Thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề: Có cần thiết duy trì đội sao đỏ trong các nhà trường?
Các ý kiến khách quan, thẳng thắn đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải. Vậy những người trong cuộc mà cụ thể là chính các em sao đỏ nói gì?
Con không muốn làm sao đỏ
H.H.V. một học sinh được bồi dưỡng làm sao đỏ từ năm lớp 5 đến nay (lớp 8) liên tục khẩn nài cô giáo phụ trách đội cho mình thôi chức vụ sao đỏ.
Trong mắt các học sinh, đội sao đỏ có vẻ là một cái gì đó rất quyền lực, rất ghê gớm. Nhưng, thực tế đối với V. và nhiều sao đỏ khác chẳng hề thích thú với công việc này thậm chí là bị ép buộc.
Mỗi sáng, V. phải dậy sớm và đi học sớm để còn làm công tác sao đỏ. Nhiệm vụ của V. bắt đầu khoảng 30 phút trước khi tiết học đầu tiên diễn ra và được phép vào lớp muộn hơn 5 phút. Do vậy quỹ thời gian của cô bé phải bó hẹp lại.
“Một, hai ngày thì không sao nhưng bọn con phải làm suốt 9 tháng học. Ngày nào cũng phải đi sớm về muộn.
Sáng thì phải đến sớm nhất lớp, chiều thì về muộn nhất lớp. Có những hôm buổi chiều có bạn xin nghỉ, cô phụ trách lại điều con đến. Đến xong trực khoảng 30 phút rồi về, chiều các bạn tan học lại đến tiếp”.
Khi được hỏi bên cạnh việc mất nhiều thời gian, làm sao đỏ con có thấy vui không? V. cho biết: “Không vui đâu ạ!”.
“Thời gian đầu thì cũng có vui nhưng sau dần con nhận ra là các bạn ít chơi với con hơn. Từ khi con làm sao đỏ thi các bạn có vẻ không vui với con.
Ví dụ như trước có bạn G.H. hay chơi với con nhưng một lần bạn đi muộn bị con ghi tên vào sổ sao đỏ. Sau đó, bạn không chơi với con nữa mà còn bảo con là cậy sao đỏ với cả tinh tướng.
Con làm sao đỏ bị nhiều bạn ghét hơn trước mặc dù con chẳng làm gì sai cả. Nếu không ghi tên các bạn vào sổ sẽ bị nhắc nhở còn nếu ghi tên vào thì các bạn lại ghét con. Nhiều lúc con rất là tủi thân và muốn xin nghỉ”.
Cũng theo V. nhiều bạn lại thích xin vào làm sao đỏ bởi làm sao đỏ sẽ có nhiều quyền lợi như được cộng điểm chuyên cần, được các thầy cô quý mến... Với cả nhiều bạn cũng thích ra oai với các bạn khác cho nên rất thích làm sao đỏ”.
Tổng kết lại, V. cho biết: “Nói chung đối với bản thân con việc làm sao đỏ rất là vất vả và áp lực. Nhiều lần con đã xin thầy cô phụ trách cho nghỉ nhưng không được sự đồng ý”.
Nhiều phụ huynh lo ngại thứ quyền lực từ sao đỏ sẽ khiến cho con em họ trở nên hợm hĩnh, trịch thượng. |
Cháu bị áp lực từ việc làm sao đỏ
Mẹ của V. chị V.H.G. cho biết:“Cháu cảm thấy mệt mỏi vì việc phải làm sao đỏ. Ngày nắng cũng như ngày mưa ngày nào cháu cũng phải có mặt sớm nhất và về muộn nhất so với các bạn trong lớp. Việc này khiến cháu bị mệt mỏi vì phải làm quá nhiều việc một lúc.
Gia đình đã nhiều lần ý kiến với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ trách đội xin cho cháu được nghỉ nhưng giáo viên nài nỉ bảo rằng cháu đã có kinh nghiệm làm sao đỏ và động viên gia đình để cháu tiếp tục làm”.
Chị G. phân tích việc làm sao đỏ không chỉ khiến cho cháu mất nhiều thời gian mà bên cạnh đó trong nhiều trường hợp con tâm sự con bị bạn bè xa lánh, thậm chí là bị tẩy chay vì con “liêm khiết quá”. Các bạn xin tha nhưng con không cho.
Chị G. còn cho biết có rất nhiều phụ huynh cũng đang lo lắng con cái họ bị hư hỏng do việc làm sao đỏ.
Nhiều phụ huynh chia sẻ con cái sau mỗi buổi đi học về lại hào hứng kể cho bố mẹ hôm nay phạt được những ai, thu được những cái gì.
Họ lo rằng thứ quyền lực vô hình này sẽ khiến cho con của họ trở thành kẻ hợm hĩnh, bắt nạt bạn bè.
“Nhiều người bạn của tôi có con làm sao đỏ cũng rất lo lắng vì tính nết cháu thay đổi khá nhiều. Họ lo sợ con của họ sẽ bị cô lập hoặc tách biệt bởi những thứ quyền lực vô hình.
Theo tôi trẻ còn nhỏ không nên cho tiếp xúc với quyền lực vì lâu dần cháu sẽ sinh ra sự hợm hĩnh, trịch thượng.
Nhiều bà mẹ kể với tôi là trước khi con họ làm sao đỏ cháu rất ngoan hiền nhưng từ khi làm sao đỏ cháu đã biết bắt đầu trêu chọn bạn bè, thậm chí nhiều cháu còn dọa các bạn để mượn đồ chơi thậm chí là nộp tiền. Điều này rất nguy hiểm”.
Hoạt động của Sao đỏ sẽ trở nên vô cùng hiệu quả nếu như nhà trường xây dựng được mô hình và quản lý tốt. Ảnh: Báo Đăk Lăk điện tử |
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chức danh sao đỏ
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia và các thầy cô về vấn đề: có nên bỏ chức danh sao đỏ trong trường học hay không? Và chúng tôi cũng nhận được những phản hồi trái chiều.
Theo đó, thầy Bùi Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương cho biết: Quan điểm của trường là không thành lập đội cờ đỏ. Các công việc theo dõi, chấm điểm các lớp là của thầy Tổng phụ trách đội.
Một ý kiến khác cũng cho rằng việc trao chức danh sao đỏ cho các em có thể là mầm mống của bạo lực học đường. Hoặc sẽ hình thành cái tính trịch thượng, cậy uy quyền bắt nạt bạn bè.
Ngược với những quan điểm trên thầy giáo Thiên Ấn đưa ra quan điểm không thể bỏ sao đỏ đi được. Lý do thầy đưa ra là đội cờ đỏ trong học sinh vẫn cần thiết để các em, các lớp “tự quản”, thi đua lẫn nhau vào đầu buổi, thời gian nghỉ giải lao…
Nếu việc quản lý đội cờ đỏ tốt thì đây là một mô hình hoạt động hiệu quả sẽ san sẻ bớt gánh nặng quản lý cho các thầy cô.
Như vậy vấn đề: Có nên bỏ đội sao đỏ hay không vẫn còn nhiều tranh cãi và những góc nhìn khác nhau. Nhưng, ngay từ bây giờ các nhà trường cần có những hoạt động và quản lý tổ chức này để phát huy tính hiệu quả và tinh thần “sao đỏ”.