Điểm cao ngất ngưởng vẫn “stress”
Những ngày đầu tháng 8, Phòng khám tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia phải đón tiếp khá nhiều BN bị tâm thần vì lý do này. Ấn tượng nhất đối với các BS ở khoa thời điểm này là trường hợp của một nam thanh niên 18 tuổi, ở Hà Nội. Tuy đang ở độ tuổi ăn, ngủ nhưng em cho biết mình thường xuyên bị mất ngủ, đau đầu, nhưng có lúc lại ngủ nhiều mê mệt nên cảm thấy rất mệt mỏi.
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân của việc mất ngủ triền miên chính là những lo lắng về vấn đề học hành. Theo BN này cho biết, em vừa trải qua kỳ thi đại học và đã đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân với số điểm khá cao (26 điểm), nhưng em vẫn lo lắng về những ngày trước mắt. Không biết mình sẽ ăn, học, sinh hoạt thế nào?. Tiếp xúc với môi trường mới ra sao, bạn bè, thầy cô thế nào?.
Chuyện lo lắng về học hành đã ám ảnh bệnh nhân này tới mức: Từ trước khi thi đại học, ngoài áp lực phải thi đỗ, em còn thường xuyên lo về chuyện mình nộp hồ sơ nhưng nơi nhận hồ sơ có nhận được không? Người ta có bỏ sót tên mình không? Liệu số báo danh có gì nhầm lẫn không?. Hậu quả của những chuỗi ngày dài lo lắng và ám ảnh, cao điểm là sau khi biết đỗ đại học, em buộc phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị.
Không đỗ đại học… cũng “sốc”
Các BS Phòng Điều trị tâm thần nam và tiền chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cũng không khỏi ám ảnh trước câu chuyện của một học sinh nữ tên T, quê Nam Định. Suốt 12 năm học T là học sinh giỏi của lớp nên bản thân em rất cũng như gia đình đặt rất nhiều hy vọng vào sự thành công của em. Thế nhưng, năm đầu tiên thi đại học, T đã bị trượt. Sự thất bại này đã trở thành cú sốc lớn đối với T cũng như gia đình và bạn bè của em. Vì vậy trong năm học này, T đã quyết tâm ôn thi để đỗ đại học bằng được.
Để chuyên tâm vào việc thi cử, những ngày gần thi, T luôn đóng chặt cửa phòng, tuyệt giao với mọi mối quan hệ bên ngoài, có lúc ăn uống em cũng thực hiện tại phòng kín luôn. Thế nhưng, mọi hy vọng của em đã vỡ tan khi ngay trong môn thi đầu tiên của kỳ đại học, em không làm được bài.
Buồn chán và thất vọng, T định bỏ thi nhưng gia đình vẫn động viên em thi tiếp. Không hiểu vì sao, hai môn thi tiếp theo T cũng không thể tập trung để làm bài tốt. Và chuyện gì đến đã phải đến, chỉ 4 ngày sau kỳ thi, T phải nhập viện trong tình trạng liên tục la hét, đập phá đồ đạc và vỗ ngực tự cho mình là tài giỏi…
Đừng tạo quá nhiều áp lực
Bác sĩ (BS) Trịnh Bích Huyền, Phòng khám Viện sức khỏe tâm thần QG cho biết, cả hai BN trên đều bị loạn thần do áp lực học hành, đỗ đạt và phải điều trị bằng thuốc một thời gian dài, nhưng chừng nào còn áp lực học hành, bệnh tình của các vẫn còn dai dẳng. Không chỉ ở bước ngoặt là thi đại học, có những em thi lên cấp 3, thi vào trường chuyên, lớp chọn cũng bị căng thẳng, rối loạn lo âu. Biểu hiện đầu tiên là bệnh nhân bị ám ảnh, luôn luôn lo lắng những điều không đâu như: Hồ sơ, số báo danh, có thất lạc ảnh, có bị bỏ sót?.
BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cũng cho biết, với bệnh tâm thần, ngoài nguyên nhân nội sinh từ cơ thể, còn có yếu tố môi trường (tác động tâm lý). Yếu tố môi trường nằm trong cả quá trình phát triển của trẻ, nằm trong cuộc sống gia đình.
Nếu gia đình tạo áp lực con phải học giỏi sẽ khiến cháu bé cảm thấy mình không thể lùi, chỉ có thể tiến, và điều này sẽ tạo sức ép lớn. Nhiều cháu chỉ biết học, không va chạm với bên ngoài, cuộc sống thu gọn vào bên trong khiến các cháu bị đẩy vào 2 trạng thái hoặc hời hợt về cảm xúc, hoặc thể hiện sự quyết đoán bằng những hành động “bùng nổ”.
Nếu ở thể nhẹ, biểu hiện chỉ thoáng qua. Nhưng trường hợp nặng, trẻ dễ mặc cảm dẫn đến có thể bỏ nhà ra đi, hoặc tự tử. Ở thể nặng tức là trẻ đã có vấn đề về loạn thần.
BS. Dũng khuyến cáo, để tránh trẻ bị loạn thần từ việc học hành, gia đình nên kịp thời động viên khuyên nhủ dù con thành công hay thất bại. Nếu con thắng lợi, bố mẹ cũng phải động viên con, giúp con ở trạng thái vui vẻ để con bước tiếp.
Những thí sinh thi hỏng, gia đình nên động viên để con hiểu, hỏng lần này thì làm lại lần sau, và thi hỏng không phải điều gì kinh khủng. Với chuyện học hành nói chung, không nên tạo điểm sáng chói trong học tập và ép con hướng theo. Để tránh sự loạn thần ở trẻ có nguyên nhân từ học hành, còn cần yếu tố nhà trường. Nếu bệnh thành tích hết thì sức ép học hành cũng giảm, và sự loạn thần của trẻ do học hành chắc chắn cũng sẽ giảm theo.
NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT |
|
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn mập mờ hay thí sinh chưa rõ quy chế? |
|
ĐIỂM NÓNG |
|
Theo PLVN