Như chúng ta đã biết tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng với giáo viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở trường phổ thông nghĩa là hình thành năng lực dạy học giúp giáo viên có ý chí vươn lên tìm tòi sáng tạo trong hoạt động dạy học, tự tin, vững vàng hơn trong truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Đồng thời, giúp giáo viên bổ sung, cập nhật kiến thức mới, làm phong phú nội dung bài học và thực hiện tốt được các nhiệm vụ dạy học - giáo dục ở trường phổ thông.
Tuy nhiên từ nhìn nhận thực tế, vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên mới chỉ dừng lại ở việc “điểm danh, ghi tên”.
Là một giáo viên, đã và đang tham gia nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho rằng:
“Nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên nhiều địa phương trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn bởi lẽ nội dung tập huấn, bồi dưỡng mang tính chất hình thức, nặng về lý thuyết.
Hơn nữa, năng lực của một số cán bộ bồi dưỡng còn không ít hạn chế, yếu kém, chủ yếu truyền đạt theo hướng một chiều nghe cán bộ bồi dưỡng thuyết giảng, hoặc là những chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên ở một số địa phương trong những năm học trước.
Vậy nên, nội dung tập huấn, bồi dưỡng đó không giúp ích cho giáo viên khi chỉ gói gọn trong 1-2 buổi”.
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho rằng, thay vì trông chờ vào các buổi tập huấn thì các trường phổ thông nên tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn cấp cụm trường mỗi năm ít nhất 1-2 đợt. (Ảnh minh họa: Báo Ninh Thuận) |
Và khi bước vào năm học mới trong quá trình tổ chức hoạt động dạy và học sẽ phát sinh nhiều thách thức, khó khăn mới ví như trình độ nhận thức thức của học sinh khóa sau sẽ khác biệt với khóa trước, trình độ nhận thức của học sinh giữa các địa phương cũng khác nhau.
Do đó, nếu áp dụng kinh nghiệm tổ chức hoạt động dạy học theo những năm học trước hoặc áp dụng kinh nghiệm của giáo viên không cùng một địa phương sẽ không đem lại hiệu quả của bài học.
Thầy Hướng nêu ví dụ, kinh nghiệm tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên nội thành không thể áp dụng cho giáo viên ngoại thành. Vì không áp dụng được nên giáo viên thấy không có động lực khi đi tập huấn.
“Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “điểm danh, ghi tên””, thầy giáo này chỉ rõ.
Có thầy cô đến tập huấn chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội |
Từ thực tế này nhiều người cho rằng, chúng ta nên dẹp các buổi tập huấn tập trung thay vào đó là có những buổi hoạt động chuyên môn. Không đồng tình với ý kiến này, thầy Hướng cho rằng:
“Tôi còn hoài nghi về tính hiệu quả của các buổi sinh hoạt chuyên môn. Ví như: việc thao giảng dự giờ, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học... ở nhiều nhà trường chưa thực hiệu quả”.
Thầy Hướng kiến nghị, thay vì trông chờ vào các buổi tập huấn thì các trường phổ thông nên tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn cấp cụm trường mỗi năm ít nhất 1-2 đợt vào giữa học kì 1 và học kì 2.
Nếu được như vậy thì mọi giáo viên đều có cơ hội được tham gia bồi dưỡng tập huấn, tránh được tình trạng “tam sao thất bản”.
Hơn nữa, khi triển khai nội dung bồi dưỡng thực hành triển khai trực tiếp với học sinh cụm trường đó thì rất hữu ích với giáo viên.
"Trình độ nhận thức của học sinh trong cùng một cụm trường sẽ có nhiều điểm tương đồng do đó thông qua những hội thảo như vậy giáo viên sẽ có thể chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm thành công khi tổ chức hoạt động dạy học, phương pháp dạy học ở đơn vị mình cho các giáo viên khác trong cụm trường tham khảo, học hỏi, góp ý, đề xuất, định hướng các giải pháp nâng cao chất lượng để hoạt động dạy học đạt hiệu quả tốt nhất", thầy Hướng nhấn mạnh.
Đồng thời, việc tổ chức Hội thảo vào giữa học kỳ 1 và học kỳ 2 rất hữu ích với giáo viên, vì giúp họ có những điều chỉnh kịp thời trong việc tổ chức hoạt động dạy học, phương pháp dạy học để làm phong phú nội dung bài học, cũng như đem lại hiệu quả của bài học.