Tâm sự cùng con nhân Ngày nhà giáo

18/11/2016 06:28
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Con không nên đặt nặng chuyện quà cáp, không nên phân biệt thầy cô dạy môn chính hay phụ khi tặng quà và hãy nghĩ đến những thầy cô giáo cũ trong ngày 20/11.

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được một bức thư của một người cha gửi đến con trai của mình nhân Ngày nhà giáo Việt Nam. Tác giả là thầy Lê Xuân Chiến, cũng là một giáo viên tại một trường THPT ở Quảng Nam.

Đây là những tâm sự chân thành của một phụ huynh về tình cảm thầy trò, về cách tặng quà cho thầy cô, về những giá trị cao đẹp của nghề giáo.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Con yêu quý, bấy lâu nay bố quá bận rộn bươn chải lo toan cuộc sống gia đình, không có dịp tâm sự cùng con. Nay bố cũng không rảnh lắm nhưng có vài điều muốn tâm sự cùng con nhân Ngày nhà giáo.

Tâm sự nhân Ngày nhà giáo? Chắc con ngạc nhiên lắm phải không? Ngày nhà giáo có liên quan gì đến bố nhỉ? À, thôi thì từ từ nhé con, hãy nghe bố nói nào...

Sao nặng chuyện quà cáp?

Ngày 20/11 đến gần, con và các bạn con chộn rộn chuyện quà cáp để tặng thầy cô. Nào là quà gì, có ý nghĩa không, có giá trị không, thầy cô có thích không. Hôm qua bố thấy các con bàn nhau nửa tiếng vẫn chưa xong.

Ngày 20/11 là ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Báo Giao thông)
Ngày 20/11 là ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Báo Giao thông)

Sự lựa chọn của các con đâu phải cho một vài thầy cô? Hàng chục thầy cô, làm sao các con chọn những món quà như ý cho từng người được. Bố rất vui vì thấy các con ngoan, biết nghĩ theo kiểu người lớn. Theo “kiểu” người lớn thôi con nhé, các con còn ngây thơ làm sao!

Bố muốn khuyên các con rằng, đến thăm các thầy cô nhân Ngày nhà giáo các con đừng nặng chuyện quà cáp. Quà tặng mang ý nghĩa tinh thần là chính.

Món quà tặng nào dù có giá trị lớn đến đâu, xét cho cùng (theo nghĩa trong sáng) nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho tấm lòng của người tặng mà thôi.

Công ơn thầy cô như trời bể, các con làm sao chọn được những món quà tương xứng? Nghề giáo thanh bạch lắm, các thầy cô chẳng đòi hỏi gì đâu, miễn là học trò có tấm lòng quý mến mình.

Bố không ngăn các con “hào phóng” với các thầy cô nhưng các con đang còn đi học, mai này có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, các con nghĩ đến thầy cô cũng chưa muộn.

Các con chăm ngoan, học giỏi, lễ phép, vâng lời thầy cô, đừng ngỗ nghịch ương bướng... để thầy cô không phải lo lắng, trăn trở, phiền lòng, đó là món quà có giá trị nhất đối với quý thầy cô giáo. Bố tin chắc như vậy, con ạ. 

Đi thăm thầy cô hay là dịp đi chơi?

Con chưa đến nỗi nào nhưng bố dặn trước con điều này: đừng biến ngày đi thăm thầy cô thành ngày vui riêng của các con. Bố biết có một số bạn con, sáng ngày 20/11 rời khỏi nhà, nói với bố mẹ mình là đi thăm thầy cô nhưng “mất tăm mất dạng”, chẳng đến thăm thầy cô nào cả. Xin tiền phụ huynh đi cà phê cà pháo, hát karaoke, ăn nhậu, chơi game, đàn đúm với bạn bè đến tối, đến khuya mới về... Các con có biết rằng thầy cô bị “oan” không?

Tâm sự cùng con nhân Ngày nhà giáo ảnh 2

Suy nghĩ về "cái phong bì" của một người thầy!

(GDVN) - Không phải những phong bì hay món quà xa xỉ với thầy, cô món quà vô giá lớn nhất là sự biết ơn chân thành của học trò dành cho mình.

Như bố đã nói, thầy cô không hề đòi hỏi, thầy trò quý nhau ở tình cảm thôi mà. Nhưng một số bạn không ngoan của con thì học yếu, ý thức cũng yếu nốt, học hành sa sút, kết quả cuối năm làm cho bố mẹ hết sức bất ngờ, bị sốc. Một số phụ huynh trách nhầm thầy cô sao không quan tâm đến con mình, mặc dù Ngày nhà giáo phụ huynh cũng nghĩ đến thầy cô. Bố hỏi con, nếu phụ huynh nghĩ thế thì có tội cho các thầy cô không?

Thầy cô giáo môn chính, môn phụ?

Các con năm nay lớp 12 rồi nhưng bố thấy các con còn cạn nghĩ quá. Thầy cô nào cũng là thầy cô đáng kính cả, “một chữ cũng thầy”, sao các con phân biệt “thầy cô môn chính”, “thầy cô môn phụ”? Bố nghe buồn cười quá.

Thầy cô chủ nhiệm, thầy cô dạy môn Toán, môn Văn, môn Thể dục, Công nghệ đều đáng kính trọng như nhau, vì các thầy cô đều là người đem đến cho các con nguồn tri thức và kỹ năng sống, dạy cho các con biết điều hay lẽ phải, làm người tử tế.

Các con phải xóa bỏ ngay sự phân biệt môn chính, môn phụ trong học tập cũng như sự phân biệt đối xử với các thầy cô, dù có thể các con không cố ý.

Sao không đến thăm thầy cô giáo cũ?

Bố có cảm giác các con “tri ân” thầy cô theo kiểu “mùa vụ”. Thầy cô nào đang dạy mình thì các con đến thăm hỏi, chúc mừng, còn thầy cô nào không dạy mình nữa thì các con “quên” luôn. 

Các con cần dành chút thời gian đến thăm thầy cô giáo cũ, những người từng dìu dắt các con từng nét chữ đầu tiên, dạy các con đọc từng chữ cái. Các thầy cô cấp 1 sẽ rất xúc động khi có học trò cũ đến thăm, các con ạ.

Các thầy cô đang dạy các con hôm nay, ngày mai cũng sẽ là “thầy cô giáo cũ”, các con nên nhớ điều đó. Bố không bắt các con phải đi thăm tất cả thầy cô giáo cũ trong dịp này, nhưng muốn các em biết nghĩ và hiểu điều đó.

Sau này các con trưởng thành nên nhớ họp lớp, mời các thầy cô đến để tri ân, thăm hỏi. Lớp của bố vừa kỷ niệm 20 ngày ra trường, mời tất cả thầy cô giáo cũ cấp 1, 2 đến dự lễ tri ân, các thầy cô rất xúc động, nhiều cô giáo không cầm nổi nước mắt.

Bố không có ý bắt các con rập khuôn theo thế hệ của bố, làm thế nào tùy các con, nhưng ngày nay biết nghĩ tới, mai sau các con mới làm được.

Vì sao con và bố mẹ kính trọng thầy cô?

Dù khi trưởng thành cuộc đời thành đạt, thăng tiến đến đâu, nhưng ai cũng một thời làm học trò, có những người thầy, người cô của mình. Mỗi người ra trường, trưởng thành rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái lại có các thầy cô của con mình. Cả xã hội ai cũng kính trọng quý thầy cô vì lẽ đó. 

Và còn sâu xa hơn nữa, con biết không, vì sao con và bố mẹ kính trọng thầy cô ? Vì thầy cô, con và bố mẹ đều chung một con đường, một mục tiêu đặc biệt: sự khôn lớn, trưởng thành của con.

Con khôn lớn trưởng thành lên từng ngày, không chỉ bố mẹ vui mà thầy cô cũng vui không kém. “Mục tiêu” của bố mẹ cũng là mục tiêu của các thầy cô. Con và bố mẹ đều kính trọng thầy cô vì lẽ đó.

Mục tiêu của con, của bố mẹ và thầy cô bao giờ cũng thống nhất với nhau, nên chúng ta quý mến nhau, quan tâm đến nhau. Điều này rất thiêng liêng, trong sáng.

Bố muốn nói với con rằng, đặc thù công việc của nghề giáo là bao giờ cũng hợp tác, đồng hành, chia sẻ, không bao giờ có chuyện cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu “thương trường là chiến trường”. Nghề giáo do vậy rất cao quý. Cả xã hội nể trọng nhà giáo vì điều này, con ạ.

Vì sao cả xã hội đều tôn vinh người thầy? Vì mục tiêu trồng người của người thầy cũng là mục tiêu trồng người của xã hội. Con hãy ghi lấy điều đó, càng quý trọng người thầy, các con sẽ ngày càng khôn lớn trưởng thành hơn. Đừng quên công cha, áo mẹ, chữ thầy...

    Lê Xuân Chiến