ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt trong bối cảnh Trường Sa đang là tâm điểm của tranh chấp đa phương giữa 5 nước 6 bên, do đó trước mỗi động thái diễn biến mới trong khu vực dù là giữa bên nào với bên nào, Việt Nam đều phải đặc biệt quan tâm và đưa ra những phản ứng thích hợp. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về điều này?
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Chúng ta không thể không quan tâm, hoan nghênh và ủng hội những động thái, sự tham gia của các bên cũng như các nước lớn vào Biển Đông có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại đối thoại an ninh Shangri-la 2013. Việc ủng hộ các nỗ lực chính đáng của Philippines, Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông không có nghĩa là Việt Nam tham gia một liên minh quân sự hay hiệp ước quân sự có tính chất dựa vào phe này chống phe kia. Chúng ta chỉ tận dụng tình thế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và tính toán sao cho có lợi nhất đối với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Chính vì vậy ta cần thể hiện thái độ rõ ràng trước những động thái, diễn biến mới trên Biển Đông. Nước nào lợi dụng sức mạnh chính trị cường quyền, bất chấp lợi ích chung của các quốc gia và luật pháp quốc tế ta phải tỏ thái độ dứt khoát và đấu tranh đến cùng, kể cả là TQ, Mỹ hay bất cứ nước nào khác.
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Chúng ta không thể không quan tâm, hoan nghênh và ủng hội những động thái, sự tham gia của các bên cũng như các nước lớn vào Biển Đông có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại đối thoại an ninh Shangri-la 2013. Việc ủng hộ các nỗ lực chính đáng của Philippines, Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông không có nghĩa là Việt Nam tham gia một liên minh quân sự hay hiệp ước quân sự có tính chất dựa vào phe này chống phe kia. Chúng ta chỉ tận dụng tình thế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và tính toán sao cho có lợi nhất đối với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Chính vì vậy ta cần thể hiện thái độ rõ ràng trước những động thái, diễn biến mới trên Biển Đông. Nước nào lợi dụng sức mạnh chính trị cường quyền, bất chấp lợi ích chung của các quốc gia và luật pháp quốc tế ta phải tỏ thái độ dứt khoát và đấu tranh đến cùng, kể cả là TQ, Mỹ hay bất cứ nước nào khác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại đối thoại an ninh Shangri-la 2013 khẳng định, Việt Nam không dựa vào nước này để chống nước kia, đồng thời Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ sự tham dự, nỗ lực của các nước lớn nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông. |
Trong vấn đề chủ quyền, pháp lý, chúng ta cần phân định rạch ròi quan hệ giữa ta với các bên, trong đó tận dụng tối đa các xu thế để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình và có lợi chung cho khu vực, chúng ta sẵn sàng bắt tay với tất cả các bên để làm điều này. Trong thực tế, có thể có những bên có động cơ sai trái, chúng ta sẽ vạch trần và bác bỏ nó. - PV: Trong thực tế vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa vô cùng phức tạp, đan xen giữa các bên nên có những quan điểm khác nhau về phản ứng của ta đặc biệt trước những động thái, diễn biến, sự kiện giữa các bên tranh chấp khác tại Trường Sa mà điển hình là Philippines và TQ. Có một số quan điểm cho rằng trong trường hợp tranh chấp phức tạp và chưa ngã ngũ, ta nên “im lặng” trước những diễn biến giữa các bên như hiện nay đang diễn ra để tránh “tổn hại lợi ích của ta”, về mặt pháp lý Tiến sĩ đánh giá như thế nào về điều này? - Tiến sĩ Trần Công Trục: Theo tôi đó là một cách hiểu hết sức nguy hiểm mà có lẽ xuất phát từ sự thiếu thông tin và nhìn nhận đánh giá vấn đề thiếu căn cứ, cơ sở pháp lý và mang màu sắc cảm tính. Cần nhấn mạnh rằng, trong quan hệ quốc tế ở bình diện pháp lý, nếu vấn đề, sự kiện nào động đến chủ quyền của Việt Nam mà ta đã tuyên bố, dù là giữa các bên tranh chấp khác với nhau nhưng nếu chúng ta im lặng sẽ bất lợi sau này bởi im lặng dễ bị hiểu là “mặc nhiên thừa nhận” nên rất nguy hiểm khi đưa vấn đề ra trước pháp luật, cơ quan tài phán quốc tế cũng như công luận. Không chỉ có vậy, nếu ta im lặng trong các diễn biến, sự kiện liên quan trực tiếp tới khu vực ta tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - Trường Sa, bất lợi thứ 2 là sẽ tạo tiền lệ cho TQ được đằng chân lân đằng đầu. Việc TQ đánh chiếm 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa năm 1988, Đá Vành Khăn năm 1995, Scarborough của Philippines năm ngoái và âm mưu thôn tính Bãi Cỏ Mây năm nay là những bài học đắt giá. Là một bên tranh chấp, những gì Philippines làm có lợi cho cái chung ở Biển Đông chúng ta cần ủng hộ bằng cách tỏ thái độ rõ ràng. Chúng ta phải thấy rằng những gì Philippines làm mà chống lại những điều sai trái của TQ vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, chúng ta phải ủng hộ Philippines. Ví dụ như việc Philippines kiện ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển rằng TQ giải thích và áp dụng sai UNCLOS ở Biển Đông hay việc TQ cố tình biến các bãi cạn trong thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông thành 1 bộ phận của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và cái gọi là “quần đảo Trung Sa”. Chúng ta cần ủng hộ mạnh mẽ Philippines trong những trường hợp cụ thể như vậy. Chúng ta phải khai thác những xu thế đang diễn ra trên Biển Đông để bảo vệ tốt nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của ta. Một số người cho rằng cứ im lặng quan sát các động thái giữa Philippines và TQ tránh để TQ nhảy vào gây căng thẳng với ta, điều này vô hình chung đã trúng kế của Bắc Kinh.
Hệ thống nhà dàn DK trên các bãi cạn, rặng san hô nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam cũng bị Trung Quốc đánh đồng vào phạm vi quần đảo Trường Sa hòng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp. |
Rõ ràng về mặt pháp lý, cái gì đúng chúng ta phải ủng hộ và nên tranh thủ trên phương diện nào đó cùng với họ duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, chia sẻ với họ trong một số vấn đề còn cái gì thuộc về nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì ta vẫn kiên quyết duy trì không thay đổi. Nếu chúng ta im lặng trong những trường hợp cụ thể này thì lợi bất cập hại. Trong quan hệ pháp lý, chúng ta có hệ thống nguyên tắc không bao giờ thay đổi dù đối tượng quan hệ với ta là ai. Dù là bạn bè cũng phải sòng phẳng và đúng luật, khi bạn bè mà vi phạm quyền lợi của ta thì ta phải nói rõ, và phải đấu tranh. Còn việc đấu tranh như thế nào sẽ còn phải căn cứ theo quan hệ của 2 bên, tuyệt đối không thể vì quan hệ bạn bè mà bỏ qua sự xâm phạm lợi ích. Không rõ ràng trong chuyện này không những không bảo vệ được những cái thuộc về sở hữu hợp pháp của mình mà còn có thể mất đi những quan hệ bạn bè mà ta đã cố công xây dựng. Chỉ có thiện chí và minh bạch như vậy mới có thể tạo ra được lòng tin chiến lược giữa các bên chứ không thể chung chung. Mặt khác cũng phải tránh cách ứng xử mang tính chất cảm tính, lúc này ca ngợi hết lời, lúc khác lại chỉ trích hết nhẽ, điều này không đúng và rất bất lợi trong các quan hệ pháp lý quốc tế.
- PV: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy