Theo thông tin từ gia đình nhà văn, cây đại thụ của văn học Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội), sau thời gian dài chống chọi với nhiều căn bệnh khác nhau.
Được biết, do tuổi cao, nhà văn Tô Hoài đã phải nhiều lần "vào ra" bệnh viện. Năm 2009, ông từng một lần vượt qua khỏi tình trạng “thập tử nhất sinh” do bệnh hiểm nghèo.
Nhà văn Tô Hoài. |
Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920 tại quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, trong một gia đình thợ thủ công.
Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: Sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Đến với văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký.
Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số tác phẩm văn học đáng chú ý như Truyện Tây Bắc.
Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác. Đến nay, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.
Truyện dài “Dế mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông dành cho những đọc giả thiếu nhi. Từ khi xuất bản lần đầu tiên năm 1942, cuộc phiêu lưu của chú dế mèn dưới ngòi bút Tô Hoài đã chinh phục hàng triệu bạn đọc các thế hệ.
Dế mèn phiêu lưu ký được tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách lập kỷ lục khi trở thành tác phẩm Văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. Gần 20 quốc gia đã dịch và phát hành cuốn sách này.