Tân Hoa xã chê vũ khí trang bị của Philippines toàn đồ lạc hậu

13/05/2013 07:03
Đông Bình
(GDVN) - Về hải quân, tàu chiến ra biển quốc tế là phải thả neo, về Không quân lấy máy bay huấn luyện phòng thủ không phận, Lục quân thì toàn đồ cổ
Philippines mua tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ
Philippines mua tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ

Trang mạng xếp hạng sức mạnh quân sự thế giới nổi tiếng "Global Firepower" vừa công bố bảng xếp hạng sức mạnh quân sự thế giới năm 2012 (chỉ tiêu đánh giá không có lực lượng hạt nhân). Theo bảng xếp hạng này, Mỹ vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, Trung Quốc đứng thứ ba. Trong khi đó, Philippines đứng sau CHDCND Triều Tiên, thực lực quân sự tổng thể của họ đứng thứ 23 trên thế giới.

Nhân sự kiện này, Tân Hoa Xã đã đăng bài viết nói về sức mạnh của quân đội Phillipines.

Hải quân: Trang bị lạc hậu, ra vùng biển quốc tế là phải thả neo

Binh lực: 260.000 quân.

Bộ Tư lệnh Hạm đội tác chiến: 1.

Bộ Tư lệnh Vùng (biển): 6.

Lữ đoàn Thủy quân đánh bộ: 4.

Tàu chiến hiện có: 114 chiếc.

Kênh chính để tăng cường trang bị: Mua hàng cũ của các nước phương Tây.

Tháng 8/2011, Mỹ bàn giao 1 chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton cũ cho Philippines, chiếc tàu chiến cũ do Mỹ chế tạo này được đổi tên thành BRP Gregorio del Pilar, trở thành tàu chiến tiên tiến nhất của Hải quân Philippines.

Tàu hộ vệ BRP Rajah Humabon PF-11 duy nhất của Hải quân Philippines lượng giãn nước 1.750 tấn.
Tàu hộ vệ BRP Rajah Humabon PF-11 duy nhất của Hải quân Philippines lượng giãn nước 1.750 tấn.

Nhưng có chuyên gia cho rằng, chiếc tàu này hoàn toàn không phải là tàu chiến, mà là tàu tuần phòng nghỉ hưu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, tương đương với tàu hải giám Trung Quốc.

Tàu tuần phòng chỉ trang bị 1 pháo hạm 76 mm và một số pháo cỡ nhỏ, hoàn toàn không trang bị bất cứ loại tên lửa nào, toàn bộ dựa vào pháo hạm. Tương đương với pháo hạm thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bình luận viên quân sự Lưu Tử Quân cho rằng, lực lượng hải quân chính của Philippines là một số tàu chiến nghỉ hưu của phương Tây. Chẳng hạn, tàu quét mìn của Mỹ, tàu tuần tra của Anh, còn có một số tàu đổ bộ xe tăng thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai của Pháp, Mỹ.

Có thể nói, rất nhiều tàu chiến của Philippines là sản phẩm của thập niên 50 của thế kỷ trước, thậm chí thuộc thập niên 1940. Những trang bị này rất lạc hậu, một khi ra vùng biển quốc tế, chẳng mấy chốc mà phải thả neo, thậm chí đều không có chức năng tác chiến.

Không quân: Máy bay huấn luyện đóng vai trò chính, trông đợi vào máy bay cũ của nước khác

Hiện nay, quy mô của Không quân Philippines đã từ hơn 20.000 quân ở thời kỳ đỉnh cao giảm xuống còn hơn 7.000 quân, trang bị hơn 220 máy bay (bao gồm 100 máy bay trực thăng thông dụng UH-1H cũ); trong số các máy bay cánh cố định không có một chiếc máy bay chiến đấu.

Máy bay trực thăng UH-1H của Không quân Philippines
Máy bay trực thăng UH-1H của Không quân Philippines

Đối với vấn đề này, Tư lệnh Không quân Philippines, Trung tướng Oscar Rabena cũng phàn nàn rằng: "Năng lực phòng thủ của chúng tôi rất thấp, bởi vì chúng tôi chỉ có máy bay huấn luyện phụ trách phòng thủ không phận, hơn nữa năng lực radar của chúng ta cũng rất có hạn".

Trung tướng Rabena tiết lộ, trọng điểm nhiệm vụ hiện nay của Không quân Philippines là hỗ trợ Lục quân duy trì an ninh trong nước, bởi vì việc mua sắm máy bay chủ yếu tập trung vào máy bay chống bạo loạn, kế hoạch mua sắm cụ thể gồm có 8 máy bay trực thăng vũ trang/thông dụng, 14 máy bay trực thăng vũ trang, 10 máy bay trực thăng UH-1H, 1 máy bay C-130H mới và 3 máy bay vận tải hạng nhẹ.

Trong đó, máy bay trực thăng vũ trang/thông dụng đã lựa chọn W-3 Sokol của Ba Lan, trị giá khoảng 60 triệu USD; máy bay trực thăng vũ trang lựa chọn AH-1 cũ của Israel, chi khoảng 64,8 triệu USD. Nhưng, do túng quẫn về ngân sách, những khoản tiền này phải vài năm mới thanh toán được, điều này cũng có nghĩa là máy bay mua mới cũng phải vài năm nữa mới có thể đưa vào hoạt động.

Mục tiêu lâu dài của Không quân Philippines là mua máy bay chiến đấu động cơ phản lực, theo đó Philippines cũng đã đưa ra kế hoạch mua sắm mang tên "Đường chân trời". Theo kế hoạch, Philippines sẽ lựa chọn trong số các loại máy bay như F-16, F/A-18C/D, Mirage-2000 và MiG-29.

Không quân Philippines đặt mua 12 máy bay tấn công-huấn luyện T/A-50 của Hàn Quốc
Không quân Philippines đặt mua 12 máy bay tấn công-huấn luyện T/A-50 của Hàn Quốc

Lục quân: pháo cũ trang bị nòng mới, đồ cổ hàng thật

Lực lượng vũ trang Philippines do quân chính quy, quân dự bị và lực lượng bán quân sự tạo thành, trong đó quân chính quy có tổng quân số là 109.000 quân. Lục quân hiện có 66.000 quân, biên chế thành 8 sư đoàn bộ binh, 23 lữ đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn thiết giáp, 5 lữ đoàn tác chiến đặc biệt, 1 đội bảo vệ Tổng thống.

Pháo binh Philippines cũng nhỏ yếu. Philippines vốn chỉ có lựu pháo Type M-101 do Mỹ sản xuất vào thập niên 40 của thế kỷ trước. Nhưng, thời gian quá lâu, Lục quân Philippines lại không có tài chính thay đổi lựu pháo kiểu mới.

Vì vậy, vào năm 1996, Philippines đã ký kết hợp đồng với tập đoàn công nghiệp vũ khí Pháp (GIAT), cải tạo 12 lựu pháo M-101 cho Lục quân Philippines. Trong việc cải tạo này, công ty GIAT lắp bộ phận nòng lựu pháo hạng nhẹ LG1-Mk-II 105 mm của họ cho mâm pháo M-101 được sản xuất từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nghĩa là, Lục quân Philippines chỉ mua 12 nòng pháo mới lắp đặt cho mâm pháo cũ.

Trang bị của Lục quân Philippines là một số đồ cổ hàng thật giá thật, trong đó 41 xe tăng chủ lực hiện có là xe tăng hạng nhẹ Fv-101 Scorpion do Anh chế tạo. Đây là xe tăng trinh sát hạng nhẹ do Anh nghiên cứu chế tạo vào thập niên 60 của thế kỷ trước, bắt đầu trang bị cho quân đội vào tháng 1/1972.

Xe tăng hạng nhẹ Fv-101 Scorpion trọng lượng chiến đấu là 8,1 tấn, dài 4,79 m, rộng 2,35 m, tốc độ tối đa 79 km/giờ, kíp chiến đấu 3 người. Trang bị 1 pháo nòng 76 mm và 1 súng máy 7.62 mm.

Máy bay vận tải C-130 của Philippines hạ cánh xuống đảo Thị Tứ trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN vào tháng 12/1996.
Máy bay vận tải C-130 của Philippines hạ cánh xuống đảo Thị Tứ trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN  vào tháng 12/1996.
Máy bay huấn luyện S-211 của Không quân Philippines. Philippines mua 13 chiếc máy bay loại này từ Italia.
Máy bay huấn luyện S-211 của Không quân Philippines. Philippines mua 13 chiếc máy bay loại này từ Italia.
Philippines mua máy bay trực thăng vũ trang W-3 Sokol của Ba Lan
Philippines mua máy bay trực thăng vũ trang W-3 Sokol của Ba Lan
Lựu pháo M-101 105 mm của lực lượng Pháo binh Philippines, do Mỹ chế tạo
Lựu pháo M-101 105 mm của lực lượng Pháo binh Philippines, do Mỹ chế tạo
Xe tăng hạng nhẹ Fv-101 Scorpion của Lục quân Philippines, do Anh chế tạo
Xe tăng hạng nhẹ Fv-101 Scorpion của Lục quân Philippines, do Anh chế tạo
Đông Bình