Giá trị đích thực của bóng đá là giải trí, là cạnh tranh lành mạnh, là sự thể hiện tinh thần thể thao. Thế nhưng bóng đá Việt Nam thì thế nào? Đá xấu, đá bẩn, bán độ, đá giữ chân. Cầu thủ Việt Nam đá bóng thì không hay, trình độ thì không giỏi, nhưng nhận lương thì cao và sinh hoạt một cách bừa bãi, thậm chí nghiện hút. Một nền bóng đá như thế thì quy luật tất yếu là khán giả sẽ bỏ rơi bóng đá. Có thể không phải là khán giả thế hệ này, nhưng là khán giả thế hệ sau. |
Tôi đưa con tôi đi đến sân vận động mà xem những cảnh bạo lực, những cảnh phi thể thao của bóng đá như thế, tôi sẽ không để cháu đến xem bóng đá thêm lần nào nữa, và những đứa trẻ như con tôi cũng sẽ không bao giờ đến xem bóng đá. Tôi thậm chí sẽ không cho con tôi đi học đá bóng, bởi nếu cháu trở thành một cầu thủ bóng đá giàu có nhưng lại đi theo con đường hút xách, tôi thà để cháu học trở thành một họa sĩ, một nhạc công, hay một anh kế toán giúp ích cho đời. |
Và một khi khán giả bỏ rơi bóng đá, thì thưa các cầu thủ Việt Nam, các anh sẽ chỉ còn nước ra đường mà tự kiếm cơm cho mình. Không ai bỏ tiền mua vé đến sân vận động, không ai bỏ thời gian xem trên truyền hình, và cũng không ai bỏ thời gian để viết những bài báo như thế này để khen ngợi hay chỉ trích các anh. Các cầu thủ Việt Nam các anh khi đó sẽ chẳng hơn gì những người lái xe ôm sớm khuya đưa đón khách, hay những người giúp việc ngày ngày lo cơm nước cho nhà chủ. Các anh sẽ chẳng là gì cả trong mắt công chúng. |
Nhưng tôi có một niềm tin rằng, người Việt Nam sẽ không bao giờ hoàn toàn bỏ rơi bóng đá. Kiều bào ở Thái Lan vẫn đến xem các tuyển thủ ĐTQG thi đấu, thậm chí màu cờ đỏ của các CĐV Việt Nam rực rỡ một góc khán đài sân Rajamangala trong ngày mà ĐTVN chơi trận cuối cùng của AFF Cup 2012, trận đấu mà đội tuyển ở vào tình thế tuyệt vọng nhất. Sẽ luôn có người Việt Nam dõi theo bước chân của các cầu thủ. |
Vậy thì, thưa các cầu thủ Việt Nam, gửi cả những người may mắn đang có việc lẫn người đang thất nghiệp, các anh hãy than phiền ít thôi và ra sân đá bóng đi. Nếu các anh đá hay, đá đẹp, đá sạch, khán giả sẽ lại đến, truyền hình sẽ lại quay phim, báo chí sẽ lại viết về các anh, và từ đó các anh sẽ được nhận những đồng lương xứng đáng với công sức bỏ ra, các CLB của các anh sẽ được khán giả địa phương lẫn khán giả cả nước mến mộ và quan tâm. Thậm chí nếu các anh đá hay, các CLB sẽ không phải lôi những ông da màu làm nghề hái cà phê ở châu Phi về cái xó xỉnh Việt Nam này để đá bóng nữa. |
Và, các anh hãy đá bóng bằng ý chí, bằng nghị lực và sống một cuộc sống ngoài đời trong sạch. Các anh hãy làm gương, không chỉ cho những cầu thủ đi sau nói riêng mà cả thế hệ trẻ Việt Nam nói chung. Các anh hãy tự hỏi tại sao thanh niên bây giờ cuồng nhiệt với các ngôi sao Hàn Quốc hơn là hâm mộ các anh? Một phần chính là bởi lối sống buông thả của các anh đấy! |
Tình yêu bóng đá Việt Nam được nuôi dưỡng bởi niềm tự hào. Hãy đá bóng đi các cầu thủ Việt Nam, một khi các anh đá hay thì khán giả sẽ yêu mến các anh, cánh phóng viên chúng tôi sẽ lại đổ xô đến để ghi lại khoảnh khắc các anh ghi bàn, và một ngày nào đó, chúng tôi có thể tự hào rằng mình đã mang tới cho hơn 80 triệu người Việt Nam hình ảnh các anh một lần nữa đứng sừng sững trên bục vinh quang với chức vô địch Đông Nam Á trên tay. Người ta đã nói, Lao Động là Vinh Quang. |
Độc giả Thanh Tùng