Tác hại khôn lường khi tổ chức kiểm tra học kỳ sớm, bớt của học trò cả tuần lễ

12/01/2021 07:03
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kế hoạch kiểm tra học kì của sở giáo dục, phòng giáo dục thường được đẩy lên trước … 1 tuần.

Biên chế năm học năm nay, phần lớn các địa phương trên cả nước có cơ cấu 35 tuần thực học, thay vì 37 tuần như một số địa phương đã làm trước đây.

Trong 35 tuần thực học, có 18 tuần ở kì I, 17 tuần ở kì II.

Một số địa phương thực hiện kiểm tra học kì I vào tuần 17, giới hạn kiến thức ra đề kiểm tra ở tuần 16, cá biệt có địa phương giới hạn tuần 15 [1].

Nhà trường, giáo viên được tự chủ về chuyên môn, bất cứ ai làm phân phối chương trình đều dành tiết kiểm tra học kì I vào tuần 18, học kì II vào tuần 35.

Thế nhưng, khi thực hiện kiểm tra học kì các cơ sở giáo dục đều thực hiện theo … kế hoạch của sở giáo dục, phòng giáo dục! Kế hoạch kiểm tra học kì của sở, phòng thường được đẩy lên trước … 1 tuần!

Khi kế hoạch kiểm học kì được đẩy lên trước 1 tuần, buộc giáo viên phải thay đổi kế hoạch dạy học của mình. Bài mới dạy ở tuần 16,17 ở học kì I (34,35 ở kì II) sang tuần sau mới dạy để dành tiết ôn tập cho học sinh chuẩn bị kiểm tra.

Cái lợi của kiểm tra học kì sớm

Cái lợi của kiểm tra học kì sớm lớn nhất mà học sinh và giáo viên đều nhận thấy, đó chính là kiến thức dùng để ra đề sẽ được giảm bớt một phần, đề kiểm tra có thể “nhẹ nhàng hơn”.

Bên cạnh đó, giáo viên có thời gian chấm bài, vào sổ dài hơn; nhà trường có thời gian tổng hợp số liệu báo cáo lên cấp trên đảm bảo sớm.

Học sinh làm bài kiểm tra học kì. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Học sinh làm bài kiểm tra học kì. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Học trò lợi đâu chả thấy

Tâm lý học trò sau khi kiểm tra xong chẳng khác quả bóng xì hơi, phần lớn đã chuẩn bị tâm thế … vui chơi thoải mái, mà thực tế từ các năm học trước …. đã là như thế!

Giáo viên sau khi kiểm tra xong, nhận bài, tranh thủ chấm, đơn giản nhất là … chấm trên lớp.

Tâm lý, tâm thế của cả thầy và trò đều … tương tự nhau, nên tiết học không thể nào đạt yêu cầu, trò chẳng thiết học, thầy chẳng muốn dạy.

Với môn học có 1 tiết/tuần, ít nhất còn 1 bài chưa học, với các môn học có 2, 3, 4 tiết/tuần thì số bài chưa học sẽ lớn hơn.

Như vậy, chính các sở, phòng khi đẩy lịch kiểm tra học kỳ sớm cả tuần đã tạo nên khoảng trống trong tiến trình tiếp thu kiến thức của học trò.

Điều nguy hại hơn, chính những tiết học cho có, vui là chính, của học trò; tranh thủ chấm bài, nhập điểm, ngồi cho hết tiết để ký sổ đầu bài của thầy, gây mất niềm tin của phụ huynh, học sinh vào nhà trường, thầy cô.

Không ít phụ huynh đã chủ động cho con nghỉ học sau khi đã kiểm tra học kì vì thấy con đi học trở nên vô nghĩa.

Như vậy, kiểm tra học kì sớm, chúng ta đang … bớt của học trò ít nhất 1 tuần! Nếu cả hai học kì, tiến hành kiểm tra sớm, học trò đã mất 2 tuần.

Theo ý kiến người viết, các địa phương tuyệt đối không nên kiểm tra học kì sớm, hãy tôn trọng kế hoạch dạy học của cá nhân, nhà trường đã lên từ đầu năm học, kiểm tra vào tuần 18 với kì I (tuần 35 với kì II).

Muốn kiểm tra đề chung, cần phân công lại thời khóa biểu, đảm bảo tiết kiểm tra là tiết học cuối cùng của học kì.

Giáo viên tuyệt đối không được đưa bài kiểm tra lên lớp để chấm vì lý do kịp thời cho tiến độ báo cáo của nhà trường.

Giãn tiến độ báo cáo 1 tuần sau khi kiểm tra, với các phần mềm quản lý giáo dục hiện nay, lãnh đạo ngành chỉ cần vài lần kích chuột là có toàn bộ số liệu, vì vậy không cần yêu cầu nhà trường báo cáo ngay sau khi ... vừa tổ chức kiểm tra xong, gây áp lực cho giáo viên phải đưa bài lên lớp chấm.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://sgddt.dongnai.gov.vn/chi-dao/van-ban/kiem-tra-va-so-ket-hoc-ki-i-bac-trung-hoc-nam-hoc-2020-2021-d3730.h

Lê Mai