"Canh gà Thọ Xương" là một món ăn trong bút tích của Vũ Bằng?

19/10/2012 06:24
Lê Quang - Cửu Long Jewelry
(GDVN) - “Cái canh gà trong câu ca dao mà anh vừa nhắc tới, nó chính là nước luộc gà rồi ném vào mấy sợi bánh đa, thêm ít hành xanh và mùi. Đơn giản thế thôi, vậy mà cả vùng ven Hồ Tây này không ai nấu giỏi như mấy quán ở Thọ Xương, người ta đồn rằng dân Thọ Xương luộc sâm cầm nhưng không dám lộ ra vì đó là quà tiến vua. Lâu rồi, hậu thế cứ suy luận vớ vẩn vì không biết tra gốc gác của câu chữ”.
LTS: Xung quanh vụ việc liên quan đến cô giáo Hà Thủy và món ăn Canh gà Thọ Xương, Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục cập nhật ý kiến đa chiều từ phía độc giả. Sau đây là bài viết Lê Quang - Cửu Long Jewelry trên diễn đàn Facebook. Theo độc giả, canh gà Thọ Xương vốn là canh gà Thọ Xương. Đây là món ăn nơi Hồ Tây ngon nổi tiếng vì có vị ngọt của sâm cầm nhưng gần như ngày nay tất cả mọi người đều nghĩ nó chỉ là tiếng gà gáy chuyển canh.

Cả xã hội dốt cứ ngồi chê nhau. Chưa biết cái này có đúng không nhưng mình thấy cách giải thích hợp lý hơn "gà gáy chuyển canh" nhiều.
Có những niềm tin, dù quan trọng với cả nhân loại hay chỉ là chuyện vặt vãnh, nhưng nếu nó sụp đổ thì ta đau đớn lắm. Sau vụ cô giáo nhập viện vì canh gà Thọ Xương, thoạt tiên tôi đã vô cùng thương cảm, rồi suy đi nghĩ lại càng thương cô ấy hơn. Rõ là thên hạ vẫn quen cái kiểu đánh hôi hèn hạ, người ta ngã còn cố đạp thêm.


Những comment đa chiều của độc giả trong bài viết trên diễn đàn Facebook.
Những comment đa chiều của độc giả trong bài viết trên diễn đàn Facebook.

Xin nói thêm, từ ngày tập tọng viết lách tôi luôn gặp vấn đề với cách phiên âm Hán Việt. Thế hệ chúng tôi chỉ học qua quýt dăm bài tiếng Nga, có ai bảo cho đâu mà biết Mạnh Đức Tư Cưu lại là ông Montesquieu, Mo Yan là Mạc Ngôn, hay Mã Lý Lình Mộng Lỗ chính là nàng Marilyn Monroe diễm lệ... Vì vậy gặp phải những vụ tương tự là tôi hay tìm đến một thầy đồ già ở Bưởi để hỏi, nhà thầy cách ngõ vào nhà văn sĩ Tô Hoài đáng kính vài bước chân. Thầy năm nay đã quá ngưỡng 95, thông thạo tiếng Tàu và tiếng Pháp, viết thư pháp như rồng bay phượng múa, nghe nói ông nội thầy hay được triệu vào kinh để chép chiếu chỉ cho vua (?), vào lúc giao thời thầy còn bỏ công tự học tiếng Đức tiếng Anh và gõ laptop nhanh hơn cả tôi! Đối với tôi, thầy là pho tự vị thâm hậu. Được bữa nào mát giời, nghe thầy kể những kỷ niệm cá nhân với Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Lang Quê, hay chuyện người bạn vong niên vốn là đạo chích quy chính, thậm chí còn học thành tài và được cả vùng Đồ Sơn kính cẩn phong danh hiệu An Biên học sĩ mà Nguyên Hồng làm gốc để dựng nên hình tượng Năm Sài Gòn (trong Bỉ Vỏ) thì chỉ có há hốc mồm không ngậm lại được. Tuy nhiên, vì một uẩn ức nào đó mà thầy không bao giờ viết mấy giai thoại đó ra giấy.
Tối nay mua được ít chả quế Ước Lễ thơm phức còn nóng hổi, tôi đưa đến biếu thầy nhắm rượu. Ngồi lân la thế nào mà động đến đề tài “cô giáo canh gà” đã nhắc ở trên. Rồi thế là, sau khi tiếp thầy, tôi kiếm cớ chạy vội về nhà để lên mạng. Bởi vì một sự kiện động trời như vậy không thể chứa chất lâu trong lòng, tôi phải kể ngay cho các bạn nghe. Cũng để bênh vực cô giáo tội nghiệp. Cũng để vả vào mặt những kẻ không biết gì hơn ai mà lại thích dạy đời.
“Ở tuổi này, tôi tha thiết gì nữa mà góp một câu vào chuyện thiên hạ”, thầy tôi nói thế. “Nhưng anh chịu khó quẳng hộ thầy một chuyện lên mạng. Giữa đường thấy chuyện bất bình, tôi chẳng thể nhắm mắt đi qua được”. Hôm nay thầy không đụng đũa vào miếng chả, cũng chẳng uống giọt rượu nào. “Các cô các cậu thời nay thì giỏi ngoại ngữ lắm, thế có biết câu nói của Bộ trưởng tuyên truyền Goebbels thời Hitler không?” thầy đọc một tràng rồi mới nhận ra là tôi chẳng hiểu gì tiếng Đức. “Dịch đại khái là "If you repeat a lie often enough, it becomes the truth". Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái mệnh đề đảo của câu trên sẽ là "nếu người ta chôn kín một sự thật đi đủ lâu thì thế giới sẽ cho đó là chuyện bịa".
Tôi chẳng hiểu gì cả.
“Thế này nhé”, thầy khoan thai tiếp, “cái canh gà trong câu ca dao mà anh vừa nhắc tới, nó chính là nước luộc gà rồi ném vào mấy sợi bánh đa, thêm ít hành xanh và mùi. Đơn giản thế thôi, vậy mà cả vùng ven Hồ Tây này không ai nấu giỏi như mấy quán ở Thọ Xương. Người ta đồn rằng, dân Thọ Xương luộc sâm cầm nhưng không dám lộ ra vì đó là quà tiến vua. Lâu rồi, hậu thế cứ suy luận vớ vẩn vì không biết tra gốc gác của câu chữ”.

Nói đoạn, thầy đứng dậy, lên gác lấy xuống một cuốn vở vàng khè. Lại một phát hiện động trời nữa, làm tôi không tin ở mắt mình. Đó là cuốn vở mà nhà văn Vũ Bằng đích thân ghi nháp cho bút ký ẩm thực "Miếng ngon Hà Nội" lẫy lừng!

“Khổ quá, hồi ấy tôi cũng dại mồm góp ý cho Vũ Bằng đừng viết nhiều chuyện ăn uống. Người Tràng An ăn uống cảnh vẻ lắm, dĩ thực vi tiên mà, nhưng đưa lên mặt giấy e rằng nó nhuốm màu phàm tục. Có lẽ vì vậy mà ông ấy cắt xén khá nhiều. Có một câu này, ông ấy bỏ đi, mà cả ông ấy lẫn tôi đều không ngờ là nó làm các cô các cậu thời nay đánh nhau vỡ đầu. Thôi, anh đã có công đến đây thì tôi cho anh xem nốt”.
Thầy chỉ cho tôi một đoạn viết bằng bút sắt, của Vũ Bằng, nét chữ đã hơi nhòe nhưng dễ đọc.
Và tôi không tin ở mắt mình. Không sao tin nổi. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Vũ Bằng viết: “Tương Bần, cà Láng, dưa La/ Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương”.
Lê Quang - Cửu Long Jewelry