Tòa soạn Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin của một phụ huynh tại quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp nêu, các tài liệu dạy-học của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn rất kém về nội dung.
Vị phụ huynh này cho rằng, xem các tài liệu dạy-học do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn trong 3 năm gần đây (2018,2019,2020), thì thấy có nhiều sai sót, mà không hề được đính chính, làm sai lệch các kiến thức cơ bản của học sinh.
Nhiều người không hiểu cho các em học sinh lớp 6 học Lịch can chi để làm gì? (ảnh: P.L) |
Ví dụ: Tài liệu dạy-học Toán lớp 6, trang 92 có bài về Lịch can chi. Phụ huynh không hiểu rằng, việc dạy cho các cháu học sinh chỉ mới học lớp 6 học về Lịch can chi nhằm mục đích gì? Có thực tế với cuộc sống hàng ngày không?
Bài toán ở tài liệu dạy-học Toán 8, trang 46 (ảnh: P.L) |
Tài liệu dạy-học Toán lớp 8, trang 46 thì có đưa ra một toán yêu cầu học sinh tính diện tích của hồ chứa (theo dạng hình hộp chữ nhật), cho chiều cao và thể tích của hồ.
Phụ huynh nói rằng, mình đã có hàng chục năm sống học tập, làm việc cả trong và ngoài nước mà cũng phải “bó tay”, nhờ các giáo sư về toán học giải hộ.
Các tài liệu do Thành phố Hồ Chí Minh có giá đắt gấp vài lần so với giá của sách giáo khoa hiện hành, cụ thể là Toán có giá 59.000 đồng/cuốn.
Ngày 24/11/2020, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, một thạc sĩ về Toán học đang giảng dạy bậc trung học cơ sở ở quận 1 cũng nhận định, một số bài toán của tài liệu dạy-học này biên soạn gượng ép, thiếu tính thực tế.
Như bài toán của tài liệu lớp 8 đưa ra hơi gượng ép so với các bài toán của Việt Nam, do dịch từ sách của nước ngoài, khi chuyển đổi thì gặp vấn đề. Các bài toán đề ra không rõ ràng.
Tại nơi người này đang giảng dạy, sách giáo khoa vẫn được sử dụng giảng dạy chính, còn tài liệu dạy-học này chỉ là tham khảo, học sinh mua thêm để có thêm bài tập làm vào buổi học thứ 2 ở trường, chứ sách giáo khoa thì không có nhiều. Thường thì giáo viên sẽ lựa chọn phần nào ổn, tốt thì dạy.
Phân tích cụ thể vào bài toán lớp 8 này, thầy Hồ Sỹ Đông – Giáo viên trường trung học cơ sở Võ Nguyễn Giáp, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang khẳng định, yêu cầu của bài toán thiếu hẳn chữ “đáy”, có nghĩa là phải yêu cầu tính diện tích đáy hồ chứa (theo dạng hình hộp chữ nhật mới đúng), khi đề bài cho thể tích và chiều cao.
Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 9 cũng đồng tình với quan điểm này, khi ông (dạy Toán lớp 9) nói rằng, yêu cầu của bài toán lớp 8 (trong cuốn tài liệu này) thiếu hẳn chữ “đáy”,có thêm dữ liệu này thì học sinh mới dễ hiểu hơn.
Còn việc cho học sinh học Lịch Can chi thì chỉ nằm ở bài đọc thêm, để cho học sinh biết thêm.
Đồng quan điểm này, cô Hà Tú Trinh (giáo viên trường trung học cơ sở Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khi đọc đến bài toán của tài liệu lớp 8, trang 46 đã nhấn mạnh: Yêu cầu của bài toán đã không rõ ràng, không tường minh để học sinh hiểu.
Nếu đề bài cho học sinh dữ liệu của thể tích, chiều cao thì phải là tính diện tích đáy hồ chứa (theo dạng hình hộp chữ nhật). Như vậy, tài liệu này đã in thiếu hẳn chữ “đáy”.
Do theo công thức: Thể tích (V) = Diện tích đáy (S đáy) x h (chiều cao), thì có thể suy ra S đáy = Thể tích (V) / chiều cao (h).
Được biết, Tài liệu dạy-học Toán trung học cơ sở do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà Xuất Bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn.
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh viết lời nói đầu của tài liệu.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, đúng là bộ sách Tài liệu dạy-học này do Sở phối hợp với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, có tất cả 4 môn là Toán, Lý, Hóa và Tin học.
Theo vị đại diện này, nói chung, giáo viên của các trường được phép chọn bất cứ tài liệu nào được phép xuất bản để dạy học cho học sinh, miễn là phải dạy theo đúng, đủ chuẩn kiến thức, chương trình, kỹ năng đã được quy định.
Việc xuất bản, sử dụng các tài liệu hay sách tham khảo thì căn cứ vào thông tư 21/2014/TT-BGDĐT, về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Thầy cô thấy tài liệu tham khảo nào hay, thì đề xuất với tổ chuyên môn, rồi thảo luận và đề xuất với trường, giới thiệu cho phụ huynh và học sinh mua để học.
Nếu tài liệu có những điều chưa đúng, thầy cô phải điều chỉnh, tổ trưởng tổ chuyên môn cần tập huấn cho giáo viên.
“Chương trình là chuẩn, tài liệu là để phục vụ cho chương trình, học liệu trong tài liệu có thể chưa đúng, hoặc không phù hợp thì giáo viên phải thay đổi lựa chọn để dạy” – một vị phụ trách về chuyên môn của Sở nói.