(GDVN) - “Tôi không muốn khoác áo ĐTQG nữa vì phương pháp huấn luyện của HLV Falko Goetz thực sự không phù hợp với tôi”. Cần phải hiểu thế nào về phát biểu ấy của Tấn Trường, nếu không phải là một sự mặc cả rõ ràng, “tôi sẽ không mặc áo tuyển chừng nào ông Goetz còn là huấn luyện viên”.
Tuyên bố sốc của Tấn Trường: “Tôi không muốn khoác áo ĐTQG nữa…”
'Người nhện' Tấn Trường bị loại khỏi danh sách đi Macau
Thời Henrique Calisto còn ngồi ghế huấn luyện tuyển Việt Nam, ông Tô từng thốt lên đầy kinh ngạc rằng: “Tôi không hiểu vì sao lại có những cầu thủ không muốn khoác áo đội tuyển quốc gia”. “Lần nào tập trung cũng có người đến muộn hoặc xin ra về với những lý do thiếu thuyết phục. Tại sao lại có cách hành xử thiếu chuyên nghiệp như vậy? Bóng đá Việt Nam đã chuyển sang chuyên nghiệp mười năm qua nhưng cách hành xử của nhiều tuyển thủ là không chuyên nghiệp”, ông Tô than thở. Rõ ràng, với một người tới từ nền bóng đá phát triển như ông thì chuyện một cầu thủ từ chối nghĩa vụ quốc gia là một điều gì đó quá đỗi bất ngờ.
Tấn Trường đã thay đổi nhiều so với 18 tháng trước. Ảnh: Quang Minh |
Michael Ballack đã 35 tuổi nhưng vẫn không từ bỏ quyết tâm chơi cho ĐTQG dù luôn bị Joachim Loew ruồng rẫy. Trong khi ấy, Tấn Trường mới 25 tuổi lại ra điều kiện để mặc cả. Mặc cả với VFF, mặc cả với màu cờ sắc áo đội tuyển và mặc cả với nhiệm vụ Tổ quốc. Tất cả chỉ vì một lý do hết sức không rõ ràng mà chính anh cũng không giải thích nổi.
Hai năm về trước, Tấn Trường từng gây ấn tượng mạnh với hành động quả cảm - anh quyết nhịn đau thi đấu dù trật khớp vai. Ký ức Viêng Chăn chưa quá xa. Ngày 17/12/2009, chàng trai người Đồng Tháp đã dính chấn thương quá nặng ở trận chung kết SEA Games với Malaysia nhưng anh nằng nặc không chịu rời sân, U23 Việt Nam sau đó thua nhưng người hâm mộ đã phải cảm phục tinh thần chiến đấu bền bỉ của Tấn Trường.
18 tháng sau, Trường để lại một hình ảnh rất khác với một phát ngôn rất khác. Tấn Trường đã thay đổi và sự thay đổi ấy bắt đầu từ cái ngày anh gia hạn hợp đồng với mức lương mới hậu hĩnh và khoản lót tay 5 tỷ. Như chính Tấn Trường từng thổ lộ, anh đã xây được nhà và mở tiệm để đổi đời nhờ số tiền ấy.
Từ câu chuyện của Dương Hồng Sơn cho tới Bùi Tấn Trường, chúng ta nhận ra một sự mâu thuẫn lớn giữa một bên là nghĩa vụ ở đội tuyển quốc gia, một bên là quyền lợi của CLB - nơi trả lương và trả… tiền lót tay cho cầu thủ. Mâu thuẫn ấy luôn hiển hiện và ngày càng khốc liệt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn đang chập chững trên con đường đi lên chuyên nghiệp thực thụ.
Lê Công Vinh đã ghi bàn trở lại cho đội tuyển sau 500 ngày ‘đen tối’ với scandal, chấn thương và những u sầu. Nhưng cú hat-trick ở sân Thống Nhất được đánh đổi bởi quá nhiều nỗ lực và những giọt mồ hôi. Công Vinh đã bỏ tiền túi thuê chuyên gia thể lực và từng có ý định bán xe chữa chấn thương. Bởi thế, chiến tích ngày hôm nay càng trở nên đáng quý.
Hồng Sơn và Tấn Trường - những thủ môn bạc tỷ của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI |
“Ông Goetz bảo thủ lắm”, Tấn Trường than thở với phóng viên Giáo Dục Việt Nam. Nhưng chẳng phải chính cầu thủ của chúng ta mới là những người bảo thủ nhất.
Bảo thủ trong cách thức tiếp cận chiến thuật, phương pháp huấn luyện mới. Bảo thủ trong ý thức về sự tương tác hai chiều với huấn luyện viên. Bảo thủ trong cái lối so đọ giữa quyền lợi của bản thân với màu cờ sắc áo của đội tuyển…
Nguyễn Đỉnh
* Là một người hâm mộ bóng đá và yêu đội tuyển Việt Nam, bạn có cảm nghĩ gì khi được nghe tuyên bố mới của thủ môn Tấn Trường? Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam qua hộp thảo luận phía cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu để chúng tôi tiện đăng tải)! Trân trọng cảm ơn!